Với nhiều người Hà Nội, chiếc ghế đá cổ bị vỡ như là "một phần tuổi thơ" bị mất đi

, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 09/02/2015
Chia sẻ

Chiếc ghế đá - ngoài lịch sử lâu năm như một chứng tích quý từ đời Lê, còn là một phần tuổi thơ của rất nhiều người Hà Nội.

Hà Nội có rất nhiều các danh thắng, địa điểm, di tích nổi tiếng. Đặc biệt là cụm di tích quanh Hồ Gươm như đền Ngọc Sơn, tháp Bút, đài Nghiên, tháp Hòa Phong... luôn được du khách và người yêu Hà Nội biết đến. 

Nhưng với người Hà Nội, thật thiếu sót nếu như bỏ qua chiếc ghế đá tọa lạc ở Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam (số 16 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm). Ngoài lịch sử ấn tượng: chiếc ghế có từ đời Lê, bà Tư Hồng phá thành Hà Nội năm 1897 đã đem chiếc ghế kê từ điện Kính Thiên ra Bờ Hồ, thế rồi trải qua bao thăng trầm của xứ kinh thành, chiếc ghế đã gắn liền với cuộc sống và in đậm trong tâm trí của bao người Hà Nội.




Chiếc ghế đá độc nhất vô nhị trở thành ký ức khó phai trong lòng người dân Hà Nội...

Người ta có thể đi hàng trăm nước, biết đến hàng nghìn địa danh, cổ vật, di tích cổ xưa ở nơi khác, nhưng kể cả không hoài cổ - họ vẫn không bao giờ quên một kỷ vật gắn liền với tuổi thơ, cùng họ lưu giữ kỷ niệm qua năm tháng. Chiếc ghế đá - không hề đơn thuần chỉ là một cái ghế nằm đó mà với người Hà Nội, đây là nơi dừng chân, nơi nghỉ ngơi, nơi hồi tưởng và lưu giữ những vui buồn đời người. Với rất nhiều người, đó còn là nơi in dấu tuổi thơ.


... đã bị vỡ tan tành vào ngày 5/2.

Một sự kiện đau lòng có lẽ cũng khiến họ không bao giờ quên: ngày 5/2 vừa qua, chiếc ghế đá độc nhất vô nhị này đã vỡ tan tành. Hai trụ của ghế vẫn đứng vững, nhưng mặt ghế là phiến đá tảng đen bóng - được mài nhẵn nhờ thời gian, nhờ hàng nghìn câu chuyện của người Hà Nội - đã vỡ làm nhiều mảnh.

Theo người dân chứng kiến vụ việc, tối hôm đó, một người đàn ông đã lùi xe ô tô ở khu vực vườn hoa trước của nhà hàng Lục Thủy và húc bay chiếc ghế đá cổ. Người dân sống quanh khu vực này không khỏi bàng hoàng và bức xúc trước sự việc bất ngờ này, sau khi tới công an phường Hàng Trống trình báo biển số chiếc xe, họ khẳng định sẽ tiếp tục lên thành phố và các cấp cao hơn trình báo để đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.


Những người dân đi qua đây, không còn nơi để nghỉ chân như trước kia nữa


Giờ đây, hai chiếc trụ ghế vẫn còn đó, khu vực Nhà Nghệ thuật đương đại Việt Nam vẫn tấp nập người qua lại, hàng dài xe ô tô vẫn đỗ kín sân để khách rộn ràng vào các nhà hàng xung quanh. Nhưng với những người Hà Nội và yêu Hà Nội, mặt đá đen bóng, nhẵn mịn và mát lạnh ngày nào - gắn liền với bao kỷ niệm buồn vui từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành của họ đã vĩnh viễn không còn, để lại sự tiếc nuối khó nói thành lời.

Sinh ra và lớn lên ở khu tập thể báo Tiền Phong - 128 Hàng Trống, chị Khanh (công tác tại một công ty cổ phần truyền thông) cho biết, sân Nhà văn hóa ngay đối diện khu tập thể là nơi vui chơi, gắn liền với tuổi thơ của lứa trẻ em như chị hồi ấy. "Ngày còn bé, chúng tôi chỉ có niềm vui duy nhất là xuống sân này chơi, vì khu tập thể Hàng Trống rất bé, mỗi căn hộ chỉ khoảng 20 - 30 mét vuông, trẻ con ngoài khoảng sân này thì chẳng còn nơi nào chơi nữa. Và đương nhiên, chiếc ghế đá là nơi chúng tôi nghỉ ngơi, bày đồ hàng ra chơi, nằm ngủ trưa, có đứa thì mẹ dắt ra đây mới chịu ăn", chị Khanh bồi hồi nhớ lại.

"Sau này, nhà tôi chuyển đến chỗ khác nhưng mỗi khi về thăm nhà cũ, tôi vẫn xuống chiếc ghế này ngồi để nhớ lại một thời trẻ con cùng với chục đứa bạn trong khu tập thể, tối đến chỉ có niềm vui là cầm đèn lồng tự chế bằng vỏ bột giặt chạy xung quanh sân Nhà văn hóa, hay dựa vào vai nhau ngồi trên chiếc ghế thân thương, quá quen thuộc ấy - rồi ba hoa bốc phét đủ chuyện trên đời"

Khi biết chiếc ghế bị vỡ tan tành, chị Khanh không khỏi ngỡ ngàng. "Nhìn cái ghế vốn lừng lững, đen bóng mát lạnh năm nào vẫn ở đó, giờ chỉ còn 2 cái trụ chỏng chơ, thật sự chỉ có những đứa trẻ lớn lên quanh nơi này mới thấy hết sự hụt hẫng", chị chia sẻ.


Người dân quanh đây vẫn bàn tán và bức xúc trước việc chiếc ghế đá bị xe ô tô lùi vào, vỡ tan tành.

Người dân quanh đây thường gọi khoảng sân, nơi đặt chiếc ghế đá cổ này, là sân Nhà văn hóa. Nơi đây từng diễn ra biết bao chương trình văn hóa nghệ thuật, là món quà tinh thần của hàng trăm hộ dân những phường, những phố Hàng Trống, Bảo Khánh, Nhà Chung hay Hàng Đào, Hàng Ngang... Cô Yến, người sinh ra và lớn lên trên phố Hàng Trống không khỏi tiếc nuối khi nhắc đến chiếc ghế đá gắn liền với cuộc sống của gia đình cô.


Cô Yến - người sinh ra và lớn lên với bao kỷ niệm gắn bó bên khoảng sân Nhà văn hóa và chiếc ghế đá cổ xưa.

Gia đình cô Yến bán nước ở đối diện sân Nhà văn hóa này, ngót nghét đã bốn chục năm. "Từ khi tôi sinh ra, mẹ tôi đã mở hàng nước phục vụ người dân xung quanh đây, tôi lớn lên cùng mảng sân Nhà văn hóa và chiếc ghế đá ấy. Mẹ tôi năm nay hơn 70 tuổi rồi, còn tôi sống gần nửa đời người, để nói về kỷ niệm với chiếc ghế đá cổ thì bao nhiêu cho xuể. Với người khác, cái ghế này là nơi nghỉ chân, chỗ ngắm cảnh Hồ Gươm. Còn với chúng tôi, khoảng sân và cái ghế là cả cuộc sống. 

Hồi bé, mỗi khi Nhà văn hóa tổ chức văn nghệ, cả nhà tôi lại kéo nhau sang đường, ngồi lên ghế háo hức xem. Ngày tôi còn bé, mẹ dắt sang đó cho ăn, các chị em thì tự sang ngồi chơi cho bố mẹ bán hàng. Đến đời các con tôi, tôi lại đưa chúng sang đấy. Cứ đến giao thừa là cả nhà băng qua đường thật nhanh để lên ghế ngồi chờ xem bắn pháo hoa. Biết bao nhiêu kỷ niệm của các thế hệ người dân trên phố Hàng Trống quanh chiếc ghế này...". Cô Yến cho biết, sáng hôm ấy ngủ dậy thấy chiếc ghế đá tan tành, cả khu nhà của cô đổ ra xem và không khỏi bức xúc trước việc phá tan tành một kỷ vật gắn liền với năm tháng biết bao đời người quanh đây.


Chú Sơn thẫn thờ nhìn về nơi đặt chiếc ghế đá - nay chỉ còn trơ lại hai bên trụ.

Thẫn thờ nhìn chiếc ghế đá lừng lững năm nào, nay chỉ còn trơ lại hai trụ, chú Sơn - người đàn ông chạy xe ôm nhà ở phố Bùi Thị Xuân, chia sẻ: "Tôi chạy xe ở đây đã hai chục năm, chưa bao giờ thấy khu vực quanh sân Nhà văn hóa đông đúc và nhộn nhạo như bây giờ. Họ để xe kín sân, khách cứ lao lên đỗ xe, hậu quả là tài xế say rượu đã húc đổ mặt đá của chiếc ghế cổ này đấy. Chiếc ghế này là nơi nghỉ chân của cánh chạy xe như tôi, những người bán nước dạo, ông già sửa xe đạp cạnh đây, những con người cũ kỹ sinh ra lớn lên ở ngóc ngách phố phường Hà Nội". Hình ảnh hàng sấu già nua, và chiếc ghế đen thảnh thơi năm nào vẫn cứ khiến chú Sơn đau đáu nuối tiếc.

Trên mạng xã hội, những người trẻ cũng bùi ngùi chia sẻ kỷ niệm với chiếc ghế đá, họ gọi đó là "chiếc ghế đá huyền thoại", bởi thật sự Hà Nội còn rất ít những kỷ vật quan trọng gắn liền với đời sống người dân hàng ngày như thế.

Anh Việt Đông (công tác tại báo An Ninh Thế Giới), tuy đang sống tại T.P HCM nhưng khi đọc tin về chiếc ghế đá tại Bờ Hồ bị vỡ, anh không khỏi tiếc nuối. Gọi nơi đây là "Điểm hẹn tuổi thơ", anh nói rằng, chiếc ghế đá đặc biệt ấy là điểm hẹn ai cũng phải biết, của toàn bộ lũ học sinh cấp 1 trường Trần Quốc Toản và cấp 2 Hoàn Kiếm ngày xưa. Tảng đá vuông vức ngồi xuống lúc nào cũng mát lạnh ấy, là chốt chặn cuối cùng của những con phố cổ chật chội, của những miệng cống lúc nào cũng róc rách thứ nước thải nặng mùi đặc trưng của một thời gian khó, để mở ra một “thiên đường” của đám nhất quỷ nhì ma: Bờ Hồ, hay là Hồ Hoàn Kiếm.

"Hồi đó, ghế đá Bờ Hồ là điểm hẹn để mở ra “thiên đường” Hồ Hoàn Kiếm, với vô vàn thú vui: đổ ve, bắt dế, câu trộm tôm, câu trộm cá, nhìn trộm các đôi hôn nhau, sang cây lộc vừng 9 ngọn để đu cây, sang đền Ngọc Sơn ngắm ba ba quần nhau… “Ghế đá Bờ Hồ” là điểm hẹn để những con mọt sách khu phố cổ hội quân, sau đó rồng rắn kéo sang hiệu sách Đinh Lễ đọc sách 'chùa'" - Anh Đông nhớ lại.

Bản thân chiếc ghế đá cũng là một “tiểu thiên đường” đối với đám học sinh: là nơi cất cặp rất an toàn để yên tâm đá bóng nhựa khi sân Nhà Thờ (Nhà Thờ Lớn bây giờ) bị các Đức cha ra lệnh cấm; là nơi có một thứ “thần dược” giải tỏa cơn khát đối với đám học sinh nghèo: có một cây me cổ thụ lúc nào cũng lúc trĩu quả… Sẽ phải có đến hàng trăm học sinh đủ mọi thế hệ, không thể nào quên được cây me cổ thụ ấy, và làm sao có thể quên nổi chiếc ghế đá...


Cư dân mạng cũng nuối tiếc khi biết tin về chiếc ghế đá.


Người Hà Nội sẽ khó có thể quên được nơi đây đã từng là một chiếc ghế với bao kỷ niệm, ký ức.

Dù không được xác nhận, hay có chức danh xác lập là kỷ vật cổ xưa của Hà Nội, nhưng chiếc ghế đá đời Lê này đã trở thành kỷ vật được người Hà Nội vô cùng trân trọng. Nhiều năm sau nữa, chuyện một người đàn ông trong lúc say rượu đã lùi xe vào khiến chiếc ghế vỡ tan tành có thể sẽ lùi vào quá khứ. Nhưng sự tiếc nuối, những nỗi nhớ rất vô hình như nhớ một thời tuổi thơ, một thời vui buồn của đời người thì hẳn rằng, sẽ day dứt lâu lắm. Những kỷ vật quý giá ấy, đâu còn nhiều ở Hà Nội...
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày