Nghị định 67/2013 quy định “Chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá" chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8/2013. Theo đó, từ ngày 15/8, muốn kinh doanh, bán lẻ thuốc lá, người bán phải có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá.
Nhiều chủ quán trà đá chưa hề biết đến nghị định đưa ra. Ngoài ra, nghị định này cũng nêu rõ 5 điều kiện cấp giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá. Đó là: Thương nhân có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá; có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định; diện tích điểm kinh doanh dành cho thuốc lá tối thiểu phải có từ 3m2 trở lên; có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp bán buôn sản phẩm thuốc lá; phù hợp với quy hoạch hệ thống mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá được cấp có thẩm quyền phê duyệt...
Thuốc lá vẫn được bày bán ngang nhiên tại nhiều quán trà đá. Như vậy, có thể hiểu một trong những đối tượng điều chỉnh của Nghị định trên là hàng trăm ngàn chủ quán trà đá vỉa hè (có bán thuốc lá). Họ sẽ bị xử lý thế nào và nếu muốn cấp phép thì thủ tục sẽ ra sao?
Theo khảo của chúng tôi, nhiều điểm kinh doanh nhỏ lẻ, quán trà đá vỉa hè trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn rất xa lạ với nghị định trên. Điều đó đồng nghĩa với việc họ không hề hay biết mình phải đăng ký hoặc có đăng ký ngành nghề mới được bán thuốc lá.
Nhiều người sử dụng thuốc lá vẫn không hề biết đến quy định này. Khi hỏi ông Lê Văn Hùng (57 tuổi), bán quán nước tại đường Lê Văn Lương, Hà Nội về việc bán lẻ thuốc lá như mấy quán trà đá vỉa hè cũng phải đăng ký ngành nghề kinh doanh, ông tỏ ra khá bất ngờ và xem đó như câu chuyện đùa. Theo lời ông Hùng, ông chưa hề nghe đến quy định đó. Công việc bán nước của ông vẫn diễn ra bình thường và không ai kiểm soát cả.
Chị Trần Thị Ngọc (SN 1973) một người bán trà đá tại ngõ 336, Nguyễn Trãi, Hà Nội, cho biết: "Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi có nghe đến việc đăng ký khi kinh doanh, bán lẻ thuốc lá. Khi biết quy định này tôi thấy khá bất ngờ, và cho rằng không hợp lý, bởi lẽ việc kinh doanh thuốc lá khi đăng ký cần phải có một chỗ cố định hoặc cần phải có quy mô rộng. Phần lớn những quán trà đá vỉa hè chỉ là tạm bợ, nay đây mai đó và không lâu dài, nhiều người chỉ bán được một vài tháng rồi lại nghỉ.
Nhiều người bất ngờ khi biết Nghị định này. Tại các quán nhỏ lẻ này, số lượng người hút thuốc cũng chẳng nhiều, lợi nhuận chẳng đáng là bao nên chẳng ai muốn đăng ký cho phức tạp. Mà muốn đăng ký thì chúng tôi đăng ký ở đâu. Tôi chưa thấy ai hướng dẫn gì cả".
Đồng tình với quan điểm của chị Ngọc, anh Trần Công Trung, một tài xế
lái xe cho rằng, luật pháp cũng đã có quy định xử phạt đối với những đối
tượng kinh doanh bán lẻ, đại lý bán lẻ rượu hoặc thuốc lá khi không có
giấy phép kinh doanh bán lẻ... Ngoài ra cũng có quy định nghiêm cấm việc
bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi và sử dụng người dưới tuổi bán
thuốc lá... Tuy nhiên, việc xử lý là không xuể, chỉ giống như việc ném đã ao bèo nếu ý thức của người dân không cao. "Chính vì thế, để việc thực thi luật có hiệu quả, cần có những quy định khá thi và phù hợp với thực tế hơn", anh Trung nêu ý kiến.