Nỗi lòng của những người nghèo phải ăn Tết xa nhà

Chính Biên, Theo Pháp luật xã hội 00:00 04/02/2014

Đối với nhiều người, Tết Nguyên đán là dịp để cả gia đình sum họp, vui vầy bên nhau. Nhưng với một số người, vì những hoàn cảnh khác nhau, họ không có được niềm vui đoàn viên đó.

Đó là nhiều công nhân, sinh viên nghèo đang làm việc và học tập tại TP.HCM. Đối với nhiều người, Tết là dịp cả gia đình ấm áp bên nhau, còn đối với họ, Tết là những nỗi nhớ nghẹn ngào.

Ở lại Sài Gòn để em được về với cha mẹ

Nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhà xa nên không có tiền về quê ăn Tết. Một số thì cố gắng ở lại Sài Gòn làm thêm kiếm tiền đóng học phí… Ngoài ra còn có những trường hợp quyết định không về để nhường cho các em của mình được về nhà. Nguyễn Thị Hằng (sinh viên năm 4 ĐH Văn hoá TP.HCM) là một trong số đó.

Hằng ở trọ cùng với hai em trai tại Sài Gòn. Năm nay, Hằng nhường vé xe lại cho hai đứa em của mình về nhà. “Nhà em ở huyện Chư Sê, Gia Lai. Nếu ba chị em cùng về thì tiền vé xe ra vô cũng mất gần mấy triệu đồng. Số tiền này lớn quá nên em ở lại để bớt chi phí cho gia đình”, Hằng nói.

Nguyễn Thị Hằng chia sẻ thêm: “Dù cũng muốn về nhưng cả ba chị em cùng về thì tốn quá nhiều tiền. Hai em trai của em còn nhỏ thì để các em về với cha mẹ cho vui, em ở lại đi làm kiếm tiền qua Tết đóng học phí cho mình và cho các em luôn”.

Nỗi lòng của những người nghèo phải ăn Tết xa nhà 1
Nguyễn Thị Hằng (áo xanh) ở lại Sài Gòn để nhường cho hai em được về quê ăn Tết.

Cũng tương tự như Hằng là trường hợp của Trần Bích Trâm (quê Ninh Thuận, đang học năm thứ hai trường Cao đẳng Công thương). Trâm là chị cả của ba đứa em. Năm nay, Trâm quyết định ở lại Sài Gòn đón Tết để tranh thủ làm thêm kiếm tiền trang trải học phí. Em trai của Trâm đang học năm nhất trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Thương em còn nhỏ, nhớ nhà nên Trâm đi mua vé xe cho em về quê với cha mẹ.

“Vé xe Tết mắc (đắt) quá, Tết này em ở lại đi làm thêm rồi từ từ qua Tết sẽ về. Đợi vé xe hạ xuống, về ăn Tết muộn một chút cũng không sao”
, Bích Trâm tâm sự.

Hôn con qua điện thoại

Cùng cảnh ngộ với những sinh viên nghèo không có tiền về quê ăn Tết là nhiều công nhân đang làm việc tại TP.HCM. Năm nay 29 tuổi, chị Nguyễn Thị Trang (quê Quảng Bình) đang là công nhân tại khu công nghệ cao (quận 9). Đã hai năm rồi, chị chưa về quê ăn Tết cùng gia đình. Vì bị chứng say xe nên mỗi lần nghĩ đến việc lên xe khách là chị lại sợ.

Hai năm qua, trong khi mọi người hối hả về quê đón Tết thì chị Trang lại lầm lũi làm tăng ca để kiếm tiền, chắt chiu từng đồng gửi về cho cha mẹ cùng đứa con nhỏ ở nhà. “Con gái tôi đang sống với ông bà ngoại ở quê. Nhà tôi xa mà tôi thì lại say xe nên không dám về. Cứ mỗi lần về là nằm liệt giường mấy ngày ròng rã, chẳng biết trời trăng mây gió gì nữa”, chị Trang cho biết.

Nỗi lòng của những người nghèo phải ăn Tết xa nhà 2
Chị Trang nói chuyện với con gái qua điện thoại

Thương con, nhớ con nhưng người mẹ trẻ cố gắng kìm nén để lao mình vào công việc cho vơi đi nỗi lòng. Đôi lúc nằm nhớ con, chị thường gọi điện để nói chuyện với con cho khuây khỏa. Nghe tiếng mẹ, đứa con gái nhỏ reo mừng hỏi khi nào mẹ về. Chị bật khóc đáp: “Từ từ mẹ làm xong việc rồi mẹ về chơi với con. Con nghe lời ông bà, mẹ sẽ mua cho con thật nhiều đồ đẹp”.

Cứ như thế, hai năm qua, người mẹ cố gắng thuyết phục, dỗ dành đứa con gái nhỏ bằng những lời dặn dò như vậy. “Trước Tết, tôi đã mua cho cháu hai bộ đồ mới và gửi người quen mang về rồi. Chắc nó sẽ mừng lắm”, chị tâm sự.

Lặng đi một lúc, chị Trang tiếp tục kể: “Một phần sợ say xe, một phần vì con nhỏ, lương lại không được bao nhiêu nên tôi cố gắng đi làm rồi dành dụm. Khi nào có tiền dư dả thì tôi sẽ về thăm con. Bây giờ có nhớ con thì gọi điện về để nghe tiếng nó nói. Còn muốn hôn con thì cũng hôn qua điện thoại chứ biết làm sao bây giờ”.