Mới đây, câu chuyện bạn trẻ đi làm thêm lương tháng 1,1 triệu bị trừ còn 149.000 đồng được rất nhiều người đem lên bàn cân, tranh cãi đúng, sai. Đối với các bạn sinh viên, chuyện đi làm thêm không còn là điều gì quá xa lạ. Thế nhưng, đằng sau vấn đề tưởng như êm đẹp ấy lại là rất nhiều mâu thuẫn, tâm sự chất chứa.
Ở hai phía chủ và nhân viên, tất cả đều có những lý lẽ của riêng mình và mỗi bên đều bị chi phối bởi những áp lực khác nhau.
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với chị Nguyễn Khánh Ly (28 tuổi, hiện đang là Giám đốc điều hành hệ thống Cộng cà phê).
"Làm việc với người trẻ thì nên bao dung hơn"
Xin chào chị Ly! Câu chuyện về bạn sinh viên đi làm lương tháng 1,1 triệu bị trừ còn 149.000 đồng, không biết chị đã nghe qua?
Tôi cũng có biết vì mới đọc qua trên báo.
Ở vị trí quản lý nhân sự, từ góc độ của mình, chị thấy cách ứng xử của chủ cửa hàng trên có đúng hay không? Vì sao?
Tôi sẽ không phán xét là cách làm của chủ cửa hàng đó đúng hay sai, hợp lý hay không. Tôi cũng không bình luận xem mức phạt từ 1,1 triệu xuống còn 149.000 đồng như vậy là nặng hay nhẹ hoặc có tương xứng với lỗi lầm mà bạn sinh viên kia mắc phải không.
Tôi nghĩ, bất cứ công ty hay cửa hàng nào đều nên có những quy định và phải nêu ra ngay từ đầu khi nhân viên mới đến học việc và họ chấp nhận quy định đó.
Nếu như nhân viên không được biết trước về các quy định xử phạt khi mắc lỗi mà đến kỳ lĩnh lương, chủ cửa hàng bắt phạt, thì việc lên tiếng phản bác lại là chuyện bình thường.
Trường hợp chủ cửa hàng không đưa ra thỏa thuận về hình thức kỷ luật khi phạm lỗi, thì có thể lập biên bản cảnh cáo, nhắc nhở nhân viên khi mắc lỗi và cảnh báo về việc nhân viên bị phạt tiền trong lần tái phạm tiếp theo.
Chị Khánh Ly cho biết, làm việc với người trẻ cần giữ thái độ bao dung.
Chị cũng đang làm việc ở lĩnh vực dịch vụ, vậy công ty chị có tuyển sinh viên đi làm thêm part-time hay không?
Các cửa hàng của công ty tôi vẫn có những ca làm việc nhất định và tuyển lao động từ 18 tuổi trở lên. Nếu bạn sinh viên nào đáp ứng được yêu cầu của công ty thì chúng tôi vẫn tuyển.
Tức là chị vẫn thường xuyên tiếp xúc với nhân viên part-time là sinh viên, vậy chị có đánh giá như thế nào về thái độ làm việc của các bạn trẻ hiện nay?
Các bạn đều đáng yêu và năng động, muốn kiếm tiền để giúp đỡ thêm cho gia đình hoặc tăng khoản chi tiêu cá nhân. Tôi nghĩ đó là điểm mạnh của họ.
Tuy nhiên, sinh viên đi làm thì cũng có mặt hạn chế. Do tuổi đời còn trẻ, chưa có nhiều cơ hội va vấp trong môi trường đi làm, nhất là lĩnh vực dịch vụ nên đôi khi việc giao tiếp với khách hàng còn yếu, hoặc không chịu được áp lực công việc trong thời gian dài, dễ bị ảnh hưởng vì các vấn đề khách quan khác như thi cử, tâm tư tình cảm hoặc từ phía gia đình.
Cũng có nhiều bạn đã làm tốt và sau đó vươn lên ở vị trí cao hơn. Trong khi đó, nhiều bạn thấy không phù hợp thì lại chuyển qua ngành khác mà họ yêu thích hơn.
Theo chị Ly, sinh viên đi làm thêm luôn cần có bộ phận đào tạo nhân sự hoặc quản lý hỗ trợ nhiều và thường xuyên.
Nói như vậy, chị đánh giá cao những bạn làm tốt công việc làm thêm khi còn là sinh viên?
Đương nhiên là tôi đánh giá cao các bạn làm tốt công việc của mình. Điều đó chứng tỏ bạn là người có trách nhiệm với bản thân, có trách nhiệm với công việc mà mình đã nhận.
Tiếc rằng các bạn sinh viên đi làm thêm thường mang tính chất thời vụ vì sau một khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng là các bạn ấy có thể nghỉ việc do bận lịch học, thi hoặc vì áp lực, không thể cùng lúc làm tốt việc học tập và việc làm thêm.
Tôi muốn khuyến khích các bạn làm thêm khi còn là sinh viên vì dù có thể không đúng chuyên ngành học của các bạn nhưng theo tôi, nó sẽ rèn luyện cho các bạn kỹ năng giao tiếp, ý thức kỷ luật và trách nhiệm. Tôi nghĩ đó cũng là những kinh nghiệm cần thiết cho các bạn trong cuộc sống sau này.
Nhân nói về kỹ năng giao tiếp, trong câu chuyện đi làm thêm bị trừ tiền của bạn L., có một chi tiết là bạn ấy đã nói chuyện rất thiếu tôn trọng với chủ cửa hàng. Chị nghĩ sao về vấn đề này?
Về khía cạnh này, tôi xin chia sẻ một chút về quan điểm cá nhân thôi. Các bạn sinh viên đi làm, các bạn ấy còn trẻ, nhận thức đôi khi còn chưa tinh tường, chưa có nhiều kinh nghiệm để đối đáp. Thế nên ở phía người chủ, người quản lý cần phải phân tích lý lẽ, nói rõ đúng, sai cho nhân viên hiểu.
Tôi nghĩ nếu cứ chấp từng lời lẽ trong lúc bức xúc của nhân viên thì chúng ta sẽ bận đầu cả ngày mất, chẳng có thời gian nghĩ xem làm thế nào để phát triển dịch vụ, thương hiệu nữa (cười).
Hơn nữa, cũng cần ngẫm nghĩ các bức xúc đó của nhân viên xem mình đã xử lý tình huống này hợp về lý, về tình chưa, hệ thống nhân sự và kiểm soát của mình đã tốt chưa, cần cải thiện những gì để tránh lặp lại vấn đề đã vấp phải.
Quan điểm của tôi là ai mà không có lỗi lầm, nhất lại là những người trẻ tuổi. Vì thế, khi mình làm việc với họ thì nên có thái độ bao dung hơn một chút, đừng vì những chuyện lời qua tiếng lại mà "dìm" họ xuống. Như thế sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của các bạn ấy về sau!
Đặt địa vị là chị, nếu gặp phải một nhân viên có thái độ làm việc chưa tốt như thế, cá nhân chị sẽ ứng xử như thế nào?
Thật ra tôi cũng có gặp nhiều trường hợp như vậy rồi. Thường thì khi quản lý báo cáo về trường hợp nhân viên của mình có lỗi, tôi sẽ cùng bộ phận nhân sự phân tích vấn đề bạn nhân viên đã vi phạm qui định nào, mức xử phạt là bao nhiêu, thông báo cho nhân viên mắc lỗi biết và xác nhận bằng biên bản. Nếu họ phản ứng không đồng ý về mức phạt, bạn đó sẽ được mời đến để chia sẻ ý kiến của mình, được giải thích rõ đúng, sai.
Có lần nhân viên bức xúc cá nhân, cùng nhau bỏ việc ngay khi nhận được lương tháng trước đó gây ảnh hưởng đến hoạt động cửa hàng vào đúng tối cuối tuần. Sang đầu tuần tôi mời các bạn đến gặp, phân tích các vấn đề thiệt, hơn khi các bạn cư xử như vậy. Sau đó thông báo công ty sẽ trả lương cho các bạn đến tận giờ phút các bạn nghỉ đột ngột thì đã có bạn khóc. Tôi tin rằng đó là thái độ thành khẩn nhận lỗi. Sau này chắc chắn các bạn đó sẽ làm tốt hơn và không bồng bột như thế nữa.
Tôi nghĩ khi nhận những bạn nhân viên trẻ vào làm việc thì ngoài vấn đề về lý, liên quan đến chuyên môn công việc, người quản lý cũng nên chú ý đến hoàn cảnh, cá tính của mỗi người. Như thế có thể giữ được họ làm việc với mình lâu dài hơn. Hoặc đơn giản là ngày sau khi ra trường, dù không làm việc với mình nữa nhưng họ vẫn quay lại với thương hiệu của mình, vẫn giới thiệu bạn bè, người thân sử dụng dịch vụ của mình. Cá nhân tôi nghĩ đó là những điều rất đáng quý mà những người quản lý nhân sự nên hướng đến.
Giá trị quản lý nhân sự không chỉ là lúc nhân viên và chủ còn làm việc với nhau mà là mối quan hệ đến mãi sau này, khi nhân viên luôn tin dùng thương hiệu của mình dù họ đã không còn làm việc ở công ty của mình nữa.
"Làm việc với người trẻ là phải rõ ràng ngay từ đầu"
Theo chị, yếu tố nào giúp chị quản lý thành công nhân sự của mình, nhất là nhân sự trẻ?
Tôi nghĩ đối với nhân sự trẻ, mọi thứ nên được rõ ràng ngay từ lúc bắt đầu. Tôi sẽ nói rõ quyền lợi và trách nhiệm của họ. Tôi không vẽ màu hồng cho họ mà luôn đặt ra những yêu cầu khắt khe trong lần phỏng vấn đầu tiên để họ xác định hướng phấn đấu.
Bước đầu, nếu các bạn sẵn sàng chấp nhận chịu đựng những áp lực chúng tôi đề ra thì khi bắt tay vào công việc, các bạn ấy sẽ có một thái độ nghiêm túc. Nếu chúng ta vẽ ra viễn cảnh về công việc an nhàn, lương cao, chắc chắn họ sẽ làm việc rất chểnh mảng và sau này, rất khó gò họ vào guồng quay công việc mà chúng ta mong muốn.
Chị nghĩ mình mong đợi điều gì nhất từ những người trẻ, mới đi làm?
Tôi mong muốn các bạn phải dám làm, dám chịu trách nhiệm đối với công việc mình đã nhận và hết mình vì điều đó. Nếu cảm thấy công việc nào quá sức thì nên báo cáo lại để quản lý phân công cho hợp lý.
Ngoài ra các bạn nên chia sẻ thành thật về thế mạnh và hạn chế của bản thân để quản lý có thể giúp đỡ các bạn phát huy tối đa thế mạnh và hoàn thiện các mặt hạn chế.
Xin cảm ơn chị về buổi trò chuyện này.