Chiều ngày 23 tháng 11 năm 2023, một vụ thảm kịch đã xảy ra. Tiểu Lâm (đã thay đổi họ tên), một nữ thạc sĩ trở về sau khi tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng, đã nhảy ra khỏi cửa sổ phòng mình và tử vong, chỉ 17 ngày trước ngày cưới.
Tiểu Lâm tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Thành phố London và thạc sĩ tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. Năm 2018, cô gia nhập Chi nhánh Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) tại An Huy thông qua chương trình tuyển dụng của trường.
Vào tháng 11 năm 2023, Tiểu Lâm đã xin lãnh đạo nghỉ phép để chuẩn bị cho đám cưới nhưng bị từ chối. Không những vậy, cô còn bị giao thêm nhiều công việc, đặc biệt là việc xử lý hồ sơ giấy tờ trong ba năm. Trong các ngày 20, 21 và 22 tháng 11 đó, cô đã có hơn mười cuộc trò chuyện với lãnh đạo, trong đó cuộc dài nhất kéo dài 20 phút.
Theo nội dung tin nhắn giữa cô, bạn trai và gia đình, Tiểu Lâm nhiều lần nhắc đến việc bị giao thêm việc sau khi xin nghỉ phép và bị lãnh đạo chỉ trích. Cô liên tục than phiền rằng: "Em không thể chịu đựng được nữa", "Em sẽ xin giấy nghỉ ốm", "Bọn họ đang cố đuổi em đi à?"...
Sau vụ việc, cha mẹ Tiểu Lâm đã kiện Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) chi nhánh An Huy và cấp trên trực tiếp của cô - bà Trần, yêu cầu bồi thường 200.000 nhân dân tệ (680 triệu đồng) cho việc cô tự tử và 272 triệu đồng (80.000 nhân dân tệ) cho thiệt hại tinh thần.
Gia đình cô cáo buộc những bên này đã xâm phạm quyền sống và sức khỏe của Tiểu Lâm.
Ngày 22 tháng 1 năm 2025, Tòa án quận Bảo Hà, thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy tuyên bố Tiểu Lâm tự tử và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) chi nhánh An Huy không có lỗi.
Tuy nhiên, để xoa dịu gia đình cô, tòa án yêu cầu ngân hàng bồi thường 280.000 nhân dân tệ (952 triệu đồng) vì lý do nhân đạo, đồng thời bác bỏ các yêu cầu khác. Mẹ của Tiểu Lâm tuyên bố sẽ kháng cáo.
Bà Trần, cấp trên trực tiếp của Tiểu Lâm, khẳng định bà chỉ mới làm việc với Tiểu Lâm trong thời gian ngắn và không có ác ý với cô. Trước khi xảy ra sự cố, hai người không thường xuyên liên lạc, chỉ bàn bạc về công việc. Bà Trần cho biết Tiểu Lâm sắp được thăng chức và cần xác nhận hoạt động trong hệ thống, nên bà đã gọi điện cho cô và gia đình cô nhiều lần. Theo kết quả điều tra nội bộ, bà Trần không vi phạm quy định.
Từ góc độ tâm lý, Tiểu Lâm có thể là người nhạy cảm, hướng nội. Dưới áp lực kép từ công việc và cuộc sống, cô không có khả năng điều chỉnh cảm xúc hiệu quả. Cô cũng có kỳ vọng nhất định về môi trường làm việc, nhưng khi bị từ chối nghỉ phép và chịu thêm áp lực, cô rơi vào tình trạng bế tắc tâm lý.
Môi trường ngân hàng vốn có áp lực cao, yêu cầu khắt khe, nhân viên phải làm việc với cường độ lớn trong thời gian dài, dẫn đến gánh nặng tinh thần. Bên cạnh đó, mất cân bằng quyền lực tại nơi làm việc khiến nhân viên khó phản kháng trước những yêu cầu vô lý từ cấp trên. Ngoài ra, cơ chế truyền thông nội bộ của công ty chưa hiệu quả, khiến nhân viên không thể bày tỏ nhu cầu và giải quyết vấn đề.
Vụ việc của Tiểu Lâm là lời cảnh tỉnh về những áp lực vô hình tại nơi làm việc và sự cần thiết của các biện pháp bảo vệ sức khỏe tâm lý cho nhân viên. Không chỉ doanh nghiệp, mà cả xã hội cũng cần chung tay để xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh và công bằng hơn.
Nguồn: 163