Nhân dịp Tết Ất Mùi, TP.HCM đã tiếp tục tổ chức 3 chợ hoa Tết cấp TP tại Công viên 23 tháng 9, Công viên Gia Định, Công viên Lê Văn Tám và 125 điểm nằm trên địa bàn thuộc 20 quận huyện nội, ngoại thành.
Tuy nhiên, rất nhiều gian hàng ở chợ hoa 23/9 treo bảng thông báo nếu khách muốn chụp hình phải trả 5.000 - 10.000 đồng một người hoặc một tấm hình. Trong khi đó, ở chợ hoa công viên Lê Văn Tám và những chợ hoa khác, khách tham quan được thoải mái chụp hình mà không phải trả tiền.
Những tấm biển thu phí chụp ảnh đã khiến một số người dân thành phố không thoải mái khi tham quan và mua hoa tại khu chợ này. Chị Ngọc Lân, 27 tuổi, ngụ Quận 6, cho biết: "Chủ gian hàng treo biển như thế khiến chúng tôi cũng không thoải mái tham quan. Đôi lúc mình thấy hoa đẹp thì chụp lại làm kỉ niệm, hoặc chụp để đem về tham khảo ý kiến người thân gia đình xem có nên mua hay không, mà người bán lại tính phí như thế, 5,10 nghìn chẳng đáng là bao nhưng nó làm mình mất thiện cảm với vựa hoa đó luôn".
Khi hỏi lý do vì sao có những tấm biển này, một sinh viên phụ bán hoa đào cho chủ vựa chia sẻ: "Thật ra gian hàng treo biển như vậy để hạn chế tình trạng khách kéo đến, đứng đầy vựa hoa mà chỉ chụp ảnh, tạo dáng, rồi vô ý làm gãy cành, rụng hoa, sau đó thản nhiên... bỏ đi mà không mua gì cả. Dù để biển thu phí nhưng không phải cứ thấy khách nào lân la chạy đến chụp ảnh là chúng tôi "vòi" tiền đâu. Chỉ khi những người mẫu, các bạn trẻ thuê quần áo đẹp kéo đến, có máy hình "khủng", máy quay phim, rồi các dụng cụ máy móc hỗ trợ khác gây choán chỗ bán thì chúng tôi mới tính phí".
Những cặp tắc (còn gọi là quất) được tạo thành hình rồng, dê, thu hút nhiều người đến xem và chụp ảnh. Giá bán mỗi cặp tắc này lên đến 7-8 triệu đồng/ cặp nên khá ít người mua.
Kèm theo biển báo chụp ảnh phải trả 5 nghìn cho một tấm ảnh nên gian hàng này khá vắng khách.Một vựa hoa lan treo hẳn biển gỗ "Vui lòng không chụp hình".Cô Mai, chủ gian hàng hoa lan trong chợ hoa cho biết: "Cứ đến cuối tuần là khách kéo đến đông lắm, nếu chỉ tham quan thôi thì không sao, đằng này có cô kia nhảy hẳn vào gian hàng của tôi, len lỏi vô mấy chậu hoa tạo dáng cho một anh nhiếp ảnh đứng bên ngoài chụp ảnh. Có mấy khách muốn vô lựa hoa cũng ngại, phải... né ra để mấy người đó chụp. Chờ mãi mà người chụp và người mẫu cũng chưa được tấm hình ưng ý nên họ cứ ở trong shop, khách đứng ngoài thấy vậy nên đi chỗ khác luôn. Buôn bán chẳng được với những người như vậy nên chúng tôi quy định cấm chụp ảnh luôn, vì thu phí cũng kỳ".
Tấm biển quy định không được chụp hình, kể cả sờ hoa cũng không được phép.Một gian hàng khác tỉ mỉ "kê" luôn giá quay phim là 20 nghìn đồng.Thu hút khách tham quan nhất là khu vực bán hoa đào được chuyển từ vườn đào Nhật Tân về Công viên 23/9 vào ngày 11/2 vừa qua. Đến thời điểm hiện tại, những cây hoa đào đều đã nở rực, mang mùa xuân phương Bắc về với Sài Gòn. Tuy nhiên, do có quá nhiều khách tham quan và chụp ảnh, nên rất nhiều biển thu phí chụp ảnh được treo trên mỗi cây đào trong chợ hoa này.
Khu vực hoa đào Nhật Tân thu hút khách Sài Gòn.Những mảnh giấy nhỏ được treo trên cây như nhắc nhở khách tham quan không nên chụp ảnh quá nhiều tại khu vực này.Cứ một người chụp ảnh, sẽ phải trả 5 nghìn cho người bán. Những tấm biển này khá lạ lẫm với người Sài Gòn. "Mình nhớ những năm trước không có tình trạng này, các chợ hoa, hội hoa xuân... khi mở ra đều cho khách tham quan và chụp ảnh thoải mái. Một ngày sau khai trương chợ hoa, mình chỉ thấy một người bán treo biển thu phí thôi, hôm nay đến chơi thì thấy nhiều gian hàng đồng loạt treo biển quá, có lẽ mọi người cũng khó chịu trước tình trạng người người kéo đến chụp ảnh mà không mua hoa", Hữu Tín, SV ĐH Văn Lang TP.HCM chia sẻ.
Mặc dù vậy nhưng nhiều người cũng vui vẻ trả phí cho người bán để được thoải mái tạo dáng cùng sắc hồng của hoa đào phương Bắc.