“Đột nhập” thiên đường gấu tại Việt Nam

Ngọc Phương, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 25/04/2013

Tại thiên đường dành cho gấu ở Việt Nam, hàng trăm con gấu đang được chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi như con người. Chúng còn được trả lương lên đến 300 USD mỗi tháng.

Thiên đường giữa thung lũng

Ở Việt Nam hiện nay, hơn 4.000 con gấu vẫn đang bị nuôi nhốt trong các chuồng cũi, lồng sắt tại nhiều trang trại. Những chú gấu tội nghiệp chịu cảnh bị cầm tù trong thời gian dài. Trên danh nghĩa, những cá thể gấu bị nuôi nhốt là để cho khách tham quan, nhưng thực tế chúng bị hút mật một cách dã man để phục vụ cho lợi ích kinh tế của con người, mặc dù hành vi nuôi gấu lấy mật đã bị cấm tại Việt Nam.

Vì thế, Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo ra đời với mục đích giải thoát những con gấu không may mắn, đưa chúng trở lại thiên nhiên, nhằm bảo tồn loài gấu đã được liệt vào Sách đỏ trước nguy cơ bị săn bắt, nuôi nhốt và tận diệt.

Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam nằm cách Hà Nội khoảng 70km, thuộc địa bàn huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc). Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo nằm trong một thung lũng xinh đẹp có tên Chắt Dậu, thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Tam Đảo, có suối Bạc trong vắt chảy ngang qua.

Trung tâm cứu hộ gấu ở đây nằm giữa thiên nhiên nhưng có trang thiết bị dành cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc gấu vào loại hiện đại nhất châu Á. Dự án xây dựng trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam do Tổ chức Động vật châu Á (AAF) đầu tư gần 3,4 triệu USD, khởi công xây dựng năm 2006, sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

“Đột nhập” thiên đường gấu tại Việt Nam 1
Một khu nuôi dưỡng bán hoang dã tại Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam, nằm giữa núi rừng tươi đẹp. Ảnh: Ngọc Phương.

Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động tháng 4/2008, trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam trở thành chốn nương thân của những cá thể gấu do Cục kiểm lâm tịch thu từ những trại nuôi gấu để hút mật, hoặc là nạn nhân của hoạt động buôn bán động vật trái phép. Vào những năm 2005 – 2006, “phong trào” nuôi nhốt gấu phát triển rầm rộ ở nước ta, sự ra đời của trung tâm này đã nhắc người ta nhớ rằng gấu sinh ra không phải để con người chọc kim vào lồng ngực hút mật.

Lúc mới đi vào hoạt động, trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo có tổng diện tích 1,2 ha, có thể nuôi dưỡng 200 cá thể gấu cùng một lúc. Khu cứu hộ bao gồm 3 nhà cách ly, cứu hộ, nuôi nhốt gấu, khu chế biến thức ăn cho gấu, hệ thống xử lý nước thải hiện đại… Cuối năm 2013, khi giai đoạn 2 hoàn thành, toàn bộ trung tâm cứu hộ gấu sẽ rộng tới 12 ha với 10 khu nuôi gấu bán tự nhiên và 2 khu chăm sóc gấu đặc biệt. Khi đó, trung tâm đủ khả năng tiếp nhận và chăm sóc 250 cá thể gấu cùng lúc.

Về cơ bản, hiện nay trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam được chia 2 khu riêng biệt gắn với hoạt động cứu hộ gấu: Khu thứ nhất bao gồm một trạm cách ly và các cơ sở phẫu thuật, có sức chứa tới 100 cá thể gấu trong chuồng và trong các lồng lớn. Toàn bộ ngôi nhà có hàng rào lưới thép và bảo vệ trực canh nghiêm ngặt như một doanh trại. Khu thứ hai rộng rãi hơn, được chia thành các khu nhỏ gồm: chuồng, khu phục hồi chức năng cho gấu, khu bán tự nhiên ngoài trời và khu chăm sóc đặc biệt cho những cá thể gấu tàn tật.

Hiện tại trung tâm đang bảo vệ và nuôi dưỡng 103 con gấu, trong đó có 96 con gấu ngựa và 7 gấu chó. Gấu đến với trung tâm có nhiều hoàn cảnh khác nhau. Gấu được lực lượng chức năng bắt giữ từ những người buôn bán trái phép hoặc do người dân tự nguyện giao nộp. Hầu hết các con gấu được đưa về đây đã ở trong tình trạng bị hút hết mật nên sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, nhiều con bị thương, bệnh tật.

“Đột nhập” thiên đường gấu tại Việt Nam 2
Một chú gấu thoải mái nghỉ ngơi, vui chơi tại "thiên đường gấu" Tam Đảo. Ảnh: Ngọc Phương.

Không phải tất cả các con gấu khi về trung tâm đều đã bị hút mật, nhưng chúng đều là nạn nhân của nạn buôn bán động vật trái phép. Thông thường, những chú gấu con về đây đều đã bị tách khỏi gấu mẹ không lâu sau khi chúng chào đời. Gấu mẹ bị giết, gấu con bị buôn bán tới các trại nuôi gấu hút mật. Gấu mẹ không còn, cũng có nghĩa là chẳng ai có thể dạy gấu con lớn lên, chúng ngay lập tức hoặc dần dần mất hết khả năng tự vệ, sinh tồn tự nhiên. Chúng như những đứa trẻ thơ mồ côi đáng thương.

Nhiều cá thể gấu khi được đưa về trung tâm đã ở trong tình trạng thương tật đầy mình, tưởng như không sống nổi. Nhưng nhờ sự cứu chữa, chăm sóc tận tâm như dành cho con người của nhân viên trung tâm, những con gấu này đã hồi phục một cách kỳ diệu, kéo dài tuổi thọ thêm nhiều năm.

Những con gấu đến đây như từ địa ngục được tới thiên đường khi có bác sỹ và chuyên gia nước ngoài chữa bệnh, chăm sóc, được sống trong môi trường gần với tự nhiên nhất và có cả đồ chơi. Ở đây, gấu còn được “trả lương” với chi phí nuôi dưỡng 300 USD/tháng/ cá thể gấu.

Vượt qua bão tố

Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và cho phép hoạt động trong vòng 20 năm. Kể từ khi ra đời, trung tâm này đã trở thành “thiên đường”, là ngôi nhà thực sự dành cho những con gấu bị nuôi nhốt, được giải cứu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, từ năm 2011, trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam đối mặt với hàng loạt vướng mắc khi triển khai, thậm chí có nguy cơ bị di dời. Ngôi nhà bình yên của hơn 100 con gấu bị đe dọa, hàng chục lao động là người dân địa phương đang làm việc trong trung tâm có nguy cơ thất nghiệp bởi những quyết định khó hiểu.

Tháng 9/2011, dự án Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam bất ngờ bị Giám đốc Vườn quốc gia Tam Đảo là ông Đỗ Đình Tiến ra quyết định đình chỉ với lý do xây dựng khi chưa có quy hoạch. Lý do này gây bất ngờ vì trong bản Dự án xây dựng Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam đã được phê duyệt, sơ đồ mặt bằng tổng thể đã được mô tả chi tiết. Điểm bất ngờ thứ hai đó là ông Đỗ Đình Tiến, với vai trò là đồng Giám đốc Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam, lại gây khó dễ cho chính dự án của mình.

Bất ngờ hơn nữa, tháng 7/2012, Bộ Quốc phòng gửi công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không mở rộng Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam, dùng khu đất này cho mục đích an ninh quốc phòng.

Cam kết đã có, quy hoạch đã có và hơn hết, có sự ủng hộ và trực tiếp chỉ đạo thực hiện từ đầu của Chính phủ, vậy mà một dự án có tính chất nhân đạo cho loài gấu Việt Nam vẫn gặp quá nhiều vướng mắc.

“Đột nhập” thiên đường gấu tại Việt Nam 3
Sơ đồ toàn cảnh Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam rộng 12ha khi hoàn thành giai đoạn 2 của dự án. Ảnh: Ngọc Phương.

Ông Tuấn Bendixen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam, Thành viên Ban giám đốc Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam, người được gọi là “hiệp sỹ cứu hộ gấu” nhiều lúc đã tỏ ra bất lực. Toàn bộ nhân viên trung tâm cứu hộ gấu đã tính tới phương án xấu nhất là phải di dời.

Trước tình hình đó, một làn sóng phản đối việc di dời Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam đã dấy lên mạnh mẽ. Trên 31.000 người đã tham gia ký tên ủng hộ giữ lại nhà cho gấu tại Vườn quốc gia Tam Đảo. 140 tổ chức quốc tế đã cùng kí vào lá thư chung gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại Giao Việt Nam. 11 Đại sứ tại Việt Nam đại diện cho các Đại sứ quán Anh, Australia, Mỹ, Phần Lan, Italia, Canada, Thụy Điển, Slovakia, Bỉ, Ailen, và phái đoàn Liên minh Châu Âu cũng đã gửi thư chung với mong muốn Thủ tướng bãi bỏ lệnh di dời Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam.

Và ngày 15/1/2013, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về vụ việc trên, theo đó cho phép duy trì hoạt động và tiếp tục triển khai Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc). Thủ tướng cũng giao Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất quy hoạch bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế xã hội. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ trách nhiệm của giám đốc vườn quốc gia Tam Đảo về những lình xình cấp phép dự án tại đây.

Như vậy, thiên đường dành cho gấu tại Việt Nam vẫn tiếp tục hoạt động để cứu giúp thêm nhiều cá thể gấu đang bị nuôi nhốt, hành hạ dã man, đưa chúng trở lại cuộc sống yên bình, gần gũi với thiên nhiên.