Vụ cựu công an tạt axit vợ sắp cưới: Tại sao giám định thương tích hai lần khác nhau?

Duy An, Theo Người Đưa Tin 14:26 03/06/2019
Chia sẻ

Một trong những vấn đề dư luận quan tâm là tại sao chị V. được giám định thương tích hai lần, kết quả hoàn toàn khác nhau, và liệu có thiếu minh bạch?

Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc Nguyễn Trương Nam Hải (24 tuổi), Thiếu úy thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC, Công an TP.Đà Nẵng, đã bị tước quân tịch, cho ra khỏi ngành vì có hành vi tạt axit vợ sắp cưới là chị Lê Thị Lan V., 24 tuổi, ngụ quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng.

Một trong những vấn đề người dân quan tâm nhất là theo kết luận điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định, chị V. được giám định thương tật 2 lần với kết quả khác nhau.

Vụ cựu công an tạt axit vợ sắp cưới: Tại sao giám định thương tích hai lần khác nhau? - Ảnh 1.

Hải và chị V. lúc còn yêu nhau.

Lần thứ nhất, trung tâm Pháp y TP. Đà Nẵng xác định, chị V. bị 19%. Sau đó, chị V. được chuyển đến viện Bỏng quốc gia. Tại đây, chị V. được viện Pháp y Trung ương thực hiện giám định và kết quả là chị bị thương tật 46%.

Liên quan đến vấn đề này, Trung tá Phạm Thanh Hùng, Đội trưởng Điều tra tổng hợp, Công an quận Thanh Khê cho biết, ngay sau khi Hải tạt axit chị V. liền bị cơ quan chức năng bắt giữ. Ngay sau đó, Công an quận Thanh Khê yêu cầu trung tâm Pháp y TP.Đà Nẵng giám định thương tật. Thương tích mà trung tâm này kết luận là thương tích ban đầu, giám định "nóng", tạm thời để có căn cứ khởi tố bị can, phục vụ điều tra.

Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng bắt buộc phải giám định lại để xác định tỷ lệ thương tích cố định. Do đó, đến 14/3, Công an quận Thanh Khê tiếp tục trưng cầu viện Pháp y quốc gia giám định lại thương tích của chị V. và kết quả là 46%. Dựa vào kết quả thương tổn này mà cơ quan chức năng sử dụng làm căn cứ truy tố bị can.

Trao đổi về vấn đề này, luật gia Phạm Ngọc Hải, công ty Ami Law Firm, TP.Đà Nẵng cho biết, theo khoản 4 Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì trường hợp cần xác định tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động thì buộc phải trưng cầu giám định.

Trong trường hợp này có thể được xác định là hành vi cố ý gây thương tích nên việc giám định tỉ lệ thương tích này có ý nghĩa rất quan trọng và bắt buộc để cơ quan điều tra có thể định khung hình phạt, từ đó ra Quyết định khởi tố bị can một cách chính xác.

Chính vì vậy, việc xác định tỉ lệ thương tích là 19% hay 46% ảnh hưởng rất nhiều đến khung hình phạt mà Hải có thể bị khởi tố. Nếu tỷ lệ thương tích là 19% thì có thể khởi tố theo khoản 2 Điều 134 BLHS hiện hành với khung hình phạt tù từ 02 năm đến 06 năm. Nếu tỷ lệ thương tích là 46% thì có thể khởi tố theo khoản 3 Điều 134 BLHS hiện hành với khung hình phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

Vị luật gia phân tích thêm, lần trưng cầu giám định đầu tiên được coi là bắt buộc phải thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Tuy nhiên, không có nghĩa rằng Kết luận giám định lần đầu này là kết luận cuối cùng được dùng để giải quyết vụ án.

Nếu có căn cứ cho rằng nội dung kết luận giám định lần đầu này chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác, cơ quan Điều tra có quyền trưng cầu giám định lại hoặc trưng cầu giám định bổ sung theo Điều 29 Luật Giám định tư pháp 2012 (Điều 210, 211 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015).

Theo quy định tại Thông tư số 20/2014/TT-BYT thì việc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể được thực hiện theo phương pháp cộng tổng tỷ lệ thương tật của nhiều tổn thương khác nhau nhưng tỷ lệ không được vượt quá 100%. Theo cơ quan điều tra giám định thì axit mà Hải sử dụng là axit sulfuric (H2SO4) có nồng độ 78%.

Với nồng độ này, khi tạt axit lên người sẽ khiến da nạn nhân bị bỏng và tổn thương sâu vào phần cơ, xương. Do đó, ngoài tổn thương phần da vùng mặt thì còn phát hiện thêm các tổn thương khác, cần xác định tổng tỷ lệ thương tật của các tổn thương này mới đảm bảo kết quả giám định là chính xác. Từ đó có việc trưng cầu giám định lại và tỷ lệ thương tật khi giám định lại có thay đổi so với kết luận giám định lần đầu.

Vụ cựu công an tạt axit vợ sắp cưới: Tại sao giám định thương tích hai lần khác nhau? - Ảnh 2.

Tỷ lệ giám định thương tích chị V. 2 lần khác nhau.

"Dư luận nhiều người đặt nghi vấn về việc trung tâm Pháp y Đà Nẵng thiếu minh bạch trong vụ này. Tuy nhiên, chưa có căn cứ cho rằng cơ quan giám định cố tình giám định lần đầu sai với mục đích không trong sáng. Nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định rằng việc giám định sai với lỗi cố ý nhằm che giấu, giảm nhẹ tội phạm thì đây là trường hợp hết sức nghiêm trọng và những cá nhân liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định", luật gia Hải chia sẻ.

Theo kết quả điều tra, Hải và chị V. có quan hệ yêu đương, đã tổ chức đám hỏi, đăng ký kết hôn. Sau đó, Hải ghen tuông vì cho rằng, chị V. có quan hệ tình cảm với người đàn ông khác. Vì vậy, chị V. nhiều lần yêu cầu chấm dứt tình cảm nhưng Hải không đồng ý.

Ngày 31/12/2018, bực tức vì vợ sắp cưới nhiều lần đòi chia tay, Hải lên kế hoạch tạt axit. Ngay sau đó, Hải đến cửa hàng mua axit. Do cửa hàng không bán axit lẻ nên Hải mua một can loại 30 lít rồi mang về nhà ngoại, gần nhà nạn nhân, để cất giấu.

Tiếp đó, Hải hẹn sáng 1/1 sẽ cùng cha mẹ sang nhà chị V. để nói chuyện về tình cảm của 2 người. Cùng ngày, Hải chiết axit từ can 30 lít sang chai đựng nước loại 750ml nhằm thực hiện ý định của mình.

Khoảng 10h ngày 1/1, Hải giấu bình axit trong người rồi đến nhà chị V.. Cha mẹ của chị V. gọi con gái từ trên lầu xuống nhà dưới để tiếp chuyện. Chị V. vừa bước xuống cầu thang thì Hải liền lôi bình axit ra tạt lên người nạn nhân. Cha mẹ của chị V. đứng gần đó cũng bị dính axit.

Gia đình chị V. hô hoán, kêu cứu. Hàng xóm nghe thấy liền chạy sang bắt giữ Hải và trình báo cơ quan chức năng. Riêng chị V. được đưa đến bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Ngay lúc này, cơ quan công an đến hiện trường, bắt Hải, sau đó chuyển sang tạm giữ. Ngày 9/1, Công an quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với Hải để điều tra hành vi cố ý gây thương tích.

Chị V. được giám định thương tật 2 lần. Lần thứ nhất, trung tâm Pháp y TP.Đà Nẵng xác định, chị V. bị 19%. Do thương tích phức tạp, chị V. được chuyển đến viện Bỏng quốc gia. Tại đây, Công an quận Thanh Khê đã trưng cầu giám định lần 2, viện Pháp y Trung ương thực hiện và kết quả là chị V. bị thương tật 46%.

Liên quan đến việc cơ quan công an chậm hoàn tất hồ sơ vụ án, đại diện đơn vị này cho biết, do 2 nguyên nhân. Thứ nhất là vì nạn nhân 2 lần được giám định pháp y với kết quả thương tích khác nhau và Hải đang công tác trong ngành công an, nên phải chờ thủ tục tước quân tịch thì mới hoàn tất được thủ tục, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày