Một gia đình "tam đại đồng đường", 3 thế hệ sống cùng dưới một mái nhà. Nghe vậy thôi cũng có thể tưởng tượng ra sự phức tạp mà không phải ai cũng có thể hiểu hết được. Nhưng trong mắt hàng xóm láng giềng, gia đình ấy thực sự là "hiếm có khó tìm" bởi nhiều thành viên sống chung một nhà nhưng hiếm khi thấy xích mích, cãi vã. Những đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi, người lớn thân thiện, chăm chỉ làm ăn buôn bán. Được thế thì còn gì bằng...
Bỗng một ngày, người ta tìm thấy tất thảy 11 thành viên trong gia đình, già trẻ lớn bé, cùng chết trong tư thế quái đản. Cả một khu phố nói riêng và đất nước Ấn Độ nói chung sục sôi lên vì vụ việc chưa từng có trong tiền lệ, đặc biệt lại xảy ra ở ngay thủ đô New Delhi. Từ đó đến nay, mỗi lần nhắc đến, người ta vẫn không khỏi sởn gai ốc vì những tình tiết rùng rợn của vụ án được coi là bí ẩn nhất ở Ấn Độ.
Ngày 8/10 vừa qua, Netflix đã cho ra mắt 3 tập của bộ phim tài liệu lạnh gáy liên quan tới vụ án này và nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả trên khắp thế giới. Bộ phim mang tên House of Secrets: The Burari Deaths (Tạm dịch: Vụ Án Burari: Bí Ẩn Cái Chết Một Gia Đình), của đạo diễn bởi Leena Yadav, đã cho khán giả một cái nhìn tổng quát và chân thực nhất về toàn cảnh vụ án từng gây rúng động đất nước Ấn Độ vào năm 2018.
Ngay từ đoạn giới thiệu, bộ phim đã nhấn mạnh vào sự bí ẩn kỳ lạ "tuyệt đối" và giá trị "gây sốc" của vụ việc. Những điều đó càng được nhấn mạnh bởi lời khẳng định của các chuyên gia, các phóng viên, nhà báo điều tra tội phạm và các quan chức thực thi pháp luật, những người đóng vai trò là nguồn cung chính cấp tài liệu cho phim.
Cảnh sát trưởng Rajeev Tomar, vị cảnh sát đầu tiên bước vào ngôi nhà ở Burari nơi có 11 thành viên của gia đình Bhatia chết trong tư thế treo cổ, cho biết: “Trong 17 năm sự nghiệp của tôi, cho đến nay, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một hiện trường vụ án nào khủng khiếp như thế này và tôi hy vọng mình không bao giờ phải trải qua điều tương tự thêm một lần nào nữa". Sau đó, ông Rajeev Tomar được giao nhiệm vụ chỉ đạo điều tra vụ án nghiêm trọng này.
7 giờ 28 phút sáng 1/7/2018, vài phút sau một người dân gọi điện đến đường dây nóng của PCR (Phòng Kiểm soát Cảnh sát), ông Rajeev lách người qua đám đông đang chen chúc trong ngõ hẹp và đi từng bước vội vàng đến hiện trường vụ án.
“Thật là sốc. Tôi chỉ ở lại khoảng 10-15 giây trước khi lao xuống lầu để gọi các cấp trên của tôi. Lúc đó tôi không rõ ai bị trói tay và ai bị che mắt. Tôi chỉ nhìn thấy rất nhiều thi thể treo lơ lửng, giống như những rễ cây đa rủ xuống từ tán cây”, ông Rajeev kể.
Trên tầng một của ngôi nhà, các thi thể bao gồm Bhavnesh Singh (50 tuổi); em trai của ông, Lalit Singh (45 tuổi); vợ của họ lần lượt là Savita (48 tuổi) và Tina (42 tuổi); con của họ, Neetu (25 tuổi), Monu (23 tuổi), Dhruv (15 tuổi) và Shivam (15 tuổi); chị gái của họ là Pratibha (48 tuổi) và con gái của cô ấy là Priyanka (33 tuổi) được tìm thấy bị treo cổ chết trong tình trạng mắt, chân tay bị trói bằng dây sạc điện thoại; người phụ nữ cao tuổi nhất, bà Narayan Devi, 77 tuổi, được tìm thấy nằm chết úp mặt trên sàn nhà trong căn phòng liền kề.
Hiện trường kinh dị khiến những cảnh sát vốn có "thần kinh thép" cũng khó tránh được cảm giác ớn lạnh.
Một cuộc điều tra nhanh chóng được tiến hành với đầy đủ các bên tham gia, bao gồm cả cảnh sát, báo chí điều tra, pháp y và thậm chí cả nhà thôi miên. Một loạt các câu hỏi lớn đặt ra rằng tại sao 11 thành viên trong gia đình ba thế hệ này đều thiệt mạng vì treo cổ? Chỉ có chú chó của cả nhà là còn sống và bị trói ở bậc thang. Tại sao họ lại phải chết như vậy? Tại sao không một ai sống sót mà cùng chết trong tư thế tương tự nhau, trừ duy nhất người mẹ già?
Nếu đây là một vụ án mạng, thì sẽ cần bao nhiêu người để giết được 11 thành viên trong gia đình Bhatia? Đó là chưa kể ở hiện trường, không có lấy một dấu hiệu vật lộn hay âm thanh nào đáng ngờ. Các thành viên khi chết vẫn còn đeo trang sức, cả nhà không có dấu hiệu bị trộm cướp.
Cảnh sát không tìm thấy dấu hiệu khả nghi hay có bất kỳ manh mối nào về hung thủ, nên bước đầu khẳng định đây là vụ tự sát tập thể. Tuy nhiên, nếu đây là một vụ tự sát thì tại sao tất cả mọi người đều bị trói tay, bịt mắt?
Kết luận nhanh chóng của cảnh sát đã gây ra làn sóng phản đối trên khắp Ấn Độ. Nhiều người cho rằng cảnh sát đang muốn che giấu điều gì đó, thậm chí còn có nhóm biểu tình yêu cầu nhà chức trách phải làm rõ vụ việc, rõ ràng đó là vụ án mạng. Một số thành viên khác của gia đình ở xa về cũng không tránh khỏi bị sốc, họ khẳng định gia đình mình đang yên ấm thì không có lý do gì phải tự sát. Áp lực từ dư luận, hiện trường quái đản cùng những chi tiết bí ẩn khiến cảnh sát càng thêm khó khăn trong công tác điều tra.
Số người chết trong gia đình này là 11 người, nhưng cảnh sát lại phát hiện ra thêm điểm bất thường đến rợn gáy của căn nhà này. Đó chính là có những đường ống kỳ lạ chĩa ra ngoài căn nhà. Có 7 cái ống chĩa xuống dưới, còn 4 cái ống thẳng. Trùng hợp thay, có đúng 7 nạn nhân là nữ và 4 nạn nhân là nam trong vụ án.
Một điều chấn động nữa được cơ quan điều tra phát hiện chính là vị trí của những đường ống kỳ lạ này trùng khớp với vị trí treo cổ của các nạn nhân. Tấm song sắt đặt trên ban công cũng có 11 thanh. Dường như tất cả đã là một kế hoạch được sắp đặt tỉ mỉ, nhưng không rõ động cơ.
Thu thập thêm bằng chứng bên trong căn nhà, cảnh sát tìm thấy những vật dụng đáng ngờ như lò thiêu nghi lễ, đống tro mới tàn ở trong khẳng định đêm hôm trước, gia đình này đã thi hành nghi lễ nào đó. Đoạn video từ camera an ninh ở trước cửa nhà hàng xóm đối diện cũng cho thấy cảnh cảnh bà Savita cùng con trai đi mua những chiếc ghế nhựa, và chính những chiếc ghế này được tìm thấy dưới chân các nạn nhân. Cũng có một khoảnh khắc cho thấy một cậu bé trong gia đình mang cuộn dây từ xưởng ép gỗ ở bên cạnh sang.
Gần bàn thờ, họ tìm thấy 1 cuốn nhật ký. Tiếp tục tìm kiếm, cơ quan điều tra phát hiện tổng cộng 11 cuốn nhật ký trải dài suốt 11 năm, từ năm 2007 (đúng năm chồng của bà Narayan Devi qua đời). Khi tìm hiểu nội dung viết bên trong những cuốn nhật ký này, cảnh sát mới bàng hoàng phát hiện ra được chân tướng sự việc. Dấu hiệu tâm linh, tà giáo và một nghi lễ bí ẩn biến vụ án Burari trở nên đáng sợ và kinh dị chưa từng thấy.
Dựa trên các ghi chép trong các cuốn nhật ký, cảnh sát nghi ngờ cái chết của 11 thành viên trong gia đình này là do thực hiện một nghi lễ dẫn đến cái gọi là "tự sát hàng loạt".
Cảnh sát cho biết các cuốn nhật ký được viết bởi Lalit Singh (45 tuổi), người vẫn luôn tin rằng "linh hồn" của cha mình, ông Bhopal Singh (mất năm 2007), đang giao tiếp với ông ta và hướng dẫn ông ta thực hiện nghi lễ "badh tapasya" (thờ cây đa) để giúp cho gia đình làm ăn phát đạt, sống bình yên, hạnh phúc.
Một câu hỏi khiến nhiều người bối rối là làm thế nào mà các thành viên trong gia đình, già trẻ lớn bé, bao gồm cả thanh niên 15 và 25 tuổi, đồng ý thắt thòng lọng quanh cổ và tin rằng họ sẽ sống sót sau nghi lễ ấy? 3 thế hệ cùng sống dưới một mái nhà, gia đình Bhatia được coi là hòa thuận với mọi người xung quanh, không có biểu hiện gì bất thường. Mọi người trong gia đình đều được ăn học đầy đủ, có người còn vừa lấy bằng thạc sĩ, vừa làm lễ đính hôn và đang ở giai đoạn tiềm năng nhất của cuộc đời thì cớ gì phải tìm đến nghi lễ nào đó để cầu nguyện.
Lalit, người được cho là nhân vật trung tâm của thảm kịch rùng rợn, có chuyện đời tư khá phức tạp. Ông thường được những đứa trẻ con trong xóm gọi là kaka (chú). Trong mắt những người xung quanh, ông được đánh giá là người vui tính, dè dặt, sống có trách nhiệm, uy quyền. Ông cũng là trụ cột, người duy nhất kiếm được tiền khi gia đình Bhatia chuyển đến Delhi.
Chander Prakash Mehta, một cư dân của Tohana và là bạn thân nhất của Lalit từ năm 1989, kể lại rằng cả 2 người đều học y khoa tại một trường cao đẳng tư thục ở Hisar.
“Lalit học năm cuối Đại học Liên thông nhưng anh ấy không thể tham gia kỳ thi vào năm cuối vì gặp tai nạn. Anh ấy đã phải bảo lưu. Khi quay lại học nốt năm cuối, anh ấy lại đổ bệnh đúng lúc thi cử nên chán nản rồi bỏ luôn”, ông Mehta nói.
Một số hình ảnh bên trong ngôi nhà
Sau khi Lalit chuyển đến Delhi, 2 người vẫn là bạn thân, thường xuyên đến thăm nhau. Ông Mehta nhớ mình đã ngồi hàng giờ vào ban đêm với Lalit và nói về những người bạn thời đại học của họ. “Lalit rất hay nói đùa. Anh ấy có lẽ là người vui nhất trong nhóm của chúng tôi. Nhưng anh ấy là một người không suy nghĩ viển vông và anh ấy không bao giờ thỏa hiệp với các nguyên tắc”, ông Mehta kể.
Lalit bắt đầu làm việc tại một cửa hàng gỗ ép ở Shahdara vào giữa những năm 1990 và khoảng 10 năm trước đó, ông đã mở cửa hàng của riêng mình ở Burari. Tháng 2 năm 2002, ông kết hôn với bà Tina. 3 năm sau, con trai Shivam của họ chào đời. Năm 2004, một biến cố lớn đã làm rung chuyển cuộc đời Lalit.
“Em trai tôi bị kẻ xấu đẩy xuống dưới một số tấm gỗ ép và phóng hỏa. Thủ phạm đã bị bắt và mọi chuyện đã được giải quyết ổn thỏa", ông Dinesh, anh trai của Lalit, nói. Lalit bị câm sau tai nạn đó. Mọi thứ bắt đầu thay đổi trong cuộc sống của Lalit vào tháng 2 năm 2007 sau khi cha ông qua đời vì bệnh hô hấp.
Sau cái chết của ông Bhopal Singh, cả gia đình vô cùng đau buồn và một thầy cúng đã được gọi đến để cầu nguyện cho gia đình trong 10 ngày sau đám tang của ông Bhopal.
“Một trong 10 ngày đó, tất cả gia đình chúng tôi đang ngồi tập trung và lắng nghe những lời cầu nguyện thì Lalit đột nhiên bắt đầu bật lên tiếng nói. Cậu ấy tự nhiên nói được và mọi người nói 'Daddy aa gaye' (Bố đã trở lại) vì họ cho rằng linh hồn bố tôi trở về nhập vào Lalit”, bà Sharma, chị gái của ông Lalit, kể lại.
Anh Naresh Yadav, sống cách đó vài ngôi nhà và là khách hàng thường xuyên của cửa hàng Lalit, nhớ lại cuộc trò chuyện với ông vào năm 2008. “Tôi hỏi ông ấy làm thế nào ông ấy lấy lại giọng nói và ông ấy trả lời rằng cha ông ấy đã đến trong giấc mơ và yêu cầu ông ấy biểu diễn puja”. Sau đó, Lalit không bao giờ đề cập đến những giấc mơ như vậy về cha mình nữa.
Bà Sharma cho biết các con của Lalit và Bhavnesh thường gọi bà là kirtans, điều này bắt đầu ngay sau cái chết của Bhopal Singh. “Mỗi tối khoảng 9 giờ tối, họ ngồi lại với nhau và cầu nguyện trong 15-30 phút. Những đứa trẻ thường nói với tôi 'Daddy ke aane ka time ho gaya ' [đã đến lúc ông nội đến]”, bà nói.
Sau đó, gia đình Bhatia cũng có rất nhiều thay đổi trong lối sống. Họ ăn chay hoàn toàn. Bhavnesh ngừng uống rượu ở nhà. Các lễ cúng bái liên tiếp diễn ra. Điều kỳ lạ là gia đình cũng bắt đầu làm ăn khấm khá hẳn ra. Số lượng cửa hàng tăng lên, bao gồm cửa hàng gỗ ép của Lalit, cửa hàng tạp hóa của Bhavnesh và cửa hàng thứ ba mà họ cùng nhau mở, nhà cửa cũng được cơi nới, lên tầng.
Ông Bhopal Singh lần đầu tiên được nhắc đến trong nhật ký của Lalit là vào ngày 7 tháng 9 năm 2007, trong đó ghi chú yêu cầu gia đình giữ bức ảnh đen trắng của ông trước mặt và tưởng nhớ ông.
Các cuốn nhật ký chứa đầy những chỉ dẫn, với giọng điệu nghiêm khắc, gần như là mắng mỏ, để tất cả các thành viên trong gia đình phải làm theo. Chúng ra lệnh chỉnh đốn thói quen hàng ngày của các thành viên, bao gồm cả thói quen ăn uống và các hoạt động trần tục khác của họ, tất cả nhằm cải thiện tài chính và ổn định cuộc sống của gia đình. Các hướng dẫn trong nhật ký đó dường như có ảnh hưởng lớn đến cách tất cả các thành viên trong gia đình.
Nhân viên của Lalit, Ahmed Ali, người đã làm việc với ông trong 6 năm, cho biết người đàn ông này thường nhắc đến cha mình trong các cuộc trò chuyện.
Một tuần trước khi vụ việc xảy ra, Lalit không đến cửa hàng thường xuyên. Ali được cho biết là ông chủ không được khỏe và cần nằm nghỉ ở nhà.
Ali cho biết anh luôn xem ông chủ của mình là một người tốt bụng và đáng tin cậy, người luôn ra tay giúp đỡ người khác. “Tôi kết hôn vào tháng 12 năm 2016, một tháng sau khi giải ngũ. Ông Lalit từng đứng xếp hàng bên ngoài máy ATM lúc 3 giờ sáng vì tôi cần tiền mặt”, anh nói khi nước mắt lăn dài.
Vài ngày sau cái chết bí ẩn của gia đình Bhatia, cảnh sát Delhi tuyên bố đã giải quyết được vụ án khó hiểu và cho rằng đó là kết quả của một nghi lễ kỳ quái.
“Gia đình đã tự tử trong một nghi lễ nhằm tỏ lòng biết ơn thần thánh. Lalit đã hướng dẫn gia đình cách hành lễ từ "lời chỉ dẫn" của cha mình, ông Bhopal Singh, người đã chết 11 năm trước. Gia đình đã giàu lên, làm ăn gặp may mắn và họ cho rằng tất cả đều nhờ các hướng dẫn trong nhật ký và bắt đầu tin tưởng vào Lalit. Chỉ từ một cửa hàng, họ đã phát triển thành ba cửa hàng", cảnh sát Delhi cho biết trong một tuyên bố.
Cảnh sát nói rằng Lalit đã bị ảo giác về cha mình. Chính Lalit đã nói với gia đình rằng linh hồn của cha ông ta đã chỉ dẫn cho ông ta để có một cuộc sống tốt đẹp hơn và đạt được sự cứu rỗi. Ông ta được cho là đã thuyết phục gia đình rằng họ sẽ không chết và linh hồn của người cha ta sẽ cứu họ. Và để rồi, kết cục là cảnh tượng mà cảnh sát tìm thấy bên trong ngôi nhà. Một kết cục đau buồn không ai muốn chứng kiến...
Nguồn: The Hindu, NewsnationTV