Từ lâu, Rằm tháng Giêng được coi là một trong những lễ tiết quan trọng nhất trong năm. Vào ngày này, ngoài việc cúng bái tổ tiên, người dân thường đi lễ chùa cầu nguyện cho bản thân và gia đình. Người Việt thường quan niệm "Lễ quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng". Đêm 14 tháng Giêng thường có lễ rất quan trọng là lễ cầu an. Thời điểm này, các chùa đều mở Đại lễ cầu an dịp đầu năm cho các phật tử với hy vọng hóa giải điều xấu và cầu nguyện những điều tốt lành cho một năm mới.
Trong số các ngôi chùa Hà Nội, chùa Phúc Khánh là nơi tập trung đông nhất người đến dự lễ.
Từ 15h chiều, hàng nghìn người đã tập trung trước cửa chùa.
Đến khoảng 16h30, cửa vào Tam Bảo đã bị khóa chặt và có lực lượng an ninh đứng canh gác.
Vì không thể vào được bên trong nên đã diễn ra cảnh chen lấn, xô đẩy.
Lực lượng an ninh rất vất vả thuyết phục người dân hiểu rằng lễ cầu an chủ yếu là thành tâm hướng Phật, đến khoảng 18h, cảnh chen lấn đã bắt đầu giảm bớt.
Trái ngược với cảnh chen lấn bên ngoài, phía trong khu vực diễn ra Đại lễ cầu an dù rất đông nhưng luôn trật tự, lực lượng an ninh quận phối hợp cùng nhà chùa đã làm rào chắn và băng-rôn ngăn chia đường đi lại.
Người dân ngồi dự lễ chật cứng khắp khuôn viên trong chùa.
Chị Vũ Thị Thạnh (Khâm Thiên - Hà Nội) chia sẻ: "Năm nay là lần thứ 27 tôi đến chùa Phúc Khánh cầu an, không năm nào là không phải chen chúc cả nhưng tôi rất thích làm lễ ở đây vì rất nhiều lý do khác nhau".
Theo chị Thạnh, chùa Phúc Khánh do Đại sư Thích Thanh Quyết làm trụ trì. Ông là một nhà sư vừa có Tâm, vừa có Tài. Vì thế, các khóa lễ do nhà chùa mở ra đều nhận được sự hưởng ứng của rất đông phật tử.
Mọi ngả đường dẫn về chùa Phúc Khánh đều đông kín.
Hàng nghìn người đội mưa thành tâm cầu an trước cổng chùa Phúc Khánh.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Nga (Hoàng Mai - Hà Nội) cho biết: "Mình ở khá xa nhưng nghe nói chùa này linh lắm nên năm nay đi thử cho biết". Chị Nga cho biết, chị không thể chen vào được bên trong chùa nên chọn cách đứng ở cầu vượt Ngã Tư Sở để cầu nguyện. Theo chị Nga, lễ cầu an chủ yếu là cầu mong sức khỏe và thể hiện sự thành tâm của người đi lễ Phật nên không cần cầu kỳ về hình thức.
Theo nhiều người dân cho biết, năm nay, chùa Phúc Khánh bắt đầu mở cửa nhận yêu cầu tham dự lễ cầu an của người dân từ đầu tháng Chạp năm trước. Danh sách cầu nguyện đã được hoàn tất vào trước ngày diễn ra Đại lễ rất lâu. Tuy nhiên, hôm nay, rất nhiều người dân vẫn mua sớ và lễ với hy vọng được vào chùa hành lễ.
Chị Quỳnh Chi (Tây Hồ - Hà Nội) chia sẻ: "Mình đi lễ từ 3h chiều nhưng không vào được dù đã sắm lễ đầy đủ. Đây là lần đầu đi cầu an cùng chị hàng xóm nên chưa hiểu rõ quy định. Đến đây thấy mọi người thành tâm cầu khấn từ ngoài đường khiến mình rất bất ngờ".
Clip toàn cảnh hàng nghìn người cầu an ở chùa Phúc Khánh tối 14/1 tháng Giêng - (Người thực hiện: Hoàng Hải).Clip ghi lại đoạn từ ngã tư Tây Sơn - Thái Hà đến chân cầu vượt ngã Tư Sở - (Người thực hiện: Doãn Tuấn).
(Ảnh: Đầu Tròn, Tú Quách)