Nằm trong Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc),
trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam được biết đến là mái nhà che chở cho những chú gấu là nạn nhân của các vụ buôn lậu, nuôi nhốt gấu trái phép để hút mật. Trung tâm đang nuôi dưỡng và chăm sóc 103 cá thể gấu ngựa và gấu chó. Đa số các con gấu khi về đến trung tâm đều ở trong tình trạng sức khỏe rất kiệt quệ, bệnh tật đầy mình sau những năm tháng bị hành hạ.
Để cứu chữa và phục hồi cho từng con gấu, các bác sĩ và điều dưỡng viên ở trung tâm cứu hộ gấu phải làm việc một cách miệt mài, chăm bẵm cho chúng từng ngày, chăm sóc từng ly từng tý như chăm con mọn. Một điều thú vị là, khi về đây, mỗi chú gấu đều được đặt tên, có con mang tên Việt Nam như Yên Bái, Chiến Thắng, lại có con mang tên nước ngoài như Joey, Harvis, Olly, Mausi, Mara... Các chú gấu còn được ghi rõ hồ sơ lai lịch, theo dõi sức khỏe cẩn thận như đối với các bệnh nhân là con người.
Các chú gấu khi mới về trung tâm sẽ được điều trị, chữa khỏi hoàn toàn bệnh tật tại khu vực cách ly, phục hồi trước khi được đưa sang sống những ngày tháng
yên bình, an nhàn tại khu bán hoang dã. Do là khu chữa bệnh nên mọi hoạt động tại khu cách ly, phục hồi phải đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh không kém gì các bệnh viện hàng đầu dành cho con người. Để vào bên trong khu vực này, mỗi người phải mang thêm một đôi ủng và bước lần lượt qua 3 thùng nước dung dịch tẩy rửa, sát trùng ở cửa.
Gấu được kiểm tra sức khỏe định kỳ tại Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam. Ảnh: Ngọc Phương. Khu nhà cách ly, phục hồi hiện có hơn 30 con gấu đang trong thời kỳ dưỡng bệnh. Các bệnh nhân gấu sống trong “bệnh xá” gồm hai dãy nhà dài, được chia nhiều ô rộng rãi. Bên trong, mỗi chuồng gấu sạch đẹp và đầy đủ tiện nghi, chẳng khác nào một khách sạn cho động vật. Các nhân viên chăm sóc gấu còn bố trí cả võng, xích đu để khi hứng chí, các chú gấu tự trèo lên làm một giấc nồng, hoặc đung đưa như leo cành cây trong rừng. Bên dưới, chuồng trại được lau chùi, quét dọn sạch sẽ thường xuyên. Đây là tiêu chuẩn chung của các trung tâm chăm sóc và phục hồi sức khỏe gấu trên thế giới.
Kể về các bệnh nhân gấu đang điều trị tại đây, một nhân viên trung tâm tên Chính cho biết:
“Trước khi về đây, những chú gấu đã phải trải qua những tháng năm bị giam cầm, bị chích hút mật và bị đối xử tệ tàn nhẫn khiến chúng mang nhiều bệnh tật. Chẳng hạn, một con gấu được cứu hộ ở Huế, từng bị chủ giam cầm tới 14 năm trong cũi sắt. Toàn bộ hàm răng bên trên “móm” sạch, giờ các nhân viên phải xay nhuyễn thức ăn nó mới ăn được. Rất nhiều con đã bị teo cơ, teo cả chân tay, sưng khớp chỉ vì hơn chục năm trời bị nhốt trong các cũi sắt chật chội. Có con bị áp-xe, cục mủ to tới cả cân trong túi mật, đây là hậu quả của việc bị chích hút mật quá nhiều lần nhưng không đảm bảo an toàn vệ sinh”.Mỗi con gấu đều mang trong mình rất nhiều vết thương và bệnh tật. Trong đó, rất nhiều con mắc bệnh về răng miệng như sâu răng, rụng răng, sưng chân răng. Các nhân viên điều dưỡng cho biết, nguyên nhân là do gấu thường xuyên cắn vào các lồng sắt trong thời gian dài bị giam nhốt. Để gấu hết đau đớn và không bị nhiễm trùng, các bác sỹ tại trung tâm đã tiến hành nhiều ca gây mê để nhổ răng sâu cho gấu.
Bên cạnh bệnh răng miệng, các chú gấu khi được cứu hộ về trung tâm thường bị bệnh xương khớp do bị nhốt lâu ngày trong cũi sắt chật chội. Ảnh: Ngọc Phương. Tiến sĩ Tuấn Bendixsen, trưởng Đại diện Tổ chức Động vật châu Á cho biết, có con gấu khi được đưa về trung tâm đã ở trong tình trạng rất yếu, nhưng nhờ sự chăm sóc của các chuyên gia đã sống thêm được 3 năm rồi mới qua đời.
Những con gấu mới đưa về, sau khi điều trị, sức khỏe con nào cũng dần dần ổn định, lúc đó quá trình hòa nhập sẽ bắt đầu. Gấu sẽ được đưa vào buồng và tiếp xúc với các cá thể gấu khác trong những điều kiện hạn chế nhất định.
Trong suốt quá trình sống tại trung tâm, gấu cũng liên tục được theo dõi tình trạng sức khỏe bằng các máy móc, thiết bị hiện đại nhất trong số các trung tâm cứu hộ gấu ở châu Á. Các bác sĩ cho biết, hiện trung tâm đã có nhiều thiết bị thú y tốt, chỉ còn thiếu máy chụp X-quang.
Những hình ảnh hiếm về một ca nhổ răng sâu cho gấu:"Bệnh nhân" gấu chuẩn bị được nhổ răng sâu. Ảnh: Ngọc Phương.Để đảm bảo an toàn khi nhổ răng sâu, các bác sỹ phải gây mê cho gấu. Ảnh: Ngọc Phương.Một kíp nhổ răng sâu cho gấu cần nhiều bác sỹ, điều dưỡng. Ảnh: Ngọc Phương.Gấu đã được gây mê. Ảnh: Ngọc Phương.Một bác sỹ chuyên trách theo dõi việc gây mê cho gấu trong suốt quá trình thực hiện các thủ thuật y tế. Ảnh: Ngọc Phương.Kiểm tra kỹ tình trạng diễn biến sức khỏe của gấu. Ảnh: Ngọc Phương.Những máy móc hiện đại được sử dụng cho "bệnh nhân" gấu ngựa này. Ảnh: Ngọc Phương.Các thông số về thể trạng của gấu được theo dõi sát sao trong suốt quá trình nhổ răng cho gấu. Ảnh: Ngọc Phương.Những chiếc răng sâu của gấu đã được nhổ bỏ. Ảnh: Ngọc Phương.Theo dõi sự hồi phục của gấu sau ca nhổ răng. Ảnh: Ngọc Phương."Bệnh nhân" gấu nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Ảnh: Ngọc Phương.