Con cái là tài sản lớn nhất, là viên ngọc quý giá trong tay của cha mẹ. Bởi thế, chỉ cần con hắt hơi, sổ mũi là các ông bố bà mẹ đã lo sốt vó lên rồi. Vậy nhưng, trên thực tế có một số căn bệnh ở trẻ em lại được biểu hiện dưới dạng "ngọt ngào", chẳng hạn như câu chuyện của một bà mẹ Trung Quốc vừa chia sẻ để cảnh báo về căn bệnh động kinh ở trẻ em nhưng lại không khiến con gái của chị bị đau đớn, ngược lại luôn làm cho cô bé cười cả ngày, ngay cả trong lúc ngủ.
Bà mẹ xin giấu tên chia sẻ: "Ở tuổi 39, tôi và chồng có đứa con đầu tiên bằng cách thụ thai tự nhiên sau nhiều năm mong ngóng. Cả nhà vừa vui mừng vừa hồi hộp lo lắng. May mắn là cả thai kỳ diễn ra nhẹ nhàng và suôn sẻ. Con gái tôi chào đời mạnh khỏe. Chúng tôi càng hạnh phúc hơn khi con gái là một đứa trẻ hay cười. Thậm chí ngay cả khi ngủ, con vẫn mỉm cười như kiểu mơ thấy giấc mơ đẹp".
Ngay cả trong khi ngủ, bé gái cũng vẫn hay "cười"
"Ban đầu, chúng tôi không quá quan tâm đến vấn đề này, mà chỉ vui vì con là một đứa trẻ ngoan lại vui vẻ. Cho đến khi một người bạn là bác sĩ ghé thăm, khi ấy con tôi đã được 7 tháng tuổi. Anh ấy khuyên chúng tôi nên cho con đi khám vì cười nhiều ở trẻ sơ sinh không phải là một biểu hiện tốt", người mẹ kể tiếp.
Ngày hôm sau, bà mẹ này liền cùng chồng mang con đến bệnh viện khám tổng quát. Các kết quả thăm khám cho thấy đứa trẻ bị động kinh. Hóa ra những "nụ cười" suốt 7 tháng qua của bé gái là những cơn co giật ở môi do bệnh động kinh gây ra. Nghe tin, bà mẹ này ngất xỉu tại chỗ, còn nước mắt của ông bố đã rơi.
Theo thông tin từ Hiệp hội Động kinh của Anh, bệnh động kinh ở trẻ em có khả năng xảy ra trong 1 năm đầu sau sinh. Căn bệnh này thường làm các bé bị co giật ở một phần cơ thể hoặc cả người.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh động kinh ở trẻ sơ sinh. Chẳng hạn như trẻ sinh đủ tháng nhưng quá trình sinh lâu dẫn đến tình trạng thiếu oxy chu sinh, gây ra chấn thương não do thiếu oxy cục bộ. Hoặc là não của trẻ có sự phát triển bất thường. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể bị di truyền bệnh động kinh từ gia đình của mình. Ngoài ra, nếu nồng độ của glucose, canxi hay magie trong máu thấp cũng có thể làm trẻ bị động kinh.
Các cơn động kinh ở trẻ sơ sinh thường ngắn và tinh tế mà đôi khi nó còn bị nhầm lẫn thành một hành động bình thường của em bé như:
- Co giật ở môi như kiểu bé đang cười.
- Co giật chân như kiểu đạp xe đạp.
- Co giật Clonic - chuyển động nhịp nhàng liên quan đến các cơ ở mặt, lưỡi, cánh tay, chân và một số vùng khác.
- Chân, tay, đầu cổ, người đột nhiên căng cứng hoặc co duỗi tay chân cùng một lúc.
Chính vì thế mà các cha mẹ rất khó phát hiện con mình có bị động kinh hay không. Tuy nhiên, nếu thấy con hay lặp đi lặp lại 1 hành động trong khoảng 1 - 2 phút rồi hết sau đó lại tiếp tục thì bạn nên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.
Nguồn: Sohu, Kidhealth