Vương Gia Vệ đã làm nên "Vũ trụ Điện ảnh" của riêng mình như thế nào?

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 00:15 25/09/2016
Chia sẻ

Phim của Vương Gia Vệ luôn có những màu sắc và chất liệu rất riêng. Nó đậm đặc đến mức có thể gọi là "vũ trụ điện ảnh Vương Gia Vệ".

Chúng ta hay dùng từ "vũ trụ" (universe) để ghép thành những cụm từ cụ thể hơn trong dòng phim siêu anh hùng (như "vũ trụ Marvel", "vũ trụ DC", v.v..), không chỉ đơn thuần vì chúng được sản xuất bởi các studio khác nhau mà còn vì chúng tự định hình được những đặc trưng của riêng mình. 

Trong các "vụ trũ" này, thứ kết nối các bộ phim là dòng thời gian, thế giới và những nhân vật. Hầu hết, mỗi phim là một đạo diễn, một quay phim khác nhau đảm trách. Nhiệm vụ của họ là nắm được cái tinh thần của "vũ trụ" mà phim tồn tại rồi dụng công vào tác phẩm. Do đó mà hầu như trong các "vũ trụ điện ảnh" rất ít khi tồn tại những cái tên của đạo diễn, trừ phi những đạo diễn ấy cầm trịch quá nhiều phim.

Vương Gia Vệ thì khác. Ông không chủ tâm tạo ra một "vũ trụ" nào trong các phim của mình. Cũng chẳng có một câu chuyện hay nội dung nào làm tiền đề để mọi người phải nghĩ đây là phim sau hay phim trước. Những bộ phim của ông hoàn toàn độc lập. 

Vương Gia Vệ đã làm nên Vũ trụ Điện ảnh của riêng mình như thế nào? - Ảnh 1.

Vương Gia Vệ là một cái tên nổi tiếng không chỉ của điện ảnh Hong Kong, mà còn trên thế giới. Ông nhận được rất nhiều đề cử và giải thưởng danh giá toàn cầu

Vẫn có những nhân vật của phim này bước vào phim kia nhưng hoàn toàn tách bạch, vì thứ được khai thác ở các nhân vật là tâm lý chứ không phải xuất thân. Tuy nhiên, những khán giả say mê phim của lão gia họ Vương hẳn sẽ có lúc nhận ra mình hoàn toàn nằm trong một mê cung màu sắc, nhịp điệu, phong cách, hơi thở mà ông đã đặt để vào các tác phẩm của mình. Điều này khiến nó trở thành một "vũ trụ điện ảnh" đặc biệt, nơi mà đạo diễn làm nên cả thế giới riêng.

Vương Gia Vệ đã làm nên Vũ trụ Điện ảnh của riêng mình như thế nào? - Ảnh 2.

Vượng Giác Ca Môn, bộ phim đầu tiên của Vương Gia Vệ - 1988

Sự lãng mạn

Vốn trong mỗi "vũ trụ điện ảnh" đều có một tinh thần chung định hướng cho các tác phẩm. Trong khi tinh thần của "vũ trụ" Marvel thường khắc họa anh hùng khẳng khái bên cạnh câu chuyện tươi sáng, thì "vũ trụ" DC lại tập trung vào những góc khuất và sự u ám. Tương tự, tinh thần cốt yếu trong "vũ trụ điện ảnh Vương Gia Vệ" chính là sự lãng mạn. 

Không đơn thuần là lãng mạn trong câu chuyện, mà là sự lãng mạn trong từng chi tiết. Một câu thoại cũng toát lên sự lãng mạn. Một cú lia máy theo bóng lưng của một người đang bước đi dưới rừng dừa cũng lãng mạn. Một bối cảnh chật hẹp trên ban công với bóng dáng một cô gái nhìn về phía xa cũng vô cùng lãng mạn. Như thể lãng mạn chính là thứ nuôi dưỡng mạch phim, căn lề cảm xúc và ôm ấp những nỗi buồn.

Vương Gia Vệ đã làm nên Vũ trụ Điện ảnh của riêng mình như thế nào? - Ảnh 3.

Phim Trùng Khánh Sâm Lâm - 1994

Cái lãng mạn trong phim của Vương Gia Vệ rất đặc thù, không phải kiểu bạn xem xong một bộ phim tình cảm rồi thấy tâm trạng thật bay bổng, mà nó phát tán chậm rãi và dai dẳng. Hầu hết phim của ông đều có những cái kết buồn, nhưng vẫn rất lãng mạn, bởi những gì nó được cấu thành. 

Như cách mà 223 của Trùng Khánh Sâm Lâm (Kim Thành Vũ) ăn 30 hộp dứa để tiễn đưa tình cũ. Hay những suy nghĩ mà cô gái không tên trong Đông Tà Tây Độc (Trương Mạn Ngọc) luôn ôm ấp cuộc tình không thành với Âu Dương Phong (Trương Quốc Vinh). Cách mà giấc mộng California của Phi (Vương Phi - Trùng Khánh Sâm Lâm) được thực hiện. Cách mà Lê Diệu Huy (Lương Triều Vỹ) và Hà Bảo Vinh (Trương Quốc Vinh) giày vò lẫn nhau (Xuân Quang Sạ Tiết). Thậm chí sự lãng mạn còn có thể là bất cứ thứ gì khác mà bạn cảm thấy vì ranh giới giữa lãng mạn và những điều khác trong phim của Vương Gia Vệ gần như chẳng tồn tại.

Vương Gia Vệ đã làm nên Vũ trụ Điện ảnh của riêng mình như thế nào? - Ảnh 4.

Phim 2046 - 2004

Quay phim

Người ta vẫn hay nói phim của Vương Gia Vệ khó mà thành công đến vậy nếu không có người cộng sự tuyệt vời Christopher Doyle ở vị trí quay phim. Christopher Doyle là người cầm máy trong tổng số 7/10 phim dài và 3 phim ngắn của Vương Gia Vệ. 

Hai tác phẩm nói tiếng nước ngoài - My Bluberry Nights (với sự tham gia diễn xuất của Norah Jones và Jude Law) và tác phẩm mới nhất Nhất Đại Tông Sư - không có sự tham gia của Christopher Doyle mà thay vào đó là Philippe Le Sourd và Darius Khondji. Nhưng dù là ai thì chất lượng hình ảnh trong phim của họ Vương đều rất tuyệt vời và tất nhiên, rất đặc trưng. 

Những khán giả từng thưởng thức Nhất Đại Tông Sư sẽ không quên được cảm giác choáng ngợp trước những khung hình hành động từ góc máy cận lia theo từng quyền cước hay những giọt nước mưa hắt lên, biểu cảm khi nhân vật xuất chiêu đều vô cùng sắc sảo. Đối với khán giả đại chúng, có thể họ sẽ thấy thật xa lạ và lê thê khi dùng cách đó để miêu tả về Diệp Vấn. Nhưng với những khán giả trót si tâm cái "vũ trụ" này thì sẽ thấy đây là những thước phim cực đẹp. Chính những góc máy, cú lia đó mới có thể khai thác hết thảy những gì mà Vương gia xây đắp cho nhân vật của mình.

Vương Gia Vệ đã làm nên Vũ trụ Điện ảnh của riêng mình như thế nào? - Ảnh 5.

Thêm vào đó, sự kết hợp ăn ý gần như "tri kỉ nghệ thuật" giữa Christopher Doyle và Vương Gia Vệ là không thể bàn cãi. Cách Christopher Doyle vác máy trên vai chạy dọc những con phố đêm ở Hong Kong, cách mà Doyle và vị đạo diễn họ Vương tạo ra những ảo giác chuyển động theo từng bước chân chính là những "đặc sản" mà tác phẩm nào cũng có. Cách quay phim này cứ như đang biểu đạt tâm trạng đang cực kì xáo động của các nhân vật, tạo ra một sự cộng hưởng tuyệt vời.

Vương Gia Vệ đã làm nên Vũ trụ Điện ảnh của riêng mình như thế nào? - Ảnh 6.

Bên cạnh những chuyển động đầy ảo giác thì những cảnh tĩnh lại mang một hương vị khác. Nếu chưa xem Tâm Trạng Khi Yêu (In the Mood for Love), bạn đã bỏ qua một tuyệt tác hình ảnh vô cùng tuyệt vời và tỉ mỉ. Từng bộ sườn xám hay màu son, những bước đi chậm rãi trong đêm hay mảng tường phai ố cạnh tòa nhà chung của hai nhân vật chính không chỉ đẹp về mặt thị giác mà còn là nhịp đập của phim. Như thể Christopher Doyle và Vương Gia Vệ tận dụng hết mọi thứ mình có để tô vẽ những nhân vật, để không chỉ bằng lời thoại hay biểu cảm gương mặt mà chính cách nhân vật xuất hiện trong một bối cảnh cũng nói được tiếng lòng cho họ.

Vương Gia Vệ đã làm nên Vũ trụ Điện ảnh của riêng mình như thế nào? - Ảnh 7.

Ngoài ra, sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến Đông Tà Tây Độc (Ashes of Time) với những bố cục ánh sáng không thể tuyệt dịu hơn. Những đồi cát khô khốc, những cú máy cận cảnh vào ánh mắt, vào chén rượu, cánh hoa đều có một sự nhịp nhàng đến cực tịnh. Cảm giác như bạn đang đứng trong một thế giới im phăng phắc đầy trầm tư và day dứt với những nhân vật bước ra từ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, điều làm nên sự khác biệt của Đông Tà Tây Độc trong dòng phim kiếm hiệp.

Vương Gia Vệ đã làm nên Vũ trụ Điện ảnh của riêng mình như thế nào? - Ảnh 8.

Đặc biệt nhất, phải bàn đến cách dùng ống kính để tạo ra thị giác xa - gần trong hai bộ phim Trùng Khánh Sâm Lâm và Đọa Lạc Thiên Sứ. Trong một bài phỏng vấn, Vương Gia Vệ từng bảo rằng ông muốn xem hai bộ phim này như một phim dài 3 tiếng. Nhưng nó được tách làm hai là vì sự tương phản của nội dung lẫn góc máy. 

Hai câu chuyện trong Trùng Khánh Sâm Lâm đại diện cho ban ngày với những gam màu sáng, còn Đọa Lạc Thiên Sứ là bóng đêm với ánh đèn neon cùng những bản nhạc rock Hoa Kì thập niên 80. "Nhân vật" chính trong cả hai phim không phải con người mà là chính thành phố ở Hong Kong. Do đó mà cách đặt ống kính được thay đổi để tạo cảm giác khác nhau - Trùng Khánh Sâm Lâm là quay từ xa với thấu kính dài để tạo cảm giác gần còn Đọa Lạc Thiên Sứ được quay gần với thấu kính rộng để tạo cảm giác xa.

Vương Gia Vệ đã làm nên Vũ trụ Điện ảnh của riêng mình như thế nào? - Ảnh 9.

Vương Gia Vệ đã làm nên Vũ trụ Điện ảnh của riêng mình như thế nào? - Ảnh 10.

Sự khác biệt thị giác trong hai bộ phim

Có thể thấy rõ sự dụng công về mặt hình ảnh trong phim Vương Gia Vệ tuyệt đối không nhỏ. Quan trọng nhất là ông tìm được những cộng sự hiểu mình.

Thời gian

Đừng vội nghĩ "thời gian" trong phim của họ Vương là sự kết nối tuần tự quá khứ và tương lai giữa các phim, mà "nó" như một nhân vật đa tính cách. Thời gian ở tác phẩm của ông không chỉ được "minh họa" bằng hình ảnh đoàn tàu mà còn là những thứ vô hình khác. Đó có thể là khoảng cách thời gian giữa những phát súng. Thời gian trong khoảnh khắc đó được "kéo giãn" để xoáy sâu vào những nỗi buồn dằng dặc, những ưu tư, để sự tàn bạo của súng ống hay cái chết không còn là mối bận tâm của người xem. Thay vào đó họ tập trung vào những nỗi cô sầu và sự lãng mạn phát tiết trong những từng khoảnh khắc. 

Những khung hình lặp đi lặp lại một cách cố ý hay những góc máy xa - gần được tính toán kĩ lưỡng cũng chính là tư duy về "thời gian" trong phim Vương Gia Vệ. Bên trong cái vũ trụ hỗn mang những tâm tư, các nhân vật chẳng biết mình đã già hay chưa, đã quên rồi hay vẫn còn nhớ, mà chỉ lơ lửng trong chính những suy nghĩ lèn chặt giữa hiện tại và quá khứ. Giống như Châu Mộ Văn (Lương Triều Vỹ) trong 2046, anh ta bước lên một con tàu tiến về tương lai nhưng là để tìm lại những ký ức đã mất, rồi không bao giờ trở về. Nghe thật mâu thuẫn nhưng đó chính là cách họ Vương thể hiện dòng chảy thời gian trong phim của mình.

Vương Gia Vệ đã làm nên Vũ trụ Điện ảnh của riêng mình như thế nào? - Ảnh 11.

Cũng không thể bỏ qua sự liên quan giữa các phim, khi nhân vật này bước vào bộ phim nọ. Chùm phim A Phi Chính Truyện - Tâm Trạng Khi Yêu - 2046 là một ví dụ rõ nhất. Húc Tử (Trương Quốc Vinh) đã chết ở cuối phim A Phi Chính Truyện nhưng những gì anh để lại cho Lulu (Lưu Gia Linh) kéo dài đến tận 2046. 

Chu Mộ Văn chôn giấu bí mật của mình về Tôn Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc) vào một cái cây ở Tâm Trạng Khi Yêu rồi tìm quên trên cơ thể đàn bà trong 2046 nhưng rốt cuộc thứ ám ảnh anh suốt cuộc đời vẫn là hình ảnh Tôn Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc - Củng Lợi) . 

Cả câu chuyện đáng thương của Bội Linh (Chương Tử Di) trong 2046 cũng không khác mấy những gì mà Tôn Lệ Trân và Lulu đã đeo mang trong A Phi Chính Truyện. Những hành trình tìm đến tương lai của họ rốt cuộc chỉ lún sâu vào kí ức, những cuộc vui thân xác thì mãi mãi trở thành nỗi cô đơn ám ảnh không thể dứt bỏ. Kẻ duy nhất chứng kiến tất thảy những hỉ, nộ, ai, lạc không ai khác chính là "thời gian" - một nhân vật không bao giờ chết.

Vương Gia Vệ đã làm nên Vũ trụ Điện ảnh của riêng mình như thế nào? - Ảnh 12.

Tình yêu và sự cô đơn

Có thể bạn đang nghĩ hai thứ này phim nào chẳng có, bởi nó vốn là những điều mà tất cả mọi người trải qua. Đúng vậy, nhưng trong tất cả các phim của Vương Gia Vệ, tình yêu luôn là đề tài tiên quyết và nỗi cô đơn luôn là cảm giác thường trực. Họ Vương yêu "tình yêu" đến mức phá tan những lề lối trong những cái khung định sẵn để thắp lửa cho tình yêu của các nhân vật của mình.

Năm 1986, khi Anh Hùng Bản Sắc (A Better Tomorrow) của đạo diễn Ngô Vũ Sâm mở ra phong trào phim "tam kiệt" - xã hội đen ở Hong Kong thì hai năm sau đó, lượng phim và đạo diễn tăng đột biến. Vương Gia Vệ cũng từ trào lưu này mà trở thành đạo diễn. Các nhà sản xuất muốn ông làm phim về xã hội đen, thế là Vượng Giác Ca Môn (As Tears Go By) ra đời. Nhưng những gì ông tả trong thế giới xã hội đen của mình thật khác biệt, thật sến và lạ lùng khiến cho rất nhiều khán giả thời ấy chỉ trích rằng "Vương Gia Vệ chả hiểu gì về xã hội đen". Đến tận bây giờ, nhiều người vẫn nghĩ như vậy khi nói về bộ ba nhân vật do Lưu Đức Hoa - Trương Mạn Ngọc - Trương Học Hữu thủ vai.

Vương Gia Vệ đã làm nên Vũ trụ Điện ảnh của riêng mình như thế nào? - Ảnh 13.

Đó chính là cách họ Vương nhìn vào bất cứ thế giới nào, quyết liệt vì tình và cô đơn cũng vì tình. Điều này một lần nữa được chứng tỏ trong Đông Tà Tây Độc, bộ phim được yêu cầu chuyển thể từ tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung rốt cuộc trở thành một bản tình ca sầu não đầy những triết lí. 

Dù quy tụ dàn Thiên Vương Thiên Hậu Hong Kong sau này như Trương Quốc Vinh, Lương Gia Huy, Lương Triều Vỹ, Trương Học Hữu, Trương Mạn Ngọc, Lâm Thanh Hà, Lưu Gia Linh, Đông Tà Tây Độc vẫn không thành công về thương mại (kinh phí sản xuất 40 triệu đô Hong Kong và chỉ thu về 9 triệu). 

Hầu hết khán giả thời ấy đều bảo rằng không hiểu phim nói gì. Vương Gia Vệ đã vượt qua những lề lối và quy chuẩn thông thường của dòng phim kiếm hiệp để kể về những mối tình ngang trái ươm đầy sự cô độc của những nhân vật quen thuộc như Âu Dương Phong, Hoàng Dược Sư, Hồng Thất Công, Độc Cô Cầu Bại. Dù thất bại về thương mại, Đông Tà Tây Độc vẫn được đánh giá là một trong những phim hay nhất của Vương Gia Vệ. Ở Châu Âu, phim được còn xếp hạng trên cả Tâm Trạng Khi Yêu và Xuân Quang Sạ Tiết.

Vương Gia Vệ đã làm nên Vũ trụ Điện ảnh của riêng mình như thế nào? - Ảnh 14.

Có thể tóm gọn một câu thế này: trong phim Vương Gia Vệ, tình yêu là trái tim và cô đơn là hơi thở. Mấy ai không khóc trước sự cô đơn tận cùng của Húc Tử dù xung quanh anh ngập tràn tình yêu? Bao nhiêu người không thương xót Hà Bảo Vinh khi đến cuối đoạn đường tình, anh ôm tấm chăn bật khóc trong căn phòng cũ còn Lê Diệu Huy đã an lòng với quá khứ của cả hai? Cái "tình" và cái "cô" trong phim của họ Vương luôn song hành.

Những câu thoại xuất sắc

Hầu như Vương Gia Vệ đều tự mình viết kịch bản cho tất cả các phim. Vì chẳng ai hiểu nhân vật mình hơn ông. Bởi vậy mà không ít những câu thoại trong phim ông trở thành kinh điển và duy nhất. Chẳng hạn như câu thoại của Húc Tử trong A Phi Chính Truyện được bình chọn là một trong những câu thoại hay nhất trong lịch sử: "Có một loài chim không chân, chỉ bay và bay không bao giờ đậu. Khi mệt sẽ tựa vào những cơn gió. Chỉ một lần duy nhất trong đời đáp xuống mặt đất, chính là khi lìa khỏi thế gian". Nỗi cô đơn thống thiết và sự ám ảnh từ câu thoại này không thuộc hàng tầm thường.

Vương Gia Vệ đã làm nên Vũ trụ Điện ảnh của riêng mình như thế nào? - Ảnh 15.

Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều câu thoại khác nặng kí không kém đã ghi dấu vào những bộ phim của họ Vương:

- Anh ấy nhớ về những ngày tháng đã qua ấy như nhìn vào ô cửa kính bám bụi. Quá khứ là thứ người ta có thể nhìn, nhưng không thể chạm vào. Mọi thứ anh ấy thấy đều không rõ ràng, không thể nghe, cũng không thể thấy. (Tâm Trạng Khi Yêu)

- Khi người ta có những bí mật không muốn chia sẻ thì họ lên 1 ngọn núi, tìm một gốc cây và đục lỗ trong đó rồi thì thầm bí mật vào trong lỗ. Sau đó lấy đất lấp lại. Bằng cách đó, không ai khám phá được bí mật của họ. (Tâm Trạng Khi Yêu và 2046)

- Một điều tôi chưa bao giờ nói với Hà Bảo Vinh đó là tôi không muốn cậu ấy mau bình phục. Vì những ngày tháng đó là hạnh phúc nhất của chúng tôi (Xuân Quang Sạ Tiết)

- Thiên hạ thường nói khi ngươi không thể có thứ ngươi muốn, ngươi có thể làm điều tốt nhất là không quên (Đông Tà Tây Độc)

Vương Gia Vệ đã làm nên Vũ trụ Điện ảnh của riêng mình như thế nào? - Ảnh 16.

Cũng không thiếu những câu thoại rất bay bổng và lãng mạn:

- Chúng ta giáp mặt những người khác hàng ngày. Chúng ta có thể không biết nhau, nhưng chúng ta có thể trở thành bạn tốt một ngày nào đó. (Trùng Khánh Sâm Lâm)

- Nếu trí nhớ là một cái hộp, tôi mong nó không hết hạn. Nếu có một cái hạn được đề vào, tôi hi vọng nó sẽ là "một triệu năm". (Trùng Khánh Sâm Lâm)

- Một người đang khóc, ta có thể đưa họ khăn giấy. Nhưng một ngôi nhà khóc thì có rất nhiều thứ phải làm. (Trùng Khánh Sâm Lâm)

Đối với bản thân người viết, Trùng Khánh Sâm Lâm chính là bộ phim có nhiều câu thoại ấn tượng nhất.

Những con số 

Ngoài những đặc trưng bên trên, những người hâm mộ vẫn có thể kể thêm một số điểm chung khác. Đơn cử như những diễn viên. Trương Mạn Ngọc xuất hiện trong 5/10 phim và Lương Triều Vỹ là 7/10. Có thể nói hai tên tuổi này như thể "nàng thơ" và "chàng thơ" trong phim của Vương Gia Vệ. 

Hình ảnh đài cát của Tôn Lệ Trân qua chùm phim A Phi Chính Truyện - Tâm Trạng Khi Yêu - 2046 của Trương Mạn Ngọc đã trở thành một vẻ đẹp trường cữu, đại diện cho cái đẹp của phụ nữ trong phim ông. 

Sự biến hóa của Lương Triều Vỹ từ chàng kiếm khách mù trong Đông Tà Tây Độc, Châu Mộ Văn trong Tâm Trạng Khi Yêu đến anh chàng đồng tính Lê Diệu Huy của Xuân Quang Sạ Tiết đều đã trở nên duy nhất không thể thay thế. Dù cố nghệ sĩ Trương Quốc Vinh chỉ góp mặt trong 3 phim nhưng cả 3 vai diễn đều xuất sắc. Bạn thấy đó, phim của họ Vương toàn sao. Riêng Tứ Thiên Vương Hong Kong đã có đến 3 người từng xuất hiện là Lưu Đức Hoa (2 phim), Trương Học Hữu (2 phim) và Lê Minh (1 phim).

Vương Gia Vệ đã làm nên Vũ trụ Điện ảnh của riêng mình như thế nào? - Ảnh 17.

Ngoài ra, bạn cũng có thể cho "Hong Kong" vào mục này vì xứ Cảng Thơm là bối cảnh chính trong 7/10 phim của Vương Gia Vệ. Ông yêu và hiểu Hong Kong rất nhiều mới có thể tả về nó đa sắc màu như thế trong những câu chuyện khác nhau. Con số 2046 xuất hiện trong chuỗi phim của ông còn là con số quan trọng của Hong Kong vì 2046 là năm cuối cùng Hong Kong được điều hành theo quy chế "một nhà nước hai chế độ" và từ năm 2047 Hong Kong sẽ hoàn toàn thuộc về Trung Quốc. Chắc hẳn là họ Vương luôn lo nghĩ thay cho Hong Kong về điều này, đến nỗi đưa con số ấy vào phim của mình, như một sự trăn trở về tương lai quê của hương.

Sở dĩ không xếp những đặc trưng này thành từng mục riêng bởi vì chúng là những biến số, sẽ thay đổi trong tương lai, đó là điều chắc chắn.

Vương Gia Vệ đã làm nên Vũ trụ Điện ảnh của riêng mình như thế nào? - Ảnh 18.

Kết

Tất thảy những thứ được cho là đã cấu thành nên "vũ trụ điện ảnh Vương Gia Vệ" cũng chỉ là những nhận định đúc kết từ các bộ phim và tìm hiểu về bản thân đạo diễn, có phần chủ quan thiên về cảm giác. 

Phim của Vương Gia Vệ "lạ kì" đến mức có thể xếp nó vào một thể loại riêng không giống bất kì tác phẩm nào. Sự phi tuyến tính trong đó vượt khỏi các quy chuẩn thông thường về điện ảnh, không phải để vươn lên tầm cao hơn, mà là tự chọn cho mình một vị trí độc lập. Có những người say mê và cũng có cả những kẻ chối từ. Đạo diễn họ Vương cũng từng chia sẻ: "Thay vì cố đương đầu với đại chúng nhưng thực tế mình không dành cho họ, hãy chiến đấu với bản thân mình". 

"Vũ trụ điện ảnh Vương Gia Vệ" còn rộng mở hay không chẳng quan trọng vì bản thân nó đã là một không gian quá đủ đầy cho những người trót yêu những câu chuyện tình lãng mạn và cô đơn đến cực hạn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày