Kinh doanh trên cùng một con phố là điều rất bình thường ở bất cứ nơi đâu. Nhưng ở Hà Nội, việc cạnh tranh nhau, hoặc thể hiện rõ ràng quan điểm "không dung thứ hàng giả mạo" lại là chuyện khác hẳn. Rất nhiều cách đặt biển hiệu cười ra nước mắt, chỉ tồn tại trên phố phường Hà Nội, đậm chất "có một không hai".
Tấm biển thông báo hàng bên cạnh là giả mạo của chủ quán bún chả số 1 Hàng Mành Vài tháng trở lại đây, đi qua con phố Hàng Mành đoạn đầu cắt phố Hàng Nón, người ta không thể không chú ý tới tờ thông báo to màu đỏ, ghi dòng chữ: "Cửa hàng bún chả số 1 Hàng Mành bên cạnh là giả mạo. Xin quý khách hàng lưu ý!". Ở dưới, chủ quán còn cẩn thận dịch sang tiếng Anh để cảnh báo với người nước ngoài. Thông báo được đặt ra trong hoàn cảnh bên cạnh hàng bún chả nổi tiếng Hà Nội bao lâu nay đã có... một hàng bún chả khác, lấy tên là "Bún chả số 1 Hàng Mành".
Nhắc tới bún chả Hàng Mành, người ta chỉ nhớ đến địa chỉ duy nhất: Số 1 Hàng Mành. Nằm ngay đầu phố Hàng Mành, bún chả Đắc Kim từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc của dân Hà Nội và các du khách ngoại quốc khi tới thủ đô thưởng thức ẩm thực Hà Thành.
Hàng bún chả mới mở cũng lấy tên Bún chả số 1 Hàng Mành để... cạnh tranh với hàng cũ. Tên gọi Đắc Kim xuất phát từ những người chủ đầu tiên của quán vào năm 1966. Đến nay, người tiếp quản là các thế hệ sau trong gia đình. Đây là một căn nhà 4 tầng chỉ để phục vụ khách ăn bún chả, tuy không gian chật hẹp nhưng quán lúc nào cũng rất đông khách. Đã từ lâu, "Bún chả Hàng Mành" trở thành thương hiệu, và đã được chủ quán đăng ký tên thương hiệu cũng như tên miền trên web. Người ta ít khi nhớ tên "Đắc Kim" mà chỉ quen miệng gọi "Bún chả số 1 Hàng Mành".
2 hàng bún chả sát nhau, và đều có địa chỉ số 1 Hàng Mành nhưng thực chất chỉ có một hàng là bún chả lâu đời ở Hà Nội. Có lẽ vì thấy hàng bún chả lâu năm này ăn nên làm ra, nên cách đây 4 tháng, chủ nhà ngay sát bên cạnh đã chuyển sang kinh doanh... bún chả, và cũng đặt tên quán là "Bún chả số 1 Hàng Mành".
Việc tự dưng xuất hiện cửa hàng kinh doanh mặt hàng... y hệt mình đã khiến chủ nhà bún chả Đắc Kim không khỏi bức xúc. Ông chủ quán bún chả Đắc Kim cho biết hàng bún chả bên cạnh mở từ 4 tháng nay, nhiều khách du lịch, khách từ xa tới nghe danh "Bún chả Hàng Mành" đã vào nhầm hàng bên cạnh vì bên đó cũng lấy số 1 để đặt tên hàng. Cực chẳng đã, chủ hàng mới phải làm tấm thông báo "có một không hai" này để cảnh báo. Ông chủ chia sẻ không sợ phản ứng của hàng "nhái" bên cạnh, bởi thương hiệu Bún chả số 1 Hàng Mành đã được gia đình xây dựng bao lâu nay, trở thành thương hiệu gia truyền đặc trưng của ẩm thực Hà Nội.
Ông chủ hàng bún chả Đắc Kim bức xúc chia sẻ vụ bún chả "nhái" Mặc dù việc kinh doanh các mặt hàng giống nhau trên cùng một con phố là điều không thể tránh khỏi, người ta vẫn hay nói "Buôn có bạn, bán có phường". Thế nhưng ở Hà Nội, việc mở hàng "nhái" ngay bên cạnh hàng "xịn" vẫn là điều khiến chủ hàng "xịn" vô cùng bức xúc, còn khách thì không khỏi ngơ ngác "chẳng biết đâu là xịn, đâu là giả".
Hàng bún chả Sinh Từ trên phố Nguyễn Khuyến ngày trước cũng từng gây chú ý khi ở dưới dòng chữ "Chính hiệu hàng cũ" còn thêm một dòng Lưu ý: cửa hàng kế bên mới mở. Hiện tại thì dòng chữ này đã được gỡ bỏ bởi xung quanh không còn tồn tại những hàng "nhái". Nhớ ngày trước, đi qua con phố Nguyễn Khuyến, người ta không khỏi phì cười khi nhìn những dòng chữ trên tấm biển mà chủ nhân quán bún chả Sinh Từ viết, ngoài dòng chữ "Bún chả Sinh Từ, chính hiệu hàng cũ gia truyền" thì ở dưới là một dòng chữ nhỏ hơn "Lưu ý: Cửa hàng kế bên mới mở". Hay đi qua hàng xôi Yến ở phố Nguyễn Hữu Huân, khách cũng không khỏi băn khoăn khi chẳng biết đâu mới là hàng Yến xịn bởi có tới 2 hàng đều đặt tên Xôi Yến, lại nằm ngay cạnh nhau.
Để tìm hiểu rõ hơn về luật cạnh tranh trong kinh doanh thương mại, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nho nhỏ với Luật sư Trần Anh Dũng - Giám đốc công ty luật Đại Phúc (Hà Nội).
Theo luật sư Dũng, cần phải khẳng định việc lấy tên thương mại, nhãn hiệu… đã được dùng đặt cho hàng hóa, sản phẩm của người khác để đặt cho sản phẩm của mình, đặc biệt lại là hàng hóa, sản phẩm cùng loại khi chưa được sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu là vi phạm các quy định của Luật sở hữu trí tuệ về Quyền sở hữu nhãn hiệu.
Mặt khác hành vi này còn phạm phải điều cấm được quy định tại Điều 40 Luật cạnh tranh, đó là: Cấm "sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý và các yếu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh". Cũng theo quy định tại Điều 40 Luật cạnh tranh, "hàng hóa, dịch vụ có sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn quy định trên sẽ bị cấm kinh doanh".
Để bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu nhãn hiệu, pháp luật hiện hành khuyến cáo chủ sở hữu nhãn hiệu thực hiện đăng ký quyền sở hữu trí tuệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được bảo hộ, trừ nhãn hiệu nổi tiếng được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam vì quyền sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.
Liên quan đến vụ việc của hai quán bún chả ở phố Hàng Mành, luật sư Dũng cho biết, nếu người chủ sở hữu đích thực của nhãn hiệu Bún Chả Hàng Mành có bằng chứng thuyết phục chứng minh quyền sở hữu của mình thì pháp luật sẽ bảo hộ và cơ quan có thẩm quyền sẽ có biện pháp can thiệp thỏa đáng để bảo vệ quyền lợi cho họ khi họ có yêu cầu.
Về việc chủ hàng bún chả "xịn" ở Hàng Mành đặt tấm biển thông báo "hàng bên cạnh là hàng giả", theo luật sư Dũng, việc chủ sở hữu nhãn hiệu có biện pháp cảnh báo cho người tiêu dùng nhận biết nhãn hiệu, thật, giả là cần thiết. Nếu có đầy đủ bằng chứng chứng minh nhãn hiệu của mình bị giả mạo thì họ hoàn toàn có thể chỉ đích danh đối tượng đã làm giả nhãn hiệu, cách thức làm giả.
Như vậy, để đánh giá việc đặt thông báo tố hàng bên cạnh là hàng giả có vi phạm pháp luật hay không thì cần phải xem xét, đánh giá các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu mà họ đang có cũng như mức độ nổi tiếng của nhãn hiệu mà họ đang sở hữu nếu họ chưa có hoặc có chưa đầy đủ các văn bằng bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu.
Vậy là để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình một cách hiệu quả nhất, các chủ sở hữu nhãn hiệu đã được bảo hộ cần làm đơn tới cơ quan có thẩm quyền đã cấp văn bằng bảo hộ để các cơ quan này can thiệp giải quyết hoặc đề nghị các cơ quan quản lý ở địa phương can thiệp, buộc bên vi phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm trái phép đến quyền sở hữu nhãn hiệu của họ và bồi thường thiệt hại cho họ theo quy định của pháp luật.