Thức dậy với cơn đau cứng cổ và không thể quay đầu, người phụ nữ ngoài 40 tuổi ở Hà Nội đã đến một cơ sở spa để massage, xoa bóp.
Tại đây, chị được nhân viên spa xoa bóp, bấm huyệt và giác hơi (hỏa liệu pháp) để giúp chị giảm đau nhức ở vùng cổ và có thể quay đầu. Tuy nhiên, sau một ngày được xoa bóp trị liệu tình trạng đau cứng cổ càng nghiêm trọng. Bệnh nhân đau nhức, tê bì vai phải, cổ cứng và hoàn toàn không thể quay đầu. Lúc này bệnh nhân mới tìm đến bác sĩ.
Xoa bóp, bấm huyệt không đúng cách có thể gây thương tật (Ảnh minh hoạ)
Sau khoảng 30 phút được bấm huyệt, xoa bóp trị liệu đúng cách, bệnh nhân dần ổn định và có thể vận động vùng cổ vai gần như bình thường.
Chia sẻ tại cuộc họp thông tin về chương trình giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn Đông y, chiều 22-6, Thầy thuốc Nhân dân-PGS-TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cho biết xoa bóp, bấm huyệt là một phương pháp vật lý trị liệu nhằm phục hồi sức khỏe sau một ngày làm việc mệt nhọc hoặc phục hồi bệnh lý.
Tuy nhiên, có những người sau khi xoa bóp, xông hơi chẳng những không khỏe ra mà còn bầm tím người, ê ẩm hơn, có khi sai khớp, gãy xương, thậm chí tử vong. Nguyên nhân thường do nhân viên thiếu chuyên môn xoa bóp, bấm huyệt không đúng cách và không phù hợp với thể trạng bệnh nhân. "Do đó, những người làm việc liên quan đến lĩnh vực này cần phải đào tạo bài bản và nắm rõ các chỉ định cũng như chống chỉ định" - PGS Cảnh lưu ý.
Nói về nhân lực ngành Đông y hiện nay, PGS Cảnh cho biết cả nước có gần 70.000 hội viên, với khoảng 10.000 lương y. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% lương y của Hội Đông y Việt Nam được cấp giấy phép hành nghề.
Theo PGS Cảnh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 có hiệu lực từ ngày 1-1-2024 quy định, lương y phải có giấy phép hành nghề và là hội viên của Hội Đông y Việt Nam. Với quy định này nhiều lương y chưa đủ điều kiện để hoạt động, thậm chí trở thành hành nghề ''chui''.
PGS Cảnh cho biết đang đề xuất chương trình đào tạo cho đối tượng lương y chưa có chứng nhận hành nghề
Vừa qua, Hội Đông y Việt Nam đã chủ động xây dựng Chương trình giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn Đông y cho hội viên. Chương trình đào tạo này có thời gian 5 năm, dựa trên nền tảng chương trình đào tạo bác sĩ chuyên ngành y học cổ truyền của các Trường Đại học y dược trong cả nước, có bổ sung phần kiến thức Đông y.
Hiện Hội Đông y Việt Nam đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chủ trì tổ chức các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn Đông y cho hội viên.
Thầy thuốc Nhân dân-TS Đỗ Thế Lộc, Phó Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cho biết khi được Thủ tướng giao nhiệm vụ, Hội sẽ phối hợp, chỉ đạo 63 Hội Đông y cấp tỉnh, thành phố và các Chi hội Đông y trực thuộc, tổ chức giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn Đông y cho hội viên và những người có nhu cầu hành nghề lương y trên hệ thống Đông y toàn quốc.
Theo PGS Cảnh, khi hoàn thành chương trình, học viên sẽ tham gia kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề. Nếu đạt chuẩn sẽ được Viện Đông y Việt Nam cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục, đồng thời Hội Đông y Việt Nam sẽ lập danh sách trình cấp có thẩm quyền cấp ''Giấy chứng nhận lương y'' và đề nghị Sở Y tế, hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp ''Giấy phép hành nghề lương y''.