Vụ việc một nữ du khách 28 tuổi đến từ Tây Ban Nha bị cưỡng hiếp tập thể tại Ấn Độ đã khiến dư luận nước này vô cùng phẫn nộ. Theo đó, vụ việc xảy ra khi du khách kiêm vlogger người Tây Ban Nha cùng chồng đến bang Jharkhand, phía đông Ấn Độ du lịch.
Vào buổi tối ngày 01/03, khi cô và người chồng 68 tuổi của mình đang nghỉ trong căn lều thì một nhóm đàn ông gồm 7 người đã tấn công cặp đôi, cướp của và thực hiện hành vi đồi bại với nữ du khách trong vòng 2 giờ đồng hồ. Sau khi vụ việc xảy ra, cặp đôi đã được cảnh sát tìm thấy bên lề đường vào khoảng 23h ngày 01/03 và ngay lập tức được đưa đến bệnh viện điều trị.
Cặp đôi khách du lịch đến từ Tây Ban Nha bị tấn công trong thời gian nghỉ tại lều
Sau khi sự việc được khai báo, cảnh sát Ấn Độ cho biết họ đã tích cực truy lùng những nghi phạm. Tính đến sáng ngày 05/03, đã có 4 người bị bắt giữ, 3 người khác liên quan đến vụ việc này cũng đang bị truy tìm gắt gao.
"Bọn chúng đã đánh tôi, dí con dao vào cổ tôi, và nói rằng bọn chúng sẽ giết tôi" - người chồng kể lại.
Trên Instagram cá nhân, nữ du khách đăng tải video và cho biết: "Khuôn mặt của tôi trông như thế này nhưng đó không phải là điều khiến tôi đau lòng nhất. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ chết (vào thời điểm đó - PV). Nhờ có Chúa, chúng tôi còn sống".
Cảnh sát áp giải các nghi phạm liên quan vụ việc đến đồn điều tra
Hai vợ chồng khách du lịch hiện đang được điều trị tại bệnh viện, đồng thời được đền bù khoản tiền trị giá 1 triệu rupee (khoảng 300 triệu)
Trước sự việc kinh hoàng, ông Mithilesh Kumar Thakur - một quan chức của bang Jharkhand cho biết: "Đây là một vụ việc đáng lên án và cảnh sát đang tiến hành các biện pháp xử lý thích hợp. Chúng tôi sẽ không nương tay với thủ phạm".
Ấn Độ được biết đến là quốc gia có tỷ lệ tội phạm tấn công phụ nữ cao. Theo Cục Hồ sơ Tội phạm Ấn Độ, vào năm 2022, quốc gia này có tới 31.516 vụ việc liên quan đến hiếp dâm được báo cáo. Tính trung bình là có gần 90 vụ cưỡng hiếp/ngày và cứ 18 phút lại có một phụ nữ bị cưỡng hiếp. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn vì nhiều vụ việc vẫn chưa được báo cáo do tâm lý sợ bị kỳ thị của các nạn nhân.
Nguồn: The Independent