Xôn xao hình ảnh học sinh được dạy đi trên thảm rải thủy tinh để thể hiện lòng dũng cảm

Quỳnh Trân, Theo Trí Thức Trẻ 16:13 24/08/2015

Trong ngày 24/8, rất nhiều người đã chia sẻ ảnh chụp trang sách dạy kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 với bài tập đi trên thảm thủy tinh để thể hiện lòng dũng cảm. Ngay sau đó, hình ảnh một buổi thực hành đi trên thảm thủy tinh của học sinh cấp 2 cũng được lan truyền chóng mặt.

Dạy trẻ dũng cảm vượt qua nỗi sợ bằng cách đi trên thảm thủy tinh

Một hình ảnh chụp trang sách dạy trẻ về lòng dũng cảm được chia sẻ trên facebook thời gian gần đây. Với câu chuyện mà thầy cô kể cho học sinh rằng: "Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt cả lớp và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi và An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh, nhờ vậy mà An đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng. Khi đi qua rồi, An thấy thảm thủy tinh không đáng sợ như mình nghĩ và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng, cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh”.

Hình ảnh minh họa là một cô bé đang đứng yên trên tấm thảm rải thủy tinh giữa sàn nhà. Theo sách này, sau khi thầy cô kể chuyện sẽ là phần thảo luận của học sinh. Các học sinh thảo luận quanh vấn đề: "Em đã dũng cảm như thế nào? Em kể về sự dũng cảm của mình cho các bạn cùng nghe”.

bece2f8998666595be50976e54ab2fe70-c707f
Trang sách dạy về lòng dũng cảm khiến người xem hốt hoảng.

Bài học đúc kết sau câu chuyện kể này đó là: Có rất nhiều điều khiến em sợ hãi nhưng em cần dũng cảm vượt qua nó. Khi em đã dũng cảm vượt qua, em sẽ không còn cảm thấy sợ hãi nữa. Ngay sau khi hình ảnh được chia sẻ, nhiều người đã tỏ ý bất bình trước chương trình giáo dục kỹ năng ẩn chứa nhiều hiểm nguy này.

Qua tìm hiểu, được biết đây là 1 trong 5 quyển "Thực hành kỹ năng sống cho học sinh cấp 1" do TS Phan Quốc Việt (chủ biên) và đồng tác giả Nguyễn Thị Thùy Nương (nhóm Tâm Việt – một trong những trung tâm huấn luyện kỹ năng sống tại Việt Nam) biên soạn và do nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành. Trang sách dạy đi trên thảm thủy tinh nằm trong quyển "Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1".

Sach-thuc-hanh-ky-nang-song-hoc-sinh-tam-viet-group-382c3
Hình ảnh bộ 5 quyển sách Thực hành kỹ năng sống cho học sinh cấp 1.

Một facebook-er cho biết đây là một trong những kỹ năng vượt qua thử thách với những người tham gia chương trình lãnh đạo doanh nghiệp, vượt lên chính mình theo kiểu phương Tây. Nhưng khi đưa vào sách dạy cho lứa tuổi nhỏ thì không phù hợp.

Học sinh cấp 2 được thực hành kỹ năng nguy hiểm tại trường

Cộng đồng mạng chưa hết bàng hoàng khi đọc trang sách hướng dẫn đi trên thảm thủy tinh thì chỉ ít giờ sau, hình ảnh thực tế từ một trường THCS trên địa bàn Hà Nội một lần nữa gây... choáng. Những hình ảnh này được một giáo viên của trường chia sẻ trong buổi tập huấn kỹ năng do Trung tâm Đào tạo và Tư vấn phát triển ABA phối hợp với Nhà trường để tổ chức.

1-c707f
Cô giáo chia sẻ hình ảnh học sinh đi trên thảm thủy tinh khiến không ít người giật mình.

Rất nhiều người chỉ trích cách giáo dục kỹ năng này và cho rằng đây là việc làm hết sức nguy hiểm, chỉ một phút sơ sẩy có thể gây chấn thương cho các em học sinh. Một người tên V.D.K thì cho biết: "Đi trên thảm thủy tinh vốn dĩ là không sao thật . Nhưng mảnh vỡ thủy tinh không phải là món chúng ta nên thân mật với nó. Ở nhiều tình huống nó rất nguy hiểm!"

"Có rất nhiều bài học để minh họa cho lòng dũng cảm. Tại sao phải là đi trên thảm thủy tinh? Nếu các bé nghĩ rằng mình có thể đi trên thảm thủy tinh thật, rồi về đập bể chai, lọ, rải thủy tinh để đi thử trong lúc không có phụ huynh trông nom, thì hậu quả sẽ như thế nào?", một bạn có nick H.A bình luận.

thuytinh-8-4ef62
Hai học sinh cấp 2 được các thành viên của Trung tâm hướng dẫn đi trên thảm thủy tinh.

Ngày 24/8, đại diện nhà xuất bản đã liên hệ với tác giả để có những giải trình cụ thể về nội dung trong bài học đang gây hiệu ứng không tốt này. Phía Trung tâm Đào tạo và Tư vấn phát triển ABA cũng sẽ đưa ra thông tin chính thức về buổi tập huấn kỹ năng đang gây xôn xao thời gian qua.