Huyền Chip và chuyện “Chuồn chuồn cắn rốn biết bơi”

Trần Quất, Theo Trí Thức Trẻ 15:59 25/09/2013

“Không có sự thực nào được phơi bày, chẳng có chân lý nào được sáng tỏ. Chỉ có sự kháng cự yếu ớt của người bảo vệ “sự thật” và sự mông lung của người bày tỏ hoài nghi về cuốn sách của Huyền Chip”.

Gửi Ban biên tập,

Tôi là Trần Quất, 40 tuổi, hiện là Chuyên viên PR cho một công ty tại Hà Nội. Tôi viết thư này với mong muốn đề nghị Ban biên tập (BBT) xem xét có thể mở một chuyên mục, hay một không gian nào đó để những độc giả như tôi có thể trao đổi quan điểm hoặc chia sẻ những góc nhìn khác nhau về các vấn đề “nóng” đang diễn ra trong xã hội.

Tôi nghĩ, đây sẽ là một điểm tiếp cận lý tưởng để thực hiện ý tưởng của tôi, do đối tượng của Kenh14.vn đều là những người trẻ - những người sẵn sàng đón nhận và chia sẻ những cái mới. Cá nhân tôi cũng xem mình là trẻ vì tôi có tận hai lần tuổi 20. Như vậy chẳng phải là trẻ hai lần?

Để không mất thời gian của BBT và của quý độc giả, tôi xin chia sẻ những suy nghĩ của tôi về một sự việc đang được nhiều người quan tâm: Huyền Chip và cuốn sách “Xách ba lô lên và Đi: Đừng chết ở châu Phi”, nhưng ở một góc nhìn khác theo quan điểm của tôi.


===//===

Ngày 19/9/2013 vừa qua là một ngày sốt xình xịch với nhiều cư dân mạng Việt Nam ta. Đó là ngày cô gái Huyền Chip tổ chức họp báo ra mắt cuốn sách “Xách ba lô lên và Đi: Đừng chết ở châu Phi” trong bối cảnh một số bạn đọc nghi ngờ tính xác thực của cuốn sách được viết theo dạng nhật ký, hồi ký này.

Đó là một ngày hứa hẹn nhiều kịch tính như phim Hollywood khi cả hai phe Fan và Antifan đều kỳ vọng sẽ nhấn đối thủ chìm xuống bùn đen ô nhục vì “thần tượng” hoặc “tội đồ” trong mắt mình.

Đó là ngày, theo trí tưởng tượng của tôi, sẽ phải có cảnh hoành tráng đầy khói lửa kiểu chùm đèn pha lê nặng cả tấn rơi xuống đầu đối thủ như trong vở nhạc kịch The Phantom of the Opera đi kèm tiếng thét rung trời lở đất của The Phantom: Đây là cuộc chiến giữa chúng ta!

Nhưng chẳng có việc gì xảy ra. Không ai ca khúc khải hoàn và cũng chẳng ai bị dìm xuống bùn đen cả. Không có sự thực nào được phơi bày, chẳng có chân lý nào được sáng tỏ. Chỉ có sự kháng cự yếu ớt của người bảo vệ “sự thật” và sự mông lung của người bày tỏ hoài nghi trong hoạt cảnh “vui vẻ” tạo ra nhờ hai vị khách mời danh tiếng.

Huyền Chip và chuyện “Chuồn chuồn cắn rốn biết bơi” 1
Một hình ảnh của Huyền Chip trong chuyến đi vòng quanh thế giới qua 25 nước.


Một sự kiện ồn ào làm tổn thất, hao mòn bao bàn phím của cư dân mạng cho tới báo chí chính thống bỗng kết thúc nhẹ như không. Có phải vì chúng ta đã quá quen với những chuyện tầm phào hay vì đã trơ lì với những thứ shock, sex, giật gân? Hay nhu cầu “sự thật” của chúng ta cũng đã gầy mòn do phải nhường chỗ cho những giả dối quá lâu?

Những câu hỏi trên đã dẫn tôi đến việc quyết định viết bài này để không phí thời gian của đời mình cho một chuyện vô bổ. Sự vụ của Huyền Chip vẫn chưa có một kết cục rõ ràng, nên ở đây tôi chỉ muốn nhìn lại câu chuyện như một lát cắt của xã hội mà ta đang sống.

Một xã hội hình như bị ốm…

Tinh thần tranh biện

Nhìn lại các tranh cãi quanh sự vụ của Huyền Chip trên mạng, chúng ta thường thấy các luận điểm chính đem ra để tranh luận của đa số thường là “Em tin chị Chip”, “Dù thế nào em vẫn love chị”. Một số khác nguy hiểm hơn khi dùng cách thức quy kết AntiFan là “Lũ hẹp hòi”, “Bọn đàn ông mặc váy”, “Bọn GATO” - viết tắt của “ghen ăn tức ở”, hay nặng tính chuyên môn hơn là “Đồ không có não”, “Đồ mặt phụ khoa”.

Đại loại lý lẽ của số đông hai phe dành cho nhau là thế, và luận điểm của một số ít cư dân mạng thực sự là nguồn cơn gây ra tranh cãi lại chìm nghỉm trong số hàng ngàn comment như vậy. Thực tế, đa số mọi người tranh cãi không phải để chứng minh mình đúng, mà như nghĩa của một từ mới được dùng nhiều trên Facebook, seeders: comment chỉ để giữ cho topic luôn luôn hot.

Tới đây, tôi đã định kêu gọi mọi người phải làm điều gì đó để thức tỉnh con em chúng ta trước khi chúng, dưới sự dẫn dắt của tri thức "Gu gồ", ôm bàn phím xông lên tỷ thí với cuộc đời. Điều này chính ra còn nguy hiểm hơn cả tình thế bọn chúng, sau khi đọc “Xách balo lên và Đi”, thủ 700 đô phóng ngay ra đường làm một vòng thế giới.

Nhưng, vốn không tự tin với tri thức của mình, tôi đành cho rằng, cần phải có ai đó chỉ cho chúng biết, ngoài con đường của số đông và con đường của riêng mình, vẫn còn một lựa chọn nữa là con đường đúng.

Vậy còn ai thích hợp với vai trò đó hơn các học giả của chúng ta?

“Nghề cao quý”


Chúng ta cùng đến với hai vị trí thức mà khó ai có thể phủ nhận giá trị trong buổi họp báo của Huyền Chip: Một là Phó giáo sư (PGS), giảng viên của một trường đại học danh giá; một là vị Giáo sư (GS) đáng kính có thể giải đáp mọi khúc mắc của nhân loại qua công trình “Hỏi gì đáp nấy” – tôi chưa kịp Gu gồ xem cụ thể, nhưng tôi nhất quyết tin rằng tên tuổi của GS là phải gắn với các công trình khoa học.

Hãy nghe họ chỉ ra những chân lý mà chúng ta chỉ lờ mờ cảm nhận nhưng không thể điểm mặt chỉ tên.

Vị Phó GS nói rằng, chúng ta không nên mất thời gian nghi vấn với hoài nghi làm gì cho tốn thời gian, vô bổ. Quan trọng là “Không ai đặt câu hỏi vì sao mà Robinson Crusoe sống ở trên đảo. Chưa một ai nói rằng ông ấy nói dối hay nói thật cả …”. Đúng quá! Tôi cho rằng khi một trí thức như PGS đây lên tiếng, chúng ta cần phải tranh thủ mà lĩnh hội tri thức, vì người ta không trở thành PGS nhờ đánh lô hay tiền tiết kiệm, mà phải do trí tuệ hơn người.

Vậy mà có cậu sinh viên cũ của PGS lại dám phản bác lại rằng: “Thế là đánh tráo khái niệm. Crusoe là nhân vật hư cấu, ai thắc mắc làm gì?”.

Tôi tin rằng, PGS làm sao sai được? Ngụy biện, đánh tráo khái niệm là kẻ thù của bậc trí giả, sao lại có ở PGS? Mặc dù tôi cũng láng máng nhớ hình như Crusoe là nhân vật hư cấu của một ông Tây, nhưng chắc một điều PGS phải hơn cậu sinh viên kia rồi. Chữ anh học của thầy cô cả, sao dám hơn họ được?

Nhưng sự khai thông trí tuệ của tôi không chỉ dừng ở đó, tôi đã suýt khóc (vì ân hận) với diễn giải của GS: "Chúng ta nên tin Chip vì Chip không có lý do để nói dối. Tôi rất buồn vì các bạn thiếu hiểu biết đã ném đá Chip trên mạng". Hóa ra tôi đã đánh giá sai các bạn trẻ trên mạng, các bạn đã tiến xa hơn về biện luận hơn tôi rất nhiều. Hóa ra “Em tin chị Chip”, “Dù thế nào em vẫn love chị” đều là những luận điểm vững chắc đã được GS công khai tán đồng.

Cũng nhờ sự khai sáng của hai học giả, tôi thấy mình lớn thêm một chút và trộm nghĩ, giá như ông Galilei cũng có được tư duy khoa học của các GS ta, chắc chắn ông sẽ không bị rút phép thông công. Mà cũng nhờ sự gợi mở của hai vị, tôi tin ngay rằng Galilei chắc không thể bị Tòa dị giáo tống ngục vì nói “Trái đất quay quanh mặt trời”, mà chính vì nói “Hoài nghi là cha đẻ của phát minh”.

Nếu không tin vào lý lẽ của tôi, mời các bạn tham khảo ý kiến của PGS.

Huyền Chip và chuyện “Chuồn chuồn cắn rốn biết bơi” 2
Huyền Chip trong buổi ra mắt cuốn sách "Xách ba lô lên và Đi: Đừng chết ở châu Phi". Bên cạnh là giáo sư Nguyễn Lân Dũng. 


Trước đây tôi cũng từng nghĩ, GS, Tiến sĩ (TS) là những người cao quý, có kiến thức uyên thâm, chỉ chuyên tâm nghiên cứu và giảng dạy trong một lĩnh vực cụ thể nào đó. Giờ tôi mới vỡ ra rằng, với sự am tường mọi ngóc ngách của cuộc sống, không có gì là các GS của ta không làm được. Họ không còn chỉ nói và làm những điều ít ai trong chúng ta hiểu được.

Như vậy phải chăng, GS ở ta đã trở thành một nghề? Xin đừng hiểu sai ý tôi. Đã là nghề thì nghề nào cũng cao quý cả. Nghề GS hay nghề bán vé số, hay mổ thịt lợn cũng đều cao quý như nhau.

Thậm chí nghề GS còn có phần quý hơn khi các GS, TS có thể giúp xã hội đi lên bằng trí tuệ dư thừa của mình. Nghĩ tới viễn cảnh nước ta chẳng mấy hóa rồng (thật) nhờ sự đóng góp to lớn của các GS, tôi cứ thấy tiếc rẻ, cả nước mà chỉ có chưa tới 10 ngàn GS, TS thì hình như hơi ít quá.

Vậy nên chăng, Việt Nam ta phải quyết liệt phổ cập nghề GS? Câu hỏi này chắc lại chỉ các GS mới có thể trả lời.

Báo chí và Cơ hội sống sót của chúng ta

Trước khi lĩnh hội tri thức của các GS, tôi đã nghĩ báo chí cũng giống như account Quất của tôi trên Facebook, chỉ có điểm khác biệt là họ có nhiều status hơn, nhiều người theo dõi hơn thôi. Nguyên nhân tôi có cái nhìn phiến diện về báo chí như vậy là do cách thức xử lý thông tin của họ không giống như tôi biết.

Ví dụ, khi giật status với câu đồng dao “Chuồn chuồn cắn rốn bốn ngày biết bơi”, Quất tôi chả có nghĩ gì sất, hay cũng có thể là nhớ tới lần suýt chết đuối vì trót tin vào sự màu nhiệm của con chuồn chuồn. Và tôi - đúng thật, như PGS nói, “không có trách nhiệm với cuộc đời của ai cả”.

Nhưng với báo chí thì khác. Trước khi muốn viết status như tôi, họ phải đi xem có đúng là “chuồn cắn rốn biết bơi” không, mất bốn ngày hay tám ngày; họ phải giải thích tại sao lại thế - nếu có GS chuồn chuồn tham vấn nữa thì đúng là báo chí đỉnh cao. Nếu có thể, nhà báo còn phải thuyết phục một ai đó thử nghiệm “cắn rốn” để họ ghi âm, chụp ảnh hay quay film để chứng tỏ rằng đây không phải là việc bịa đặt. Khó hơn nữa, nếu việc “chuồn chuồn cắn rốn” là tuyệt kỹ của nhà Quất thì báo chí lại phải đóng vai James Bond điều tra xem thực hư thế nào.

Đấy là suy nghĩ sai lầm của tôi, còn thực tế báo chí ta đã ở cảnh giới thượng thừa (chắc hẳn cũng nhờ tinh hoa của các GS, TS báo chí nước nhà), từ tư duy khúc triết cho đến tính khái quát hóa cao độ. Quả thực, nếu không lĩnh hội được tư tưởng của các GS, tôi đã xem thường báo chí nước nhà biết bao. May thay, tôi đã thấy quá trình nhận thức quả đúng như kinh sách nhà Phật: thấy núi sông là núi sông, rồi đến không thấy núi sông là núi sông, cuối cùng mới thấy được núi sông vẫn là núi sông.

Nghe quá phức tạp, nhưng đại để là ban đầu bạn thấy báo chí chẳng ra gì, rồi bạn đọc nhiều sách rồi thấy báo chí ra gì, rồi đến khi gặp GS lại thấy báo chẳng ra gì. Còn tôi thì thấy báo chí ra gì – tức là rất tốt ấy, vì đã kịp nhận ra mình chỉ là kẻ võ biền đứng trước một công án Thiền mà ngu ngơ không hiểu vậy cái công án đó để đựng gì (?).

Tới đây chắc hẳn quý độc giả đã nhận ra ngay hố sâu tri thức ngăn cách giữa GS, TS và tầng lớp cần lao như tôi. Tôi đã tốn ngót 2000 chữ mà có lẽ độc giả chưa hiểu được đằng sau những lời tán dương hết mực dành cho các bạn trẻ, các GS, TS và báo chí là thông điệp gì.

Không tra tấn độc giả bằng văn phong nhiều chữ ít nghĩa nữa, đây là bức tranh tôi vẽ lại sự vận động của xã hội:

Khi báo chí nói: “Chuồn chuồn cắn rốn bốn ngày biết bơi”.

Phe phản biện (rất ít ỏi) nói: “Chứng minh đi!”.

Các Fan của môn bơi nói: “Bơi thật tuyệt!”.

AntiFan nói: “Bốn ngày sao biết bơi?”.

Các học giả vào cuộc phân xử, PGS nói: “Ai phê phán bơi là người đấy chả biết gì và chả đi đâu bao giờ”.

GS nói: “Ai không đi bơi thì phí cả một đời. Tôi 76 tuổi rồi đi bơi về còn thấy phong độ như thanh niên”.

Cuối cùng thì bạn đã nhận thấy xã hội của chúng ta vận hành nhờ tri thức như thế nào chưa? Nếu bạn bối rối và chưa hiểu ý nghĩa của bức tranh tôi vẽ, bạn chính là một tế bào bị suy dinh dưỡng tri thức trong cơ thể một xã hội ốm yếu. Giải pháp cho căn bệnh này không gì khác hơn là phải bổ sung Vitamin Tri thức. Vì nếu thiếu tri thức, bạn sẽ không bao giờ nhận được ra sự nguy hiểm của đám “chuồn chuồn” đang đầy rẫy trong xã hội ta; thiếu nó bạn đương nhiên sẽ bị đào thải bởi vì xã hội đang vận hành với kiến trúc thượng tầng có hàm lượng tri thức rất cao. Nhưng tiếc rằng, những tri thức đó không giống như những gì chúng ta – tầng lớp nhân dân lao động, từng biết.

Tóm lại, bạn sẽ chết nếu không update được tri thức mới và xã hội sẽ phải thay hết nhân dân cũ bằng nhân dân version mới – hệt như hệ điều hành iOS6 sẽ được thay bằng iOS7 trên chiếc iPhone của bạn vậy.

Vậy báo chí có trách nhiệm không khi đưa tin rằng, chỉ cần 700 đô là có thể đến sao Hỏa và quay lại trái đất? Theo đúng tinh thần học thuật đã lĩnh hội từ các GS, tôi cho rằng báo chí chỉ có trách nhiệm với số views của họ. Còn với các độc giả kiên nhẫn đã đọc hết hơn 2.000 chữ của tôi, đây sẽ là thông tin thật sự hữu ích cho việc cứu rỗi cuộc đời các bạn: 700 đô. Đó chính là một con chuồn chuồn rồi, thưa quý bạn đọc.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày