Bao giờ hôn nhân của người đồng tính được thừa nhận ở VN?

Ngọc Phương, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 18/03/2013
Chia sẻ

Trong bối cảnh luật pháp Việt Nam cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, nhiều đám cưới đồng tính được tổ chức công khai với đầy đủ các nghi thức… đã gây xôn xao dư luận.

Rào cản pháp lý đối với hôn nhân đồng giới tính

Tình yêu đi đến hôn nhân là quyền và mong muốn chính đáng của những cặp đôi yêu nhau, trong đó có những cặp đôi đồng tính. Thời gian qua, nhiều đám cưới giữa những người đồng tính đã diễn ra công khai và nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ dư luận. Hiện tượng chưa phổ biến trong xã hội này đã đặt ra những tranh luận về pháp lý đối với vấn đề kết hôn giữa những người cùng giới tính.

Những vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình đã được quy định rõ trong Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam. Luật sư Nguyễn Tiến Trung, văn phòng luật sư Bình An, cho biết: “Khoản 5, Điều 10, Luật Hôn nhân Gia đình (sửa đổi) năm 2010 quy định về các trường hợp cấm kết hôn. Theo đó, luật hiện hành cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”.

Bao giờ hôn nhân của người đồng tính được thừa nhận ở VN?  1
Đám cưới giữa hai chàng trai đồng tính Nguyễn Hoàng Bảo Quốc và Trương Văn Hên ở Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) tổ chức giữa năm 2012, thu hút sự chú ý của dư luận

Tuy nhiên, theo luật sư Trung, Luật Hôn nhân Gia đình của Việt Nam hiện tại vẫn tồn tại những nội dung mâu thuẫn với nhau: “Khoản 5 Điều 10, Luật Hôn nhân Gia đình có quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Nhưng cũng tại bộ luật này, Khoản 2 Điều 4 quy định cấm cưỡng ép kết hôn, cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn; đồng thời quy định không được cản trở, phải tạo điều kiện cho những người có tình cảm chung sống với nhau”.

“Những quy định trên có thể dẫn tới việc nhiều người đồng tính thực sự yêu thương nhau nhưng không thể kết hôn. Mặt khác, những người đồng tính này trong nhiều hoàn cảnh buộc phải kết hôn với những người họ không muốn để “che mắt” xã hội, dẫn tới những cuộc hôn nhân giả tạo, gượng ép. Đây là những mâu thuẫn pháp lý tồn tại trong văn bản luật và đã được thể hiện rõ trong thực tế”, luật sư Nguyễn Tiến Trung nhấn mạnh.

Như vậy, có thể thấy, quy định cấm kết hôn giữa những người đồng giới tính được quy định trong Luật Hôn nhân Gia đình hiện hành là rào cản về mặt pháp lý, dẫn tới việc kết hôn giữa những người cùng giới tính chưa được thừa nhận là hành vi hợp pháp ở Việt Nam.

Vừa mới đây, trong Dự thảo Nghị định xử phạt về vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hôn nhân - Gia đình, Bộ Tư pháp đã đưa ra đề xuất nâng mức phạt đối với người kết hôn đồng giới. Theo đề xuất này, các trường hợp kết hôn đồng giới sẽ bị phạt 1 triệu đồng.

Ông Vũ Trọng Hùng là người đồng tính công khai lớn tuổi nhất Hà Nội, nổi tiếng đào hoa trong giới đồng tính với hàng chục cuộc tình đã trải qua. Ông Hùng chia sẻ: “Tôi và những người yêu rất muốn kết hôn để có thể chung sống lâu dài với nhau. Nhưng vì pháp luật chưa cho phép nên chúng tôi chưa thể làm được điều đó. Vậy nên, tình yêu của chúng tôi thường kết thúc bởi những cuộc chia tay”.

“Người đồng tính mong muốn và có quyền chung sống, kết hôn”

Pháp luật Việt Nam hiện hành chưa cho phép kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng thời gian gần đây, nhiều đám cưới đồng tính đã diễn ra công khai, với đầy đủ lễ nghi như mọi đám cưới bình thường khác.

Đám cưới đồng tính đầu tiên gây chấn động Việt Nam diễn ra vào ngày 14/12/2010 giữa hai cô gái 19 tuổi được tổ chức tại Hà Nội, với sự chứng kiến của cha mẹ hai bên, người thân cùng khoảng 100 khách mời.

Tiếp đến, giữa năm 2011, cư dân mạng lại “sốt” với một đám cưới đồng tính nam tại TP HCM. Đám cưới của họ được chuẩn bị công phu từ việc làm album ảnh đến tổ chức tiệc cưới một cách hoành tráng. Cả hai đều cười rạng rỡ, hạnh phúc trong ngày cưới nhưng vắng mặt “tứ thân phụ mẫu”.

Bao giờ hôn nhân của người đồng tính được thừa nhận ở VN?  2
“Cô dâu” và “chú rể” trong đám cưới đồng tính nam ở TP HCM được tổ chức vô cùng hoành tráng, trang trọng năm 2011.

Vào trung tuần tháng 2/2012, đám cưới giữa hai cô gái Nguyễn Vạn Nhất (20 tuổi) và Nguyễn Thị Như (21 tuổi) tại Cà Mau cũng thu hút nhiều người hiếu kỳ đến xem. Sau đó, ngày 16/5/2012, đám cưới giữa hai chàng trai đồng tính Nguyễn Hoàng Bảo Quốc và Trương Văn Hên ở Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) tổ chức rất linh đình đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Mới đây nhất, ngày 28/7, tại tỉnh Bình Dương, đám cưới đình đám giữa hai cô gái là Lê Thị Phương và Kim Phượng được tổ chức với gần 150 khách mời dự tiệc là công nhân đang làm cùng cô dâu và “chú rể” tại một khu công nghiệp ở Bình Dương.

Theo Thạc sỹ Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (iSEE), đến nay mới chỉ có khoảng 10 đám cưới của người đồng tính “được” báo chí phát hiện và phản ánh. Tuy nhiên, trên thực tế, số người đồng tính tổ chức cưới hoặc những buổi tiệc nhỏ để ra mắt người thân và bạn bè rất nhiều.

Một điều đáng chú ý là nhiều đám cưới giữa những người đồng tính đã bị chính quyền địa phương can thiệp, ngăn chặn. Một số cặp đôi sau khi làm đám cưới bị yêu cầu rời khỏi địa phương.

Nói về vấn đề này, thạc sỹ Lê Quang Bình cho biết: “Ở Việt Nam chưa có quy định pháp luật rõ ràng về việc người đồng tính sống chung với nhau. Khoản 5 Điều 10 Luật Hôn nhân Gia đình cấm kết hôn đồng giới nhưng không có điều khoản nào cấm người cùng giới tính sống chung. Trong xã hội hiện đại, người đồng tính chung sống với nhau là nhu cầu bình thường, dù pháp luật ngăn cản hay không thì nó vẫn xảy ra”.

“Đám cưới giữa những người đồng tính là hoạt động dân sự bình thường và không vi phạm pháp luật”, ông Bình nhấn mạnh.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Cừ, Phó trưởng Khoa Luật Dân sự (ĐH Luật Hà Nội), chính quyền không thể xử phạt hai người đồng tính tổ chức buổi tiệc để thông báo việc chung sống với nhau vì pháp luật không cấm.“Địa phương nào cho rằng việc làm đó vi phạm và tiến hành xử phạt hành chính, phạt tiền là nhận thức pháp luật không chuẩn”, ông Cừ nói.

Bao giờ hôn nhân của người đồng tính được thừa nhận ở VN?  3

Kết quả khảo sát của ICS tiến hành trên 5.000 thành viên cộng đồng người đồng tính về vấn đề hôn nhân.

Theo một khảo sát do ICS - một tổ chức về quyền lợi người đồng tính, song tính và chuyển giới lớn nhất Việt Nam – tiến hành trên 5.000 thành viên cộng đồng người đồng tính về vấn đề hôn nhân, kết quả cho thấy hơn 70% người đồng tính mong muốn được kết hôn, hơn 24% mong muốn chung sống có đăng ký với bạn tình, người yêu cùng giới tính của mình.

Anh Lương Thế Huy là một người đồng tính. Hiện anh Huy đang là cán bộ dự án và nhân viên trợ giúp pháp lý của ICS. Anh Huy cho biết: “Mọi người đều muốn yêu và kết hôn với người mình yêu, người đồng tính cũng vậy. Về quyền, mọi người đều có quyền đó, dù có người yêu hay chưa. Đó như là một sự thừa nhận thực sự của xã hội đối với cộng đồng những người đồng tính. Người đồng tính không đòi hỏi những quyền khác biệt so với người dị tính”.

Hy vọng cho những người đồng tính muốn kết hôn

Mới đây, đoàn công tác liên ngành gồm Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất công nhận chung sống có đăng ký cho người đồng tính. Đề xuất này được đoàn công tác liên ngành đưa ra sau một thời gian khảo sát về thực tiễn luật Dân sự và luật Hôn nhân và Gia đình, trong đó có vấn đề người đồng tính, song tính và chuyển giới ở một số tỉnh phía Nam, ghé thăm cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới tại TP HCM.

Cụ thể, đề xuất nêu rõ: “Nên nghiên cứu để công nhận hình thức kết hợp dân sự hoặc chung sống có đăng ký được áp dụng chung cho mọi trường hợp cặp đôi không phân biệt giới tính hoặc chỉ áp dụng riêng cho các cặp đôi cùng giới”.

Báo cáo của đoàn công tác liên ngành đã đưa ra nhiều đề xuất về người đồng tính và vấn đề hợp pháp hóa quan hệ cùng giới. Báo cáo khẳng định đồng tính là một xu hướng tình dục tự nhiên, vì vậy việc thừa nhận quyền chung sống với nhau của những người đồng tính cũng là lẽ tự nhiên, pháp luật không nên ngăn cản.

Trên cơ sở đó, đoàn công tác đề nghị Ban soạn thảo luật Hôn nhân và Gia đình cần có những nghiên cứu chuyên sâu về đặc điểm tâm sinh lý của người đồng tính, song tính và chuyển giới, đánh giá tác động của các quy định pháp luật trong tất cả phương án được đặt ra, để lựa chọn phương án khả thi nhất, đảm bảo quyền lợi cho mọi công dân.

Theo ICS, hiện nay thế giới có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đã công nhận hôn nhân đồng giới là hợp pháp. Bên cạnh đó 44 nước khác cũng chấp nhận hai người đồng giới đăng ký sống hợp pháp cùng nhau dưới những hình thức hôn nhân dân sự, quan hệ có đăng ký, quan hệ gia đình... có đủ quyền lợi như vợ chồng dị tính khác. Trong đó, nhiều cặp đồng tính nhận con nuôi hoặc sinh con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo từ tinh trùng/trứng của một trong hai người.

Tại nhiều nước trên thế giới, động thái công nhận chung sống có đăng ký được coi là bước đệm trước khi chính thức công nhận kết hôn đồng tính. Đây là một tín hiệu vui cho cộng đồng người đồng tính Việt Nam, với hi vọng về việc họ được kết hôn hợp pháp với nhau trong tương lai không xa.                                                                                
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày