Nắng lên, người Hà Nội vẫn "đánh vật" với trời nồm ẩm ướt

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 18/03/2015

Sau chuỗi dài những ngày mưa phùn, dù trời đã hửng nắng nhưng nhiều người dân thủ đô vẫn chật vật đối phó với tiết trời nồm ẩm ướt.

“Vật vã” thu dọn hậu quả sau nửa tháng mưa phùn
 
Gần nửa tháng nay, thời tiết liên tục mưa rét cộng thêm độ ẩm lên cao đến gần 100% đã khiến cuộc sống của hầu hết người dân Thủ đô bị đảo lộn. Đến ngày 16/3, thời tiết ở Hà Nội bắt đầu ngừng mưa, nhiệt độ tăng mạnh. Nắng lên, nỗi ám ảnh về cảnh đường sá lầy lội, nhớp nháp, tắc nghẽn giao thông đã không còn. Tuy nhiên ở những khu trọ, tập thể cũ hay ký túc xá sinh viên, cuộc chiến chống chọi với tình trạng trời nồm ẩm vẫn tiếp tục diễn ra.
 
Bạn Nguyễn Thị Hiền, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ: “Mấy hôm nay trời nắng nhưng vẫn ẩm thấp khiến mình thấy còn khó chịu hơn lúc mưa lạnh. Quần áo phơi vẫn không khô và tiếp tục bị hôi vì ẩm, trong khi đó, nhiều bạn sinh viên cứ thấy trời hửng nắng là thi nhau giặt chăn, màn rồi giăng mắc khắp nơi”.
 

Nguyễn Thị Hiền đang treo quần áo trên dây cáp mạng Internet ngoài hành lang vì không còn chỗ phơi phóng.

Hiền cho biết, sau những ngày mưa ẩm kéo dài, khi nắng lên, nền nhà cô bắt đầu đổ mồ hôi, ướt nhẹp hơn cả những ngày mưa. “Nền nhà mình đổ mồ hôi nhiều hơn, suốt ngày nhớp nháp, ướt sườn sượt như ngoài đường. Mình phải bật quạt vù vù suốt ngày và lau dọn thường xuyên nhưng lúc nào thấy lạnh, tắt quạt đi một lúc là lại đâu vào đấy” – Hiền than phiền.

Cùng chung tình cảnh giống Hiền, chị Nguyễn Thu Hoài (sống ở khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội gần 20 năm) tâm sự: “Ở những khu tập thể này, nhà nào ở tầng trên còn đỡ nồm chứ như nhà tôi, mấy ngày nắng lên, nền nhà còn ướt và nhớp nháp hơn. Buổi sáng, cả nhà đóng cửa đi làm hết đến chiều về, chỉ cần mở cửa ra là thấy mùi hôi hám bốc lên”.


Khoảng hành lang mà gia đình chị Hoài, chị Thanh tận dụng để đặt bếp ga nấu ăn luôn ướt át vì nồm ẩm.

Chị Hoài cho biết, sau chuỗi ngày mưa phùn, chị hết sức vất vả vì phải thường xuyên lau dọn nhà cửa, sắp xếp lại đồ đạc, gom quần áo bẩn đi giặt. “Thậm chí những bộ quần áo hôm trước giặt sạch nhưng không khô và bốc mùi, tôi cũng phải đem giặt lại thành ra thấy mệt mỏi vô cùng” – chị Hoài nói.

Trong khi đó, chị Thanh (một người dân sống cùng khu tập thể với chị Hoài) kể, tuần trước, gia đình chị có việc phải về quê ngoại vài ngày, đến tối chủ nhật vừa rồi mới lên, đồ dùng, bát đũa để trong nhà đều bị mốc đen, quần áo, chăn màn đang dùng dở cũng bị mốc không kém.
 

Những chiếc đũa của gia đình chị Thanh bị mốc đen sau vài ngày không dùng đến.

Chị Thanh mở tivi, nghe dự báo thời tiết thấy trời nắng ráo nên đem hết quần áo bẩn đi giặt. Tuy nhiên, vì độ ẩm trong không khí vẫn cao nên hàng loạt quần áo ướt nhà chị không khô được, phải treo khắp nơi. 

“Chăn màn tôi đem ra tiệm giặt khô nhưng quần áo thì để ở nhà tự giặt vì nghĩ trời nắng, ai ngờ từ chủ nhật đến giờ cũng vài ngày rồi mà áo quần chẳng những không khô còn bắt đầu bốc mùi hôi khó chịu” – chị Thanh nói thêm.
 
“Méo mặt” vì chi bạc triệu chống nồm
 
Sau những ngày mưa ẩm, nhiều người không khỏi giật mình khi nhìn lại số tiền đã chi trả cho việc chống chọi với thời tiết nồm ẩm trong thời gian vừa qua.
 
Theo anh Lê Văn Hiệp (Hồ Tùng Mậu – Cầu Giấy – Hà Nội), từ đầu tháng tới giờ, gia đình anh chi ngót gần chục triệu để đối phó với trời nồm.
 
Anh Hiệp nói giọng tiếc rẻ: “Nhà cửa ướt át, nhếch nhác mà vợ đang bận con nhỏ nên tôi sắm luôn cả máy sấy quần áo, máy hút ẩm hết ngót 8 triệu đồng, chưa kể tiền thuê người giúp việc theo giờ để dọn dẹp nhà cửa, tính ra cũng phải hết tầm chục triệu”.
 

Dù thời tiết đã nắng ráo nhưng hành lang dẫn ra sân sau và nhà vệ sinh của gia đình anh Hiệp luôn ướt bẩn.

Theo anh Hiệp, khoản tiền này khá lãng phí bởi hết mùa mưa ẩm, những vật dụng như máy hút ẩm lại bỏ không, ít khi dùng đến. Trong khi đó, vì thời tiết quá ẩm thấp nên việc chỉ có một chiếc máy hút ẩm cho căn nhà 4 tầng với gần chục phòng lớn nhỏ vẫn chỉ như “muối bỏ biển”.

Trong khi đó, chị Trần Thị Liên (Thanh Xuân, Hà Nội) tâm sự: “Hôm vừa rồi tôi ngó qua công tơ điện, tháng này nhà tôi lắp thêm điều hòa, dùng nhiều bàn là, máy sấy quần áo nên mới nửa tháng, công tơ đo điện nhà tôi đã tăng cao gấp đôi so với tháng trước”.
 

Gia đình chị Liên tận dụng cả dây phơi trong nhà vệ sinh để phơi quần áo
.
Ngoài việc phải chi nhiều tiền điện, chị Liên còn tốn mất gần 10 triệu đồng lắp điều hòa 2 chiều và hơn 3 triệu đồng lắp cửa kính chống muỗi.
 
Chị Liên kể, tuần trước, con trai út 3 tuổi nhà chị bị muỗi đốt khắp người. Nghe bạn bè nói trên thị trường có loại cửa kính chống muỗi nên chị liền tìm chỗ đặt mua. Tuy nhiên, vì trời nồm, muỗi phát sinh nhiều trong khi đó hai đứa nhỏ nhà chị lại nghịch ngợm, thường xuyên làm rơi vãi đồ ăn, bánh kẹo, nước uống ra chăn màn, sàn nhà khiến cửa chống muỗi cũng không phát huy tác dụng.
 
“Tốn nhiều tiền mà vẫn chẳng đâu vào đâu, nhà cửa vẫn ướt nhề, đồ đạc lâu không dùng đến bị mốc đen, hỏng hóc. Mấy hôm nay thời tiết nóng ẩm, tôi thấy bọn trẻ bắt đầu khò khè nên rất lo. Tốn tiền thì không sao nhưng tôi sợ nhất con ốm, lúc ấy thì cả gia đình lại lao đao, vất vả” – chị Ngọc nói thêm.