WHO: Sẽ là sai lầm khi người trẻ không quan tâm tới đại dịch Covid-19

Phạm Hà, Theo VOV 23:11 22/08/2020

Khuyến cáo của WHO đưa ra trong bối cảnh những người mắc Covid-19 đang ngày càng trẻ hóa, với các triệu chứng nặng và khả năng lây nhiễm cao.

Tổ chức Y tế Thế giới hôm qua khuyến cáo trẻ em từ 12 tuổi trở lên nên đeo khẩu trang trong những điều kiện tương tự người lớn nhằm kiềm chế tình trạng lây lan của virus SARS-CoV-2. Khuyến cáo này được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ số người mắc Covid-19 trong giới trẻ đang ngày càng gia tăng, có thể là nguồn lây nhiễm thầm lặng cho các đối tượng dễ bị tổn thương khác đồng thời là nhóm có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề nhất xét về mặt kinh tế.

WHO: Sẽ là sai lầm khi người trẻ không quan tâm tới đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Ảnh: Anadolu.

Chuyên gia dịch tễ học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - Tiến sĩ Maria Van Kerkhove cho biết, mặc dù có nhiều nghiên cứu về tình trạng lây lan virus SARS-CoV-2 trong trẻ em ở các nhóm tuổi khác nhau, song những hiểu biết về tình trạng này vẫn còn hạn chế.

Bà Kerkhove cũng thông báo các kết quả ban đầu của những nghiên cứu này: “Chúng ta biết rằng các lây nhiễm ở trẻ em là khá giới hạn. Có một số nghiên cứu về các độ tuổi như nhóm dưới 5 tuổi, dưới 10 tuổi hay nhóm thanh thiếu niên. Kết quả ban đầu cho thấy có mức độ lây truyền khác nhau, với những trẻ nhỏ tuổi hơn có nguy cơ lây nhiễm ít hơn so với thanh thiếu niên. Hiện chúng tôi còn đang tiếp tục nghiên cứu”.

Với mức độ lây truyền virus khác nhau ở các độ tuổi khác nhau, Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) hôm qua đưa ra hướng dẫn mới nhấn mạnh: “Trẻ em từ 12 tuổi trở lên nên đeo khẩu trang trong những điều kiện tương tự người lớn, đặc biệt khi các em không thể đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1 mét với những người khác và xuất hiện tình trạng lây lan trên diện rộng trong khu vực”.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra trong bối cảnh số người mắc Covid-19 đang ngày càng bị trẻ hóa, với các triệu chứng nặng và khả năng lây nhiễm cao sang những người khác. Nhiều người không biết mình bị mắc bệnh, làm tăng nguy cơ dịch bệnh lây lan sang những nhóm người dễ bị ảnh hưởng.Theo số liệu mới nhất, tỷ lệ mắc Covid-19 ở độ tuổi từ 15-24 tăng gấp 3 lần trong vòng 5 tháng qua. Giải thích lý do cho xu hướng tăng này, nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, những người trẻ thường ít cảnh giác hơn về việc đeo khẩu trang cũng như thực hiện giãn cách xã hội. Đi lại nhiều cũng khiến nhóm người này có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn. Nhóm thanh niên trẻ cũng thường xuyên đến các địa điểm có nguy cơ cao như bãi biển, câu lạc bộ hay đi mua thực phẩm… Nhiều chuyên gia lo ngại việc mở cửa lại trường học cũng có thể làm gia tăng các ca mắc mới.

Trẻ hóa độ tuổi hay virus đang biến đổi nhanh chóng cho thấy dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, với việc các quốc gia liên tiếp phải đối mặt với các làn sóng mới gia tăng sau khi đã kiểm soát được một thời gian. Hàn Quốc là quốc gia mới nhất thông báo thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn trên toàn quốc từ ngày 23/8, sau khi liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới hằng ngày ở mức trên 300 người.

Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Park Neung-hoo khẳng định: “Nếu chúng ta không kiểm soát virus ngay giai đoạn đầu bùng phát, nó sẽ biến thành ngọn lửa lớn. Đối với chúng tôi hiện không có gì quan trọng hơn là tập trung vào việc ứng phó với Covid-19”.

Trong bối cảnh các ca mắc mới vẫn không ngừng gia tăng buộc nhiều quốc gia phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa trở lại, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua bày tỏ hi vọng cuộc khủng hoảng đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có thể chấm dứt trong vòng chưa đến 2 năm tới.

“Khi thế giới ngày một kết nối hơn, virus tất nhiên sẽ lây lan nhanh hơn. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng có công nghệ và kiến thức để ngăn chặn nó. Đặc biệt nếu chúng ta có thể cùng nhau nỗ lực và với sự đoàn kết dân tộc, đoàn kết toàn cầu, tận dụng tối đa các công cụ sẵn có và các công cụ bổ sung như vaccine, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể hoàn toàn chấm dứt được dịch bệnh trong thời gian ngắn hơn so với dịch cúm năm 1918”, ông Ghebreyesus nói.

Tính đến 3 giờ chiều nay giờ Việt Nam, số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt 2 cột mốc đau thương mới là hơn 23 triệu người nhiễm và hơn 800.000 người tử vong. Mỹ vẫn đứng đầu thế giới với hơn 5,7 triệu ca nhiễm, trong khi Brazil đứng thứ 2 nhưng được nhận định dịch đang theo chiều hướng tăng chậm lại.