Trộm chó bị đánh chết: Để dân tự xử, xã hội sẽ loạn

Ngọc Phương, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 13/04/2013

Hành vi đánh hội đồng làm chết người, cho dù nạn nhân là kẻ trộm chó, là việc làm vi phạm pháp luật nghiêm trọng, là hành động thể hiện sự dã man, coi thường mạng người.

Hành vi phạm pháp nghiêm trọng

Vừa mới đây, ngày 9/4, một nam thanh niên ở Hải Phòng, chỉ vì câu trộm chó, đã bị người dân địa phương bắt được và đánh hội đồng dẫn đến tử vong. Vụ việc này chỉ là một trong số rất nhiều vụ kẻ trộm chó bị người dân đánh đến chết xảy ra trong khoảng hai năm trở lại đây. Nhiều luật sư đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước tình trạng gia tăng đáng báo động của những vụ người dân “tự xử”, đánh hội đồng làm chết người trong thời gian qua.

Luật sư Chu Bá Thực - Công ty luật Dân Việt - nhận định: “Vì bất cứ lý do gì, việc người dân đánh hội đồng khiến nhiều kẻ trộm chó thiệt mạng là hành động vi phạm pháp luật rõ ràng và phải bị xử lý nghiêm trước pháp luật. Người dân không thể dùng hành vi phạm pháp để tự ý xử lý một hành vi phạm pháp khác”.

Theo luật sư Thực, với quy định pháp luật hiện hành, những người tham gia đánh kẻ trộm chó đến chết sẽ bị khép vào tội “Gây thương tích, dẫn đến chết người” nếu họ chỉ dùng tay chân tác động vào nạn nhân. Trường hợp những người đánh hội đồng dùng hung khí như gậy, dao… tấn công làm nạn nhân chết thì sẽ bị khép vào tội “Giết người”. Cả hai trường hợp trên đều phải chịu mức án rất nặng.

Ngoài tội giết người, các vụ “tự xử” kẻ trộm chó còn có dấu hiệu của các tội cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản (đốt xe máy của đối tượng trộm chó), gây rối trật tự công cộng…

Trộm chó bị đánh chết: Để dân tự xử, xã hội sẽ loạn 1
Hai "cẩu tặc" bị người dân đánh gần chết, được công an giải vây, đưa đi bệnh viện cấp cứu. Vụ việc xảy ra ngày 25/10/2012 tại Quảng Bình.

Lý giải tình trạng người dân tự xử tăng mạnh trong thời gian gần đây, luật sư Thực cho rằng, một nguyên nhân quan trọng là do khó xác định thủ phạm chính để xử lý, dẫn tới một số đối tượng coi thường pháp luật, cố tình tham gia và kích động người khác đánh hội đồng làm kẻ trộm chó thiệt mạng.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Phạm Văn Huỳnh - Trưởng văn phòng luật sư Tâm Đức - cho rằng: “Cả làng quây đánh một người trộm chó đến chết là hành động coi thường pháp luật nghiêm trọng. Với xu hướng gia tăng như vừa qua, chắc chắn có những kẻ cầm đầu, kích động. Việc người dân vừa làm quan tòa, vừa làm người thi hành án là hành động không thế chấp nhận. Nếu cứ để người dân tự xử như vậy, xã hội sẽ loạn!”.

Bên cạnh sự coi thường pháp luật của một số người dân, luật sư Huỳnh nhấn mạnh đến vai trò và trách nhiệm của chính quyền, các cơ quan chức năng khi để xảy ra những vụ việc trên. Theo ông Huỳnh, chính việc chính quyền không xử nghiêm ngay từ đầu các trường hợp đánh hội đồng làm chết người đã tạo điều kiện cho nhiều đối tượng tái diễn hành vi coi thường mạng người, vi phạm pháp luật.

“Mọi vụ án khi có người chết đều xếp vào loại có tính chất nghiêm trọng trở lên. Nhưng lấy lý do “khó xác định thủ phạm”, nhiều cơ quan chức năng đã không sát sao điều tra đến cùng, dẫn đến “hòa cả làng”, người chết thì chịu thiệt, thủ phạm vẫn nhởn nhơ. Rõ ràng, chính quyền không thể vô can trước thực trạng trên”, luật sư Huỳnh phân tích.

Chung nhận định với hai luật sư ở trên, luật sư Nguyễn Tiến Trung – Giám đốc công ty luật Trung Nguyễn – cho rằng: “Nếu cơ quan chức năng phản ứng nhanh và xử lý cương quyết hơn thì có lẽ những vụ chết người do bị đánh hội đồng sẽ không xảy ra. Khi trên địa bàn xảy ra các vụ trộm chó, người dân bắt được thủ phạm thì cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng cử lực lượng xuống hiện trường giải quyết, tiếp nhận đối tượng người dân bắt giữ được”.

“Làm như vậy sẽ tránh hoặc giảm thiểu được các trường hợp người dân vì bị thiệt hại về tài sản, vật nuôi mà bức xúc, mất bình tĩnh dẫn đến các hành động “giận quá mất khôn”, vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật như đánh chết người, phá hoại tài sản. Khi nhiều người dân đang trong cơn nóng giận bị kích động, lôi kéo vào các trận đánh hội đồng thì tình hình sẽ khó kiểm soát, để lại hậu quả nghiêm trọng như các vụ việc vừa qua”
, luật sư Trung phân tích.

Đối với người dân bị mất trộm chó, các luật sư cũng đưa ra lời khuyên: Khi bắt được kẻ trộm chó, người dân cần hết sức bình tĩnh giải quyết. Sau khi khống chế đối tượng, người dân tuyệt đối không được “tự xử” mà cần giao nộp kẻ gian cho cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý. Làm như vậy vừa đúng quy trình pháp luật, vừa tránh để bản thân mình do vô tình hoặc thiếu hiểu biết mà trở thành kẻ vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt nặng.

Những kẻ thích “tự xử” phải bị xử nặng

Trước tính chất nghiêm trọng của các vụ “tự xử” như đã nêu ở trên, cơ quan chức năng có thẩm quyền đã có những biện pháp mạnh tay hơn để xử lý loại hình tội phạm này. Hà Nội là một trong những địa phương đã sớm xử lý kiên quyết các đối tượng có hành vi đánh chết người trộm chó.

Ngày 28/5/2009, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử vụ Lê Công Tôn ở Tiên Dương (huyện Đông Anh, Hà Nội) và 7 bị cáo giết chết hai người do nghi ngờ họ trộm chó. Cho dù hai anh H (25 tuổi) và anh T (24 tuổi) nói rằng vừa đi sinh nhật bạn về ngang qua thôn nhưng các bị cáo đã xông tới bao vây. Đám đông lao vào hành hung hai thanh niên, truy sát ra tận cánh đồng... Tòa đã tuyên phạt bị cáo Tôn 20 năm tù, những người còn lại chịu mức án từ 12 - 16 năm tù.

Trộm chó bị đánh chết: Để dân tự xử, xã hội sẽ loạn 2
Một đối tượng trộm chó bị người dân bắt giữ và bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý. Vụ việc diễn ra ngày 6/1/2012 tại thành phố Pleiku. Ảnh: Công an thành phố Pleiku.

Ngày 25/3/2010, TAND TP Hà Nội lại xét xử 7 bị cáo ở thôn Phú Châu (xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ) đánh chết ông N.V.T (43 tuổi) vì nghi ông T trộm chó trong khi ông hoàn toàn vô can. Ông T bị bệnh tâm thần. Thấy ông cầm âu cơm đi lang thang trong thôn, một số người tưởng ông trộm chó liền hô to “trộm, trộm” và đuổi theo đánh ông T đến chết. Tòa đã tuyên phạt các bị cáo mức án 8 - 14 năm tù giam.

Một số vụ trộm chó bị đánh chết trong năm 2012 cũng được cơ quan công an khởi tố, điều tra. Ngày 30/8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra đã hoàn tất thủ tục khởi tố vụ án “Giết người” xảy ra tại thôn Nhĩ Trung (xã Gio Thành, huyện Gio Linh).

Liên quan đến vụ “mặc cả trên xác người” khiến nạn nhân – kẻ trộm chó - thiệt mạng do không được đi cấp cứu kịp thời, ngày 15/10/2012, cơ quan Công an huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) đã ký quyết định đề nghị khởi tố vụ án giết người, điều tra làm rõ các đối tượng gây nên cái chết cho Hoàng Công Hiệp.

Cơ quan công an cũng đang khẩn trương điều tra để làm rõ, xác định các đối tượng vi phạm trong vụ việc đánh kẻ trộm chó dẫn đến chết người vừa mới xảy ra ở huyện Vĩnh Bảo – Hải Phòng.

Không thể dùng hành vi phạm pháp để tự xử lý một hành vi vi phạm pháp luật khác. Những kẻ phạm pháp đều phải bị xử nghiêm trước pháp luật. Khi tất cả mọi người dân nghiêm chỉnh chấp hành và hành động theo pháp luật, tính thượng tôn pháp luật mới được đảm bảo.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày