Hiệp sĩ 9X bị tấn công bằng dao dính máu HIV: Ra viện tôi sẽ lại đi bắt cướp tiếp!

Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 18/04/2015
Chia sẻ

Sau khi dũng cảm bắt cướp và bị tấn công bằng dao dính máu nhiễm HIV, hiệp sĩ 9X Nguyễn Việt Sin phải điều trị chống phơi nhiễm HIV tại bệnh viện. Sin cho biết vẫn sẽ tiếp tục truy bắt cướp sau khi xuất viện, nhưng những ngày vừa qua, anh cũng không tránh khỏi cảm giác buồn và tủi thân.

Chiều ngày 17/4, Bệnh viện Nhiệt Đới, TP. HCM vẫn đang tích cực điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Việt Sin (22 tuổi), hiệp sĩ đường phố vô tình bị cướp dùng dao dính máu HIV tấn công.

Theo bác sĩ điều trị, hiện tại tình hình sức khỏe của Sin đã tạm thời ổn định sau thời gian bị sốc thuốc phơi nhiễm HIV vào sáng ngày 16/4. Tính đến thời điểm hiện tại, anh Sin chỉ trực tiếp điều trị chống phơi nhiễm HIV tại BV Nhiệt Đới được 2 ngày, còn trước đó, sau khi bắt cướp và bàn giao cho Công an, anh đã tự bỏ tiền đến bệnh viện mua thuốc về điều trị.

Nhắc đến chuyện sau khi bắt cướp có nguy cơ nhiễm HIV, anh Sin ngậm ngùi: "Sau khi bắt được cướp nhưng không may bị dính máu nhiễm HIV từ bọn chúng, chỉ có tôi lủi thủi đến bệnh viện tự mua thuốc uống thôi. Thật sự tôi không sợ khả năng bị lây bệnh, hành động của tôi giúp ích cho cuộc sống, dù có rủi ro cũng phải chấp nhận. Nhưng những việc xảy ra mấy ngày qua khiến tôi khá buồn và tủi thân".

Nhớ về những tình huống bắt cướp trong nguy hiểm và nhiều rủi ro, Sin không hề tỏ ra một chút sợ hãi mà còn rất quyết tâm tiếp tục đi bắt cướp trở lại sau khi ra viện. Anh cho biết cha của mình cũng là một chiến sĩ Công an kiên cường và dũng cảm trong lúc làm nhiệm vụ nên anh muốn noi gương cha mình.

Chàng trai trẻ cho biết sẽ tiếp tục bắt cướp sau khi ra viện để noi gương cha mình.

Ngồi trên giường bệnh với ánh mắt đăm chiêu, chàng trai 9X kể: "Lúc mới tiếp cận bọn chúng, tên ngồi sau đã rút dao bấm đâm vào tay khiến tôi bị chảy máu. Không nhụt chí, tôi tiếp tục chiến đấu với 2 tên cướp, sau đó chúng ném đá tới tấp vào tôi. Chưa dừng lại, một tên cướp còn hét lớn: "Tao nhiễm HIV này. Giờ tao cho mày đi theo luôn", rồi cả 2 tên cùng lao vào chiến đấu với tôi. Giờ nhớ lại cảnh tượng như... phim hành động vậy".

Như lời chàng trai dũng cảm, cậu không nao núng, quật ngã được một tên xuống đất và khống chế được tên này. Tên bị nhiễm HIV sau đó bỏ chạy, leo lên tầng thượng nhà dân và tiếp tục dùng dao lam dính máu tấn công trúng một chiến sĩ công an phường 13, quận Tân Bình (TP. HCM). "Lúc đó tôi không hề sợ gì cả, vì vẫn có một niềm tin rất mãnh liệt sẽ hạ được tên cướp. Điều tôi băn khoăn và thất vọng là lúc đó có rất đông người dân nhưng không ai dám cùng bắt cướp cả, nếu đám đông cùng chung tay thì 2 tên cướp sẽ bị hạ nhanh chóng", hiệp sĩ Sin cho biết.

Trong ảnh là tên cướp dùng dao dính máu nhiễm HIV tấn công Sin. Ảnh: NVCC

Kết thúc một hành động dũng cảm của hiệp sĩ đường phố 9X, Sin bị thương nặng phải khâu 8 mũi ở tay. Toàn thân cậu bị rạch 3 đường bằng dao lam. Đặc biệt ở lưng và cổ chi chít những vết bầm do hứng rất nhiều gạch đá của hai đối tượng hung hãn ném vào. Sin được đưa đi cấp cứu rồi sau đó về trụ sở công an phường 13 vào cùng ngày. Sau đó Sin lại tiếp tục một mình đến BV Nhiệt Đới (TP. HCM) để mua thuốc điều trị phơi nhiễm chứ không nhập viện.

Tại đây, các bác sĩ đã tiêm cho cậu một mũi thuốc chống phơi nhiễm HIV và đưa thuốc về nhà uống trong vòng 1 tháng. Ngoài loại thuốc Lamzidivir, còn có thêm thuốc Egalive để hỗ trợ gan. "Tổng số tiền mua thuốc để điều trị chống phơi nhiễm HIV gần 2 triệu đồng. Số tiền này tôi tự bỏ ra để chữa bệnh chứ không ai hỗ trợ gì cả, nhưng tôi vẫn vui vì đã có hành động tốt để giúp đời thêm ý nghĩa hơn", Sin cho biết.

Sau 12 ngày mang thuốc về nhà uống và không có biểu hiện gì bất thường, đến ngày 15/4, BV Nhiệt Đới (TP. HCM) có mời anh đến thu hồi lại toàn bộ số thuốc trên, đồng thời cấp cho anh 32 viên thuốc chống phơi nhiễm khác (Sin không rõ tên) để uống trong thời gian còn lại.

Nguyễn Việt Sin, hiệp sĩ 9X dũng cảm đang điều trị chống phơi nhiễm HIV.

"Tuy nhiên, khoảng 18h cùng ngày, tôi uống 1 viên thuốc này và ngủ đến 4h sáng hôm qua (16/4) thì bất ngờ bị nôn ói, tiêu chảy liên tiếp, sau đó lại tiếp tục nôn ra máu. Nhận thấy sức khỏe gần như kiệt quệ, tôi bảo người nhà chuyển đến BV Thống Nhất (quận Tân Bình). Tuy nhiên, khi bác sĩ ở đây biết tôi bị sốc thuốc do đang điều trị phơi nhiễm HIV, lập tức bệnh viện này đã chuyển mình đến BV Nhiệt đới (TP.HCM) để điều trị đến giờ", Việt Sin thuật lại.

Hai loại thuốc điều trị phơi nhiễm HIV mà Sin uống và bị sốc thuốc - Ảnh NVCC.

Chàng hiệp sĩ 9X dũng cảm này còn cho biết, sau khi có hành động bắt cướp bị phơi nhiễm HIV phải nghỉ làm việc để đến BV Nhiệt Đới (TP. HCM) điều trị tích cực, Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã có công văn gửi Cục Phòng chống HIV/AIDS yêu cầu xem xét chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất trong quá trình điều trị cho anh Sin.

Theo đó, chàng trai dũng cảm này sẽ được BV Nhiệt Đới điều trị miễn phí thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV. "Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành về sự quan tâm của cô Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Y Tế. Đồng thời cũng cảm ơn tất cả mọi người, đặc biệt là hội ô tô Sài Gòn đã hỗ trợ tôi 10 triệu đồng để điều trị bệnh", Sin bày tỏ.

Hiệp sĩ Sin còn có một người em gái và cả hai anh em đang sống cùng mẹ. Cha của Sin mất sớm từ lúc anh còn nhỏ. Năm Sin lên lớp 8, anh một mình rút học bạ từ quê ngoại (Đồng Tháp) ngược xuống quê nội (Cà Mau) để vừa đi làm giúp đỡ ông bà, vừa học đến khi tốt nghiệp 12.

Chàng trai 9X đã thi tuyển vào ngành Công an của cha nhưng không thành công. Sau khi trượt đại học, Sin đi làm mướn một thời gian, sau đó xin vào HTX vận tải Phương Đông để lái xe chở khách du lịch với mức lương 5 triệu đồng/tháng.

"Cuộc đời tôi cũng nhiều bấp bênh, nhưng sau sự việc này tôi vẫn quyết không từ bỏ việc bắt cướp, phải chiến đấu đến cùng giống như người cha dũng cảm của mình vậy. Trước khi qua đời vì bạo bệnh, cha tôi khi làm trong nghề cũng hay bắt được cướp lắm, có lẽ tôi có gen di chuyền của cha nên mới dám liều bất chấp tất cả để bắt cướp"
, hiệp sĩ chia sẻ.

Phơi nhiễm HIV là thuật ngữ dùng để chỉ sự tiếp xúc niêm mạc hay da của người không bị bệnh với máu, mô hay các dịch cơ thể của người khác dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV.

Trong thực tế, không phải trường hợp nào người bị phơi nhiễm HIV cũng đồng nghĩa với việc bị nhiễm HIV.

Quy trình xử lý


* Trước tiên là xử lý vết thương tại chỗ:

- Rửa ngay vết thương dưới vòi nước.
- Để vết thương chảy máu trong thời gian ngắn.
- Rửa kỹ bằng xà phòng, sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn (Dakin, Javen 1/10 hoặc cồn y tế) trong thời gian ít nhất là 5 phút.

Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt: Rửa bằng nước cất hoặc nước muối NaCL 0,9% liên tục trong vòng 5 phút.

Phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi:
- Rửa bằng nước cất hoặc nước muối NaCL 0,9%
- Xúc miệng bằng nước NaCL 0,9% nhiều lần.

* Sau đó đánh giá nguy cơ phơi nhiễm:

Nguy cơ cao:
- Tổn thương qua da sâu, chảy máu nhiều
- Máu và các dịch của người có H bắn vào các vết thương, niêm mạc bị loét rộng từ trước.

Nguy cơ thấp:
- Tổn thương da xây xát nông và không chảy máu hoặc chảy máu ít
- Máu và chất dịch cơ thể bắn vào niêm mạc không bị tổn thương , viêm loét.

Không có nguy cơ:  Máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào vùng da lành, không bị tổn thương.

* Điều trị phơi nhiễm bằng thuốc kháng virus HIV (ARV)

Cần tiến hành điều trị ARV ngay cho người bị phơi nhiễm, đặc biệt là những người có nguy cơ lây nhiễm cao, càng sớm càng tốt. Tốt nhất là điều trị ARV sớm 2-6 tiếng đồng hồ sau khi bị phơi nhiễm và không nên điều trị muộn sau 72 tiếng. Thời gian điều trị ARV kéo dài trong bốn tuần và có thể sử dụng các phác đồ sau theo chỉ định của bác sĩ: ZDV + 3TC hoặc d4T + 3TC.

Người bị phơi nhiễm cần xét nghiệm HIV sau một, ba và sáu tháng kể từ thời điểm bị phơi nhiễm. Trong thời gian này, người bị phơi nhiễm cần thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho người khác. Sau sáu tháng xét nghiệm HIV mà cho kết quả âm tính, người bị phơi nhiễm có thể yên tâm rằng đã không bị lây nhiễm HIV trong tình huống đó.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày