Đại dịch Covid-19 không chừa một ai, kể cả những người giàu có. Covid-19 đã kìm hãm tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng trong thị trường tài chính từng được thấy trong thập kỷ vừa qua, theo Wealth-X.
Nếu trong thập kỷ trước, kéo dài từ 2010 đến 2019, dịch vụ ngân hàng, kinh doanh và tiêu dùng là những ngành có nhiều người siêu giàu nhất, thì trong những năm tới, lĩnh vực công nghệ sẽ bứt phá mạnh mẽ, theo A Decade of Wealth, báo cáo mới nhất của công ty Wealth-X.
Việt Nam đã có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh hàng đầu thế giới (Ảnh: Shutterstock)
Báo cáo cho biết, sự lan rộng nhanh chóng của Covid-19 trên toàn thế giới trong nửa đầu năm 2020 - kèm theo sự sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng kinh tế và sự thay đổi không ổn định trên thị trường tài chính - đã ảnh hưởng đáng kể đến người siêu giàu. Đại dịch không chỉ khiến xu hướng tăng trưởng toàn cầu trong thập kỷ qua dừng lại ngay lập tức, mà còn tác động mạnh mẽ đến thị trường tài sản thế giới và làm tăng nguy cơ cạnh tranh khốc liệt.
Nền kinh tế toàn cầu có khả năng suy giảm 3% trong năm nay, theo IMF. Đây là sự sụt giảm sâu nhất kể từ Đại suy thoái gần một thế kỷ trước. Sự suy giảm này bắt đầu khi các chính phủ áp dụng các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lan rộng của đại dịch.
Trong khi đó, báo cáo về triển vọng và tình hình kinh tế thế giới của Liên Hợp Quốc, công bố hôm 13/5, dự báo rằng đại dịch có khả năng xóa sạch tăng trưởng từ nền kinh tế toàn cầu 4 năm qua, khoảng 8,5 nghìn tỷ USD, tương đương hơn một phần ba GDP Hoa Kỳ. Liên Hợp Quốc cũng dự báo mức suy giảm 3,2% GDP toàn cầu trong năm nay.
Wealth-X bày tỏ lo ngại về tình hình tài chính và kinh doanh của người siêu giàu, vì thị trường chứng khoán vẫn không ổn định, trong khi giá bất động sản và các mặt hàng xa xỉ khác thì rất biến động. Phần lớn các cá nhân siêu giàu đều sở hữu và/hoặc điều hành một doanh nghiệp. Vì vậy tốc độ và quy mô suy thoái sẽ khiến khá nhiều công ty sẽ gặp khó khăn trên phương diện khả năng thanh toán, thanh khoản và/hoặc hoạt động.
Wealth-X cho biết tỷ trọng người siêu giàu trong lĩnh vực công nghệ sẽ tăng đáng kể, do các doanh nghiệp công nghệ có thể vượt khủng hoảng khá dễ dàng và có thể tăng quy mô nhanh hơn so với các ngành công nghiệp truyền thống.
Lượng người siêu giàu cũng tăng nhanh hơn ở phần lớn châu Á trong thập kỷ qua, chủ yếu là Trung Quốc, với số người siêu giàu tăng gấp ba lần. Bên cạnh Trung Quốc, các nước châu Á như Bangladesh, Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Pakistan nằm trong số 10 thị trường tăng lượng người siêu giàu nhanh nhất từ năm 2010 đến 2019.
Trong thập kỷ qua, dân số siêu giàu trên toàn cầu đã tăng hơn một nửa, với số lượng triệu phú toàn cầu tăng gấp đôi lên hơn 25 triệu người từ năm 2005 đến 2019. 25,2 triệu người siêu giàu này, tương đương 3,23% trong tổng số 7,8 tỷ dân ước tính trên thế giới, có tổng tài sản lên tới 104 nghìn tỷ USD, tương đương một phần ba tài sản tư nhân toàn cầu năm 2019. Con số này tăng từ 50 nghìn tỷ USD vào năm 2005.
(Theo SCMP)