Nằm ngay sát chân cầu Long Biên (Hà Nội) và được mệnh danh là "khu ổ chuột", khu dân cư số 2 - phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội) gồm nhiều dãy nhà xập xệ, cũ nát. Đây là nơi những người lao động nghèo ở chợ đầu mối Long Biên tá túc và sinh sống ngày qua ngày.
Họ là những người dân lao động tỉnh lẻ như Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên, Thanh Hóa... tập trung về đây để kiếm sống. Vì không có bằng cấp nên công việc chính của những người này chủ yếu là bốc vác, nhặt rác, gánh hàng rong...
Khi chúng tôi đến thì anh Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1980, quê ở Bắc Giang) đang thu dọn đồ đạc chuẩn bị đi làm. Chính vì vậy, khi chúng tôi lại gần hỏi chuyện thì anh Tiến có vẻ ngại tiếp đón. Tuy nhiên, sau một hồi chia sẻ thì anh Tiến đã mời chúng tôi vào nhà uống nước. Con cái gửi ở quê cho ông bà, hai vợ chồng anh Tiến ngày qua ngày chui ra rúc vào ở căn nhà lụp xụp chưa đầy 10 mét vuông cạnh chợ Long Biên này.
Ngồi nhà tuy lụp xụp nhưng anh Tiến phải thuê với giá gần 1 triệu đồng.
Anh Tiến chia sẻ: "Ở khu trọ này, chủ yếu là những người lao động chân tay, tất cả đều cùng chung một hoàn cảnh khó khăn. Do điều kiện ở quê cũng đói kém, chuyển lên Hà Nội làm ăn, làm nhiều nghề, nhiều việc nhưng rồi cuộc sống khốn khó vẫn bám theo mãi. Số phận là vậy, nên khi lấy vợ, tôi cùng vợ đã tìm ra một nghề cố định để sinh sống. Nói là nghề cho sang chứ thật ra chỉ là một người đi nhặt rác, đi hết phố này đến phố nọ, đường này đến đường khác...".
Chuyển về ở đây từ năm 2007, ngày mưa hay nắng, hai vợ chồng anh Tiến vẫn cố bám trụ ở căn nhà nhỏ rách nát này. Anh Tiến cho biết: "Mặc dù căn nhà nhỏ và trông cũ nát như vậy nhưng giá thuê không hề rẻ chút nào đâu. Từ ngày bắt đầu đến ở thì có mấy trăm nghìn nhưng vì giá cả leo thang nên giờ chủ nhà cũng tăng giá lên đến 800.000 đồng rồi đấy".
Nghe anh Tiến nói, chúng tôi vô cùng bất ngờ với giá thuê một căn nhà chỉ có mấy vách nan bao kín xung quanh, mưa thì thấm dột, không có công trình phụ, nước phải đến nhà chủ để lấy...
Một "ngôi nhà" trong "khu ổ chuột".
Anh Tiến giải thích: "Ở đây chuyện nhà to hay bé, tiện nghi như thế nào không quan trọng, quan trọng nhất là phải có sân rộng nằm sát đường để khi nhặt rác về còn có chỗ phơi khô. Nếu ở trong các dãy trọ khác, chắc chắn sẽ tốt hơn nhưng không có nơi để phơi rác, mình đưa rác về thì sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh".
Với công việc nhặt rác như hiện tại, một ngày, cả hai vợ chồng anh Tiến chịu khó thì cũng chỉ kiếm được được hơn 100.000 đồng, số tiền kiếm được cũng chẳng dành dụm được là bao. Khoản thì lo cơm nước, khoản thì để trả tiền thuê nhà và tích góp một ít để gửi về nuôi các cháu ở quê.
"Biết khó khăn là vậy nhưng giờ về quê, hai vợ chồng cũng không có gì để làm, chỉ bám vào mấy sào ruộng, thà rằng ở đây làm thêm rồi gửi tiền về cho con ăn học còn hơn", anh Tiến chia sẻ.
Công việc của những người dân lao động ở "khu ổ chuột" này không tuân thủ theo thời gian cố định nào, có nhiều người dậy lúc sáng sớm để làm nhưng có những người đến trưa muộn mới bắt đầu đi.
Bà Nguyễn Thị Trái (quê ở Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, một người dân ở “khu ổ chuột”) tâm sự: "Mặc dù tuổi đã già nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên ngày nào tôi cũng phải tự đi nhặt rác kiếm tiền để nuôi bản thân. Mỗi ngày, cứ khoảng 1 - 2h sáng, tôi lại thức dậy vác bao tải đi khắp các ngõ ngách chợ Long Biên để nhặt phế thải, cứ như vậy đến 10h trưa thì trở về nhà".
Theo bà Trái,
"do tuổi già nên giờ không ngủ được, dậy đi nhặt rác thì mệt người nhưng kiếm được tiền nên thấy vui hơn. Nhiều khi mệt mỏi không đi nhặt rác được lại phải nhịn đói". Sau gần một ngày trời vác bao tải đi hết ngõ này sang ngách khác, những sản phẩm mang về được bà Trái làm sạch rồi tận dụng ngay ngõ ra vào làm chỗ phơi phóng.
Khi được hỏi về cuộc sống cơ cực của mình,
bà Trái không giấu được cảm xúc và kể về cuộc đời mình: Dù đã có chồng và con nhưng do trong
cuộc sống gia đình có nhiều biến đổi, đến một ngày không
chịu được nên bà đã bỏ chồng và bế con gái hơn hai tháng tuổi xuống Hà
Nội, một mình nuôi con và lập nghiệp. Khi mới xuống Hà Nội, sức khỏe đang
còn yếu, chưa biết làm gì nên hai mẹ con bà phải vật lộn với bao khó khăn.
Nhưng rồi cuộc sống của hai mẹ con bắt đầu thay đổi dần khi bà kiếm
sống được bằng nghề nhặt rác.
“Khi
đặt chân đến Hà Nội, do không có tiền thuê nhà trọ nên hai mẹ con phải sống dặt
dẹo ở vỉa hè, gầm cầu, ai cho ở nhờ thì ở... Do con gái đang còn nhỏ nên
mỗi ngày đi nhặt rác là phải bế nó đi theo, cứ như vậy, ngày qua ngày,
hai mẹ con tôi kiếm được một ít tiền mua cơm, cháo để sống", bà Trái cho biết.
"Đã
gần 40 năm nay, cuộc sống của tôi gắn bó với gầm cầu Long Biên này
rồi, bao nhiêu chuyện buồn vui ở đây đều có cả", bà Trái cho biết thêm.
Giờ đây, con gái lớn đã lấy chồng nhưng hàng ngày, bà Trái vẫn cặm cụi một mình đi
nhặt rác kiếm tiền nuôi sống bản thân và mua quà cho cháu ngoại.
Cùng
chung hoàn cảnh khó khăn, bà Phạm Thị Bích (56 tuổi, quê ở Khoái Châu,
Hưng Yên) đang ở trong túp lều nhỏ xíu, dột nát, chỉ rộng chừng 8
mét vuông và với chiều cao khoảng 1,5 mét.
Túp lều lụp xụp này là nơi bà Bích thường ngày vẫn chui ra chui vào để tránh mưa nắng.
Đồ đạc trong "nhà" bà Bích. Bà Bích tâm sự: "Hai vợ chồng tôi ở đây cũng khá lâu rồi, với giá thuê 700.000 đồng/tháng. Ngày nắng thì nóng như lửa đốt, còn ngày mưa thì thấm dột, đồ đạc trong nhà ướt hết. Nếu trời mưa to quá thì hai vợ chồng tôi phải mặc áo mưa ngồi trong lều".
"Mặc dù đã ý kiến với chủ nhà để sửa chữa nhưng vì một số lý do khách quan nên không thể làm được, và vợ chồng tôi đã khổ nay càng khốn khổ hơn", bà Bích cho biết thêm.
Khi chúng tôi hỏi về việc con cái, hai hàng nước mắt của bà Bích chảy ra. Bà nói: "Vợ chồng nào khi lấy nhau đều muốn có một vài đứa con để nuôi, dù đói khổ thế nào thì có con cũng thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, vợ chồng chúng tôi không có được điều đó, từ ngày lấy nhau đến giờ hai vợ chồng chỉ vậy nuôi nhau".
"Nhiều lúc thấy gia đình hàng xóm, hay gia đình người ta sum vầy bên nhau, tôi thèm khát hạnh phúc đó lắm nhưng không được", bà Bích nghẹn ngào nói.
Còn biết bao mảnh đời khốn khổ sống trong "khu ổ chuột" rách nát này. Suốt hàng chục năm qua, những con người ấy phải vật lộn để kiếm miếng cơm manh áo giữa đất Thủ đô phồn hoa, tấp nập.