Khốn khổ vì trời nồm
Những ngày mưa phùn, tình cảnh chung của tất cả người dân Thủ đô là luôn sẵn sàng sống chung với nước mưa và bùn đất. Khắp nơi, tuyến đường nào cũng nhớp nháp, lầy lội.
Nguyễn Thanh Nhàn (Sinh viên Đại học Thương Mại, Hà Nội) cho biết, đoạn đường từ phòng trọ của cô tới trường chỉ khoảng 500m nhưng dù đã mặc áo mưa, che ô, cô vẫn bị xe máy đi xung quanh bắn đầy bùn đất lên người.
Nhiều ngày nay, người dân Hà Nội ra đường lúc nào cũng phải khoác áo mưa.
Những cơn mưa phùn kéo dài lê thê nhiều ngày khiến đường phố nhớp nháp, trơn trượt.
Xe cộ thì luôn trong tình trạng bẩn thỉu vì bùn đất bắn lên, nhất là những đoạn qua các công trình đang thi công.
9X này chia sẻ, những ngày gần đây, mỗi ngày đi học là cô lại phải thay ra 2 bộ quần áo. Xóm trọ của cô có khoảng 30 người sinh sống nhưng chỉ có một khoảnh sân thượng nhỏ để phơi phóng nên mọi người tận dụng mọi chỗ để giăng mắc quần áo. “Khắp nơi từ trong phòng ra đến hành lang, nhà vệ sinh… đâu đâu cũng ngập ngụa quần áo ướt. Phơi nhiều ngày không khô, quần áo ẩm rồi có mùi hôi. Mưa rét ẩm thấp khiến mình cảm thấy rất khó chịu, bức bối” – Nhàn nói.
Cùng chung thái độ khó chịu giống Nhàn, anh Vũ Trọng Nghĩa (Trần Bình – Cầu Giấy – Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đến phát ngấy với thời tiết này. Cả tuần nay, khi đi ra ngoài, dù chỉ 5-10 phút thôi là khi về, xe cộ dính cả tá bùn đất”.
Anh Nghĩa cho biết, tầng một nhà anh không khác gì ngoài đường. Nền nhà luôn trong tình trạng “chảy nước”, nhớp nháp bùn đất. “Gia đình tôi có thuê người giúp việc nhưng chị ấy cũng lau dọn không kịp vì mưa bẩn, chỉ cần đi ra ngoài một chút là lại lôi đầy bùn đất về nhà” – anh Nghĩa nói thêm.
Hành lang, cửa sổ của các khu nhà trọ được tận dụng để treo đầy quần áo ướt.
Mưa rét, lấm bẩn khiến chị Trần Như Ngọc (Xuân Thủy – Cầu Giấy – Hà Nội) luôn đến cơ quan làm việc trong bộ dạng chẳng khác nào “lọ lem hè phố”. “Trước khi đi làm tôi phục sức rất đẹp nhưng khi đến nơi thì mặt ướt, tóc rối, phấn son trôi hết. Riêng giày dép thì bị bẩn, dính đầy bùn đất” – chị Ngọc bức xúc.
Mưa phùn nhiều ngày đã trở thành nỗi ám ảnh chung đối với người dân Thủ đô. Tuy nhiên, vất vả nhất vẫn là những hộ dân sinh sống trong những khu tập thể chật chội.
Bà Trần Thị Châu (82 tuổi, sinh sống ở khu tập thể Giảng Võ, Ba Đình – Hà Nội) gần 40 năm, phàn nàn: “Nhà tôi rộng 30m2 mà có tận 8 người chung sống. Bình thường khi nắng ráo đã bức bối lắm rồi đằng này lại còn mưa phùn kéo dài, ẩm thấp, thật không thể nào chịu nổi”.
Nền nhà bà Châu luôn ướt át và dính đầy bùn đất.
Bà Châu cho biết, vì căn hộ của gia đình nằm ngay tầng một nên cả tuần nay, nền nhà lúc nào cũng “vãi nước” có ngày lau nhà tới 4-5 lượt nhưng chỉ một lúc sau lại đâu vào đấy. Quần áo phơi cả tuần chẳng những không khô mà còn bốc mùi hôi hám. Thậm chí đồ dùng treo trên tường phải chỗ lấm tấm nước đã chuyển sang mốc đen. Ngay cả quần áo, chăn đệm đang dùng dở cũng bị ẩm mốc, bốc mùi hôi khó chịu.
Trong khi đó, chị Nguyễn thị Mai (32 tuổi, sống ở khu tập thể C5, Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng - Hà Nội) cho biết, 5 người trong gia đình chị đang phải chui rúc trong căn hộ rộng chưa đầy 19m2. Mưa nồm ẩm ướt khiến mọi sinh hoạt của cả nhà đều bị đảo lộn.
Chị Mai tâm sự: “Mỗi tầng ở khu chung cư này mới có một nhà vệ sinh dùng chung. Mùa hè, riêng việc chờ đợi để tắm giặt đã đủ khổ rồi nhưng mùa mưa này, chuyện giặt giũ còn mệt mỏi hơn nhiều. Chưa kể là quần áo không còn chỗ để phơi, tôi phải dùng bàn là để ủi khô quần áo cho mọi người nhưng vẫn không kịp sức thay giặt vì cứ ra đường là bị ướt, bẩn hết từ đầu đến chân”.
Thời tiết nồm ẩm những người sống trong các khu tập thể cũ nát luôn cảm thấy bực dọc, khó chịu.
Bên cạnh đó, mưa ẩm kéo dài khiến hàng loạt máy móc, đồ điện tử của gia đình chị bị “chập mạch”. Tủ lạnh của nhà chị luôn “đổ mồ hôi”, nước chảy thành giọt, hệ thống đèn điện bật mãi không sáng. Đường truyền hình cáp nhà chị Mai cũng bị “tậm tịt”. Mấy ngày nay, tất cả các kênh truyền hình cáp của nhà chị đều bị sôi, nhiễu, rất khó xem.
Thậm chí, ngay cả chiếc điện thoại bàn cũng bị ẩm mốc, trở chứng không gọi được. “Tôi thích dùng điện bàn để gọi nội hạt cho rẻ. Tuy nhiên, cả tuần nay, điện thoại cố định của nhà tôi gần như không dùng được vì sóng rất yếu và chập chờn” – chị Mai nói.
“Phát ốm” vì thời tiết
Ra đường là đối mặt với việc bị bùn đất bắn đầy người, về nhà lại sống trong không gian chật chội, ẩm thấp khiến nhiều người sức khỏe yếu bị ngã bệnh.
Chị Ngọc cho biết, tuần trước, chị từng phải xin nghỉ làm vì bị cúm do thường xuyên “ngâm mình” trong nước mưa lạnh. Chị Ngọc than thở: “Ngày mưa gió, cảnh chen lấn, tắc nghẽn giao thông thật khủng khiếp. Hôm thứ 2 tuần trước khi đi làm về, tôi phải dầm mình, chôn chân gần 1 tiếng đồng hồ dưới trời mưa và hít đủ các loại khói bụi, xăng xe. Y như rằng đêm đó tôi bị sốt, ho và ốm luôn một trận mấy ngày mới khỏi”.
Những khu tập thể cũ như càng thêm xiêu vẹo, nhếch nhác hơn trong thời tiết mưa ẩm. Dây phơi quần áo được căng khắp nơi và lối ra vào luôn ngập tràn quần áo ướt.
Không phải ra đường để đi làm như chị Ngọc nhưng bà Châu cũng bị ốm suốt một tuần vì thời tiết. Tuổi già, sức khỏe vốn yếu lại thêm việc thời tiết mưa rét nhếch nhác, không khí ẩm thấp, nhà cửa chật chội khiến bà luôn cảm thấy trong người mệt mỏi, khó chịu.
“Tôi đang tính nếu mưa thêm nữa chắc phải đến nhà họ hàng ở Tây Hồ ở nhờ vài ngày chứ sống ở khu tập thể chật hẹp này thực không thể chịu được qua mấy ngày mưa gió” – bà Châu nói thêm.
Người Hà Nội co ro trong mưa lạnh.
Trong khi đó, anh Nghĩa cho biết mình sắp bị trừ hết nửa tháng lương vì thường xuyên đi làm muộn. Anh Nghĩa nói: “Công ty tôi cứ đi muộn 20 phút là trừ 1/2 ngày lương. Mấy hôm nay đường tắc, mưa bẩn nên tôi thường xuyên đi muộn tới 30 phút. Thực là nếu không bị bệnh vì mưa rét thì cũng đến phát ốm vì bị sếp mắng và ám ảnh vì bị trừ lương”.
Còn với gia đình chị Mai, vì sống trong căn hộ chật hẹp, hai đứa con nhà chị đều đổ bệnh, không thể đến trường đã 2 ngày nay. “Chúng bị ho và sốt, 2 hôm nay phải nằm nghỉ ở nhà”.
Chị Mai giải thích, bọn trẻ thường mặc nhiều quần áo nhưng lại hay chạy nhảy, làm đổ mồ hôi trong khi trời nồm ẩm, không khô được rồi mồ hôi ngấm vào người. Chưa kể, việc sống trong căn hộ luôn trong tình cảnh “chảy nước” khiến nấm mốc, muỗi và các loại vi khuẩn có cơ hội sinh sôi và gây bệnh.
Chị Mai chia sẻ: “Thời tiết này đến tôi còn thấy khó chịu nói chi bọn trẻ. Hôm nay nghe dự báo thời tiết thấy báo trời sẽ vẫn tiếp tục mưa và có không khí lạnh tăng cường. Tôi thực không hiểu là cả gia đình sẽ phải sống ra sao trong những ngày tới”.
Hà Nội chìm sâu trong thời tiết nồm ẩm Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: Hiện không khí lạnh ảnh hưởng đến miền Bắc tiếp tục suy yếu, trong khi đó các tỉnh phía tây Bắc Bộ chịu tác động kết hợp với vùng áp thấp nóng có cường độ ổn định; thời tiết giữa hai khu vực đối lập nhau. Đông Bắc Bộ có mưa nhỏ, mưa phùn đều khắp, trời rét ẩm. Tây Bắc Bộ có mưa nhỏ vài nơi, ngày nắng ấm ngập tràn. Khoảng chiều tối và đêm nay, có một đợt không khí lạnh mới tăng cường yếu xuống miền Bắc. Do có không khí lạnh tăng cường, trong tuần này, thời tiết miền Bắc tiếp tục rét, trời phổ biến nhiều mây, đêm và sáng có mưa nhỏ rải rác, riêng khu vực Tây Bắc mây thay đổi, phổ biến không mưa, trưa chiều có nắng. Gió nhẹ. Đêm và sáng trời rét. Khu vực Hà Nội trời nhiều mây, âm u, ngày có mưa và mưa nhỏ rải rác, đêm có mưa nhỏ nhiều nơi; gió đông đến đông bắc cấp 2-3; trời rét. Nhiệt độ cao nhất từ 20-22 độ C, thấp nhất 17-19 độ C. Độ ẩm trong không khí tăng cao, dao động từ 97 đến 98%. Thậm chí tại khu vực Sơn Tây, độ ẩm còn lên tới 100%. Dự báo từ ngày 14/3 đến ngày 18/3, mây thay đổi, phổ biến không mưa, ngày nắng. Gió nhẹ. |
Ảnh: Doãn Tuấn - Thành Nam