Chủ nhà là bác Trần Văn Minh (64 tuổi) và cậu con trai duy
nhất Trần Nguyên Hà (24 tuổi) đã có hơn 3 năm sinh sống trong căn gác tạm bợ
này. Bác Minh cho biết:
“Ngày xưa bác dựng lều ở trong hẻm để sống qua
ngày bằng nghề bán vé số, nuôi con ăn học (vợ bác đã mất vì bệnh phổi và bệnh
tim khi con trai chưa kịp tròn 3 tuổi). Sau này thấy thằng Hà đã lớn, hai cha con
không thể chen chúc nhau trong mấy tấm bạt nilon nữa nên bà con trong xóm mới
thương tình gom góp đóng cho hai cha con cái căn nhà tạm này để che mưa che nắng,
sống qua ngày. Căn nhà được xây trên nóc cái nhà vệ sinh chung (ngày xưa) của 3 gia
đình, giờ họ có tiền nên xây lại nhà cửa và có wc trong nhà luôn rồi, chẳng ai
xài nữa ngoài hai cha con tôi”.
Bác Minh kể về câu chuyện đời mình và "căn nhà" độc đáo. Hiện con trai bác - Trần Nguyên Hà (24 tuổi) đang làm nghề giữ xe tại một khách sạn gần nhà và bác thì đang phụ bán cơm cho người hàng xóm với mức lương mỗi tháng 2 triệu.
Những vật dụng quý giá của căn nhà. "Nhờ bà con thương nên cũng giúp đỡ, tôi từ miền Trung vào sau khi gia đình chết hết trong chiến tranh, có vợ thì vợ cũng bệnh mà mất sớm. Giờ chẳng còn ai thân thuộc nữa ngoài thằng con và bà con khu hẻm nghèo này", bác Minh kể.
Bác Minh ngồi trong căn nhà của mình khi người con trai đang ngủ. "Thằng con đi canh xe ban đêm nên ban ngày nó ngủ lấy sức. Hai cha con nhìn to tướng vậy chứ nằm chật chội từ hồi che bạt nilon ngoài đường nên quen rồi. Giờ ở trong nhà này thấy không có vấn đề gì lắm".
Cửa chính của căn nhà nhìn thẳng ra con đường Nguyễn Trãi sầm uất và đầy nhộn nhịp.
Một góc của căn nhà có diện tích 3,6m2 với bề ngang 1,8m và chiều dài 2m.
Với đầy đủ tủ quần áo, bếp nấu ăn và nơi treo đồ.
Bên cạnh người con trai đang ngủ, bác chỉ còn một chỗ nhỏ để ngồi hoặc nằm nghỉ khi mệt.
Gian bếp tí hon khá gọn gàng của gia đình bác.
"Ít khi phải sử dụng đèn vì nhà nhỏ quá, mở cửa ra là đèn đường rọi vô hết cả căn nhà", bác vui vẻ chia sẻ.
"Có nhà là mừng rồi nhưng tôi mong ước có cái hộ khẩu cho thằng con trai có giấy tờ mà đi làm, nó đã 24 tuổi nhưng đi làm được vài tháng lại phải thôi việc vì không thể bổ sung đầy đủ giấy tờ người ta đòi. Khổ lắm".
"Trên phường họ nói muốn có hộ khẩu thì xin ai cho nhập hộ khẩu chung, nhưng ai mà cho mình chứ. Cái đó khó quá trời. Kiểu này chắc hai cha con tôi suốt cả đời không có tờ giấy lận lưng...".
Những vật dụng trang trí đơn sơ cần thiết của ngôi nhà tí hon.
Để lên được nhà, bác Minh phải đi thang từ phía ngoài một cách khó nhọc với đôi chân bị tật.
Và chui đầu, lách người qua tấm bạt che mưa này một cách thật khéo léo.
"Mọi người đi không quen chứ tôi đi quen, tôi thấy dễ rồi, không sợ té nữa", bác Minh cho biết.
Chiều dài của căn nhà nhìn từ dưới đất.
Mặt trước ngôi nhà nhỏ của hai cha con bác Minh.
Hàng cơm bình dân trước nhà cũng là nơi bác đang làm việc mỗi ngày. "Làm thuê cho người ta cũng cực nhưng được cái chủ cũng tốt, chịu mướn người già như tôi nên cũng mừng rồi", bác Minh chia sẻ.