Ngày 19/5, thông tin MC, diễn viên kiêm người mẫu nổi tiếng Đức Tiến (44 tuổi) qua đời vì nhồi máu cơ tim, tại bệnh viện ở California, tối 18/5 (giờ địa phương) khiến đồng nghiệp và người hâm mộ vô cùng bàng hoàng và đau xót. Anh có tiền sử mắc bệnh tim bẩm sinh. Vậy căn bệnh này ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của người trưởng thành?
MC, diễn viên kiêm người mẫu nổi tiếng Đức Tiến
Bệnh tim bẩm sinh (TBS) là một trong những dị tật hay gặp nhất trong các dị tật bẩm sinh, chỉ các bất thường về cấu trúc tim hoặc mạch máu lớn hình thành trong quá trình thai nhi phát triển và xuất hiện ngay sau sinh. Các bất thường này có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc nằm trong hội chứng bất thường bẩm sinh như Turner, Marfan…
TBS có biểu hiện từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào loại bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số trường hợp nặng có thể nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ, một số khác không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi trưởng thành. Những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị đã cải thiện kết quả cho những người mắc TBS. Hơn 90% được điều trị khi còn nhỏ sẽ sống đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy họ vẫn có nguy cơ mắc một số bệnh lý tim mạch khi trưởng thành mặc dù kết quả phẫu thuật thành công.
Các khuyết tật bẩm sinh như van tim bị lỗi hoặc lỗ nhỏ ở tim thường được điều trị bằng phẫu thuật đơn giản trong giai đoạn đầu đời. Tuy nhiên, khi trưởng thành, những người sinh ra với những khuyết tật này phải đối mặt với nguy cơ mắc các vấn đề về tim cao hơn rất nhiều, ngay cả khi họ duy trì lối sống lành mạnh cho tim.
Trên tạp chí tim mạch uy tín Circulation hồi tháng 2/2019, nhóm tác giả trường Y Stanford Medicine đã thực hiện một nghiên cứu lớn về những người trưởng thành sống sót sau dị tật tim bẩm sinh. Trong nghiên cứu này, họ đã phân tích dữ liệu sức khỏe của nửa triệu người ở Anh tuổi từ 37 đến 73 tuổi, trong giai đoạn năm (2006 – 2010) và phát hiện khoảng 2.000 người sinh ra bị dị tật tim. Kết quả cho thấy, những người sinh ra với khuyết tật tim ít nghiêm trọng vẫn có nguy cơ bị suy tim hoặc rung tâm nhĩ cao gấp 13 lần, nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần và nguy cơ bị đau tim cao gấp đôi so với những người sinh ra có trái tim bình thường. Điều đó cho thấy, những người mắc bệnh TBS cần tiếp tục theo dõi sức khỏe trong thời gian dài, đặc biệt khi có dấu hiệu bất thường.
Các triệu chứng bệnh TBS ở người trưởng thành:
Nhịp tim không đều, hay rối loạn nhịp tim với các cơn hồi hộp trống ngực hoặc cảm giác hụt hơi, ngất xỉu.
Da, môi và móng tay có màu xanh hoặc xám do nồng độ oxy thấp. Tùy thuộc vào màu da, những thay đổi này có thể khó nhìn thấy hơn hoặc dễ dàng hơn.
Chóng mặt, choáng váng, xây xẩm mặt thường xuyên, không rõ nguyên nhân.
Cảm thấy mệt mỏi rất nhanh khi hoạt động.
Phù ở mắt cá chân, bàn chân hoặc bàn tay do chất lỏng tích tụ bên trong các mô cơ quan.
Ở những người mắc TBS đã được phẫu thuật từ nhỏ mà còn phải duy trì thuốc chống đông máu thì cần chú ý dấu hiệu xuất huyết: chảy máu bất thường ở mũi, chân răng hay các vết bầm tím bất thường trên cơ thể.
Các biến chứng của bệnh tim bẩm sinh có thể xảy ra nhiều năm sau khi bệnh tim được điều trị, bao gồm:
Rối loạn nhịp tim do mô sẹo trong tim do phẫu thuật để khắc phục tình trạng tim bẩm sinh có thể dẫn đến những thay đổi trong tín hiệu của tim. Những thay đổi này có thể khiến tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Một số nhịp tim không đều có thể gây đột quỵ hoặc đột tử do tim nếu không được điều trị.
Nhiễm trùng niêm mạc tim và van tim, được gọi là viêm nội tâm mạc. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng này có thể làm hỏng hoặc phá hủy van tim hoặc gây đột quỵ. Thuốc kháng sinh có thể được khuyên dùng trước khi chăm sóc nha khoa để ngăn ngừa nhiễm trùng này. Kiểm tra răng miệng thường xuyên là rất quan trọng. Nướu và răng khỏe mạnh làm giảm nguy cơ viêm nội tâm mạc.
Đột quỵ. Bệnh tim bẩm sinh có thể khiến cục máu đông đi qua tim và di chuyển lên não, gây đột quỵ.
Ảnh minh hoạ
Huyết áp cao trong động mạch phổi, được gọi là tăng áp lực động mạch phổi. Một số bệnh tim xuất hiện khi sinh sẽ đưa nhiều máu đến phổi hơn, gây ra áp lực. Điều này cuối cùng làm cho cơ tim suy yếu và đôi khi ngừng hoạt động.
Suy tim ở giai đoạn muộn là tình trạng tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh TBS:
TBS xuất hiện cùng với các bệnh hoặc rối loạn di truyền, chẳng hạn như hội chứng Down và hội chứng Turner hoặc tăng nguy cơ nếu bố mẹ có các yếu tố sau:
Bị rubella hoặc cúm (cúm) trong ba tháng đầu của thai kỳ.
Đã mắc bệnh tiểu đường Loại 1 hoặc Bệnh tiểu đường Loại 2 .
Dùng một số loại thuốc điều trị mụn trứng cá , rối loạn lưỡng cực hoặc co giật .
Uống rượu bia hoặc hút thuốc khi mang thai.
Chẩn đoán TBS bác sĩ dựa vào triệu chứng, tiền sử bệnh và thăm khám người bệnh toàn diện. Ngoài ra, bác sĩ dựa vào xét nghiệm như chụp Xquang ngực thẳng, siêu âm tim, điện tim…
Những lưu ý giúp người mắc bệnh TBS bảo vệ bản thân gồm:
Duy trì một một lối sống lành mạnh để hạn chế mắc các bệnh khác như tiểu đường, rối loạn mỡ máu… có thể làm tình trạng tim mạch trở lên trầm trọng hơn. Hạn chế công việc nặng nhọc và gây căng thẳng kéo dài.
Tái khám thường xuyên, tốt nhất người bệnh nên giữ mối liên hệ với bác sĩ tim mạch chuyên về TBS.
Dùng thuốc kháng sinh trước khi phẫu thuật y tế và nha khoa, nếu được bác sĩ tim mạch khuyên dùng.
Chăm sóc răng miệng tốt và gặp nha sĩ thường xuyên để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Thông báo và thảo luận với bác sĩ nếu người bệnh là phụ nữ và muốn mang thai.
Bệnh TBS ngày càng được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả, do vậy số lượng người mắc TBS sống đến lúc trưởng thành tăng cao. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng bệnh đã được chữa khỏi và không còn tái khám khi trưởng thành. Điều này, có thể khiến người bệnh dễ gặp phải các biến chứng của bệnh. Do vậy, cần tuân theo sự hướng dẫn điều trị của bác sĩ ngay cả khi bạn cảm thấy hoàn toàn bình thường.