Sởi “hạ nhiệt”, tay chân miệng vào mùa

Tiền phong, Theo 10:05 29/04/2014
Chia sẻ

Ngày 28/4, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Cùng với dịch sởi, dịch tay chân miệng (TCM), thủy đậu cũng đang bùng phát, có thể dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch”.

Bộ Y tế cho biết ngày 28/4, cả nước ghi nhận thêm 35 trường hợp mắc sởi. Trong ngày ghi nhận 1 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi ở Bệnh viện Nhi T.Ư, nâng số trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi lên 125 ca.

Bộ Y tế nhận định, hiện nay, phần lớn số bệnh nhân nhập viện là những trường hợp mắc bệnh nặng có liên quan đến sởi, thời gian tới có thể vẫn tiếp tục ghi nhận những trường hợp tử vong liên quan đến sởi

Gia tăng bệnh nhân thủy đậu

Theo nhận định của Bộ Y tế, bệnh thủy đậu cũng đang gia tăng tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương… PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) cho biết, bệnh nhân bị thủy đậu cũng xuất hiện rải rác. Hiện thời tiết với độ ẩm vẫn còn khá cao, đây là điều kiện cho virus phát triển mạnh.

Trước thông tin nhiều người dân lo lắng dịch sởi, thủy đậu nên cho con về quê tránh dịch, TS Huy cho rằng không cần thiết.

TS Huy khuyến cáo: “Bảo vệ sức khỏe cho trẻ bằng cách đeo khẩu trang y tế, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh tốt, dinh dưỡng hợp lý, hạn chế đến nơi đông người, lúc về nhà cần tắm gội ngay”.

Quan trọng nhất là chăm sóc da khi bé bị thủy đậu vì nhiễm trùng da là biến chứng thường gặp nhất, để lại sẹo lõm. Nặng hơn, vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu, gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não… rất nguy hiểm, có thể khiến người bệnh bị tử vong.

Sởi “hạ nhiệt”, tay chân miệng vào mùa

Thị sát các bệnh viện điều trị sởi ở TP.HCM hôm 28/4, Bộ trưởng Bộ Y tế và các thành viên trong đoàn cho biết, dịch sởi nơi đây đã giảm. Tuy nhiên, nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác lại đang “vào mùa”.

Dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết nguy hiểm hơn sởi cũng đang vào mùa. ảnh: L.N

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, dịch sởi gia tăng từ cuối năm 2013 và tăng nhiều từ đầu năm 2014. “Nếu như cả năm 2013 chỉ có khoảng 404 ca mắc thì từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã ghi nhận gần 1.500 ca mắc, chưa kể số trẻ mắc sởi từ các tỉnh” - bác sĩ Dũng nói.

Tuy nhiên, trên 90% số trẻ mắc sởi trong năm 2013 là ở độ tuổi dưới 3. Sang năm 2014, có đến 70% trẻ dưới 10 tuổi mắc sởi. Mặt khác, tỷ lệ biến chứng do sởi cũng cao hơn với khoảng 30% số trẻ bị biến chứng trước đó.

Theo bác sĩ Dũng, từ 7/3 đến nay, TP.HCM vét hơn 65.000 mũi vắc xin sởi cho trẻ. Đồng thời, các cơ sở y tế tiêm vắc xin sởi dịch vụ cũng đã chích ngừa 25.754 mũi. Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết, hai tuần nay, dịch sởi đã chững lại.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng cho biết, trong tuần qua, số ca mắc sởi không tăng. “Đầu tuần qua khoảng 90 ca điều trị nội trú. Ngày 28/4 chỉ có khoảng 80 ca, trong đó 40% số ca là các bệnh nhân từ tỉnh đổ về” - bác sĩ Châu cho biết.

Ghi nhận tại các Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, khoa Nhi Bệnh viện quận Bình Tân cũng cho thấy, số ca bệnh sởi điều trị nội trú không nhiều như các tuần trước.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, chỉ còn khoảng 30 ca mắc sởi và phát ban liên quan đến sởi, nhưng đa số đều mắc thể nhẹ, chưa có biến chứng nặng. Trong khi theo bác sĩ Nguyễn Văn Mười, Giám đốc Bệnh viện quận Bình Tân, ngày 28/4, nơi đây chỉ còn 5 ca mắc sởi điều trị nội trú, giảm hơn một nửa so với tuần trước.

Bác sĩ Mười cũng cho biết, công tác sàng lọc ngay khi khám bệnh cũng được tăng cường để tránh tình trạng những bệnh phát ban dạng sởi nhập viện không cần thiết, hạn chế lây nhiễm chéo…

Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, đến thời điểm này, TP.HCM có hơn 1.500 ca mắc sởi, tuy nhiên nơi đây chưa có ca tử vong, nhờ ưu thế thời tiết thuận lợi và điều trị tốt. Theo bà Tiến, để khống chế dịch sởi và hạn chế cả sốt xuất huyết (SXH) cũng như tay chân miệng (TCM), cần tập trung tuyên truyền mạnh ở các bệnh viện và các điểm tiêm chủng.

“Tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt 100%, trong khi đợt này dịch sởi đến chu kỳ dịch bệnh. Do đó, truyền thông rất quan trọng, qua báo chí người dân biết về nguy cơ mắc sởi mà tiêm vắc xin. Sắp tới, các bệnh viện cũng phải tập trung tuyên truyền mạnh bởi TCM cũng nguy hiểm hơn cả sởi” - Bộ trưởng Kim Tiến nói.

Dù đánh giá cao công tác điều trị sởi của khu vực phía Nam nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các tỉnh này không chủ quan với dịch SXH và TCM.

“Sở Y tế và Cục Quản lý khám chữa bệnh nhanh chóng huấn luyện điều trị SXH và TCM không để xảy ra tử vong” - bà Tiến nói. Người đứng đầu ngành y tế cho rằng, ngoài việc lọc bệnh, phân tuyến và hạn chế lên tuyến trên, các bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh cũng thành lập đơn vị điều trị hai bệnh TCM và SXH. Bà Tiến cho rằng, trước đây nhiều đơn vị không chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, thậm chí né tránh nên việc tuyên truyền chưa tới.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho rằng cần tập trung 3 mục tiêu là giảm tối đa tử vong; mắc mới, giảm tải và giảm ngày điều trị.

“Hiện số trẻ chưa tiêm vắc-xin còn nhiều nên cần tập trung tuyên truyền để tăng cường tiêm chủng đầy đủ” - ông Khuê nói đồng thời cũng cảnh báo các địa phương không thể lơ là bởi dịch SXH và TCM cũng đang “vào mùa”.

Ông Phu cho biết, bệnh TCM tăng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Vì vậy, trong thời gian tới vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch TCM. Theo chu kỳ, khả năng bệnh TCM gia tăng là rất cao vì năm 2013 số ca mắc thấp.

Bệnh TCM là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Bệnh lưu hành ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tại nước ta, bệnh TCM gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương trong cả nước, số ca mắc trung bình hằng năm tại Việt Nam khoảng 100.000 - 150.000 ca/năm, và ghi nhận 30 - 40 trường hợp tử vong.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Công tác truyền thông có vai trò chủ đạo nên “truyền thông phải đi trước một bước” để người dân nhận thức được, hiểu được, tiến tới thay đổi hành vi mới phòng và điều trị bệnh hiệu quả được.

Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 3.751 trường hợp mắc sởi xác định trong số 11.249 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 17.400 ca mắc TCM tại 62 tỉnh, thành phố, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, có 1 số tỉnh có tỷ lệ mắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 như TP.HCM (2.600 ca, tăng 28,9%), Bà Rịa-Vũng Tàu (1.100 ca, tăng 34,4%), Cà Mau (938 ca, tăng 15,5%), Kon Tum (112 ca, tăng 69,7%)…

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày