Ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng, đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả các lực lượng tham gia, các quy trình tiếp nhận xử lý, ráp ghép cần sự chuẩn xác tuyệt đối.
Ca ghép phổi cho nữ bệnh nhân 21 tuổi được đánh giá là bước đột phá trong phát triển kỹ thuật y học chuyên sâu, tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực ghép tạng.
Cuộc hồi sinh ngoạn mục ngày 30 Tết
Cô gái 21 tuổi (ở Bắc Kạn) mắc căn bệnh hiếm gặp, cuộc sống thoi thóp tính bằng ngày đã được nhận hai lá phổi hiến từ người khác để hồi sinh trong ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024. TS-BS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng Khoa Hô hấp, Phó Giám đốc Trung tâm Ghép phổi - Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết bệnh nhân từng là sinh viên ngành công nghệ thông tin của một trường đại học ở Thái Nguyên nhưng không may mắc bệnh lý u cơ trơn bạch huyết ở phổi hay còn gọi là bệnh phổi đục lỗ. Tình trạng bệnh rất nặng, được theo dõi tại Bệnh viện Phổi Trung ương từ năm 2020. Nhiều tháng nay, bệnh nhân có tên trong danh sách chờ ghép phổi vì 2 phổi tổn thương nghiêm trọng, tiên lượng tử vong cao. Cuộc sống của cô gái lúc đó chỉ còn được tính bằng tháng ngày lây lất.
Các thầy thuốc thực hiện ca ghép phổi cho bệnh nhân
28 Tết vừa qua, bệnh nhân được xuất viện về nhà ở tỉnh Bắc Kạn. Cuộc sống không còn nhiều hy vọng vì căn bệnh phổi giai đoạn cuối khiến cô suy kiệt. Thế nhưng, sáng sớm 30 Tết, nữ bệnh nhân được người thân trợ thở ôxy vượt quãng đường dài trở lại Bệnh viện Phổi Trung ương với niềm hy vọng mới khi may mắn là người được ghép phổi.
TS-BS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết nữ bệnh nhân này được ghép 2 lá phổi từ người cho là nam thanh niên 26 tuổi bị chết não do tai nạn giao thông. Theo bác sĩ Lượng, 13 giờ ngày 8-2 (29 Tết), sau khi nhận được thông tin có phổi hiến từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Phổi Trung ương đã kích hoạt khẩn cấp chương trình ghép phổi và tổ chức hội chẩn lựa chọn người bệnh được nhận tạng ngay trong đêm. Nữ bệnh nhân trẻ này có nhiều chỉ số phù hợp với người hiến tạng.
Bệnh viện Phổi Trung ương đã huy động khoảng 80 nhân lực bệnh viện trực tiếp tham gia và hàng chục con người khác sẵn sàng điều động và làm việc trực tuyến. Ngoài ra, có sự phối hợp và hỗ trợ từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội... Sau khi hội chẩn với Giáo sư Jasleen, Giám đốc Trung tâm Ghép phổi UCSF (là trung tâm y học uy tín lớn nhất miền Tây nước Mỹ) và một số chuyên gia trong nước, các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương quyết định khởi động ca ghép phổi này. Ca phẫu thuật bắt đầu lúc 10 giờ và kết thúc lúc 22 giờ ngày 9-2 (30 Tết).
Điều đáng chú ý là ca mổ kéo dài 12 giờ nhưng chỉ 14 giờ sau ghép người bệnh đã tỉnh, được rút ống nội khí quản, tự thở những hơi thở đầu tiên bằng hai lá phổi mới trong giọt nước mắt hạnh phúc của cả người bệnh và ê-kíp thực hiện ghép phổi. "Đây là một thời khắc rất quan trọng, bởi rút ống nội khí quản tức là phổi mới đã tương thích và hoạt động tốt trên người bệnh. Ngay trong ngày đầu tiên sau ghép phổi, người bệnh đã phục hồi tốt, các chỉ số hô hấp ổn định và đến ngày thứ hai sau mổ, nhóm phục hồi chức năng đã động viên bệnh nhân ngồi dậy, uống nước và bắt đầu tập ăn. Ngày thứ 3 sau ghép, bệnh nhân đã đứng dậy tập đi trong 4 phút liên tục; đến ngày thứ 5, thời gian bệnh nhân đi được liên tục tăng lên. Điều này cũng giúp phổi nở tốt hơn. Hiện tại, bệnh nhân đang nỗ lực tập thở, phục hồi chức năng mỗi ngày" - bác sĩ Lượng hồ hởi thông báo.
Với thành công này, một cuộc đời mới đã mở ra cho cô gái trẻ. Khả năng bệnh nhân được quay trở lại trường học cũng rất gần. "Cuộc sống với cháu như một giấc mơ. Tôi đã từng nghĩ tới tình huống xấu nhất xảy ra với con mình. Gia đình xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các bác sĩ bệnh viện đã nỗ lực ghép phổi cho con gái, cảm ơn nghĩa cử cao cả của gia đình hiến tạng để giúp cháu được sống và theo đuổi ước mơ của mình" - mẹ bệnh nhân xúc động sau khi con gái hồi phục sau ca đại phẫu thuật.
Việt Nam làm chủ kỹ thuật ghép tạng khó nhất
Theo bác sĩ Lượng, ghép phổi là một kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng, đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả các bộ phận, các bác sĩ, chuyên gia. Phổi ngoài chức năng hô hấp thì chức năng chuyển hóa và miễn dịch cũng rất mạnh, do vậy phản ứng thải ghép cũng rất mạnh mẽ, nguy cơ nhiễm trùng lớn. Điểm quyết định là cơ hội có tạng để ghép từ người cho chết não cũng vô cùng ít cơ hội, chỉ 20% số người chết não có thể hiến phổi đủ tiêu chuẩn để ghép. Mặt khác, phổi là một tạng lớn chiếm hầu hết khoang ngực nên phẫu thuật ghép sẽ phải thực hiện đường mổ rất lớn gây đau đớn nhiều, cản trở cho quá trình phục hồi và dẫn đến các biến chứng nếu bệnh nhân không thể vận động sớm sau mổ… Hơn nữa, quá trình chăm sóc hậu phẫu cũng là yếu tố quyết định sự sống của người bệnh.
Nữ bệnh nhân tươi tỉnh sau 10 ngày được ghép phổi. Ảnh: HÙNG ANH
"Trên thế giới, ghép phổi hầu hết chỉ được thực hiện ở các nước phát triển do đây là kỹ thuật ghép tạng rất khó và chi phí lớn, song tại Bệnh viện Phổi Trung ương ca ghép này được thực hiện thành công. Ca phẫu thuật đã được thực hiện chặt chẽ, bài bản theo quy trình tiêu chuẩn quốc tế từ Trung tâm ghép phổi UCSF, 1 trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Mỹ" - bác sĩ Lượng nhấn mạnh.
Đánh giá thành công từ ca ghép phổi, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh đây là thành công và dấu ấn quan trọng trong lĩnh vực ghép mô tạng, khẳng định trình độ, năng lực của các y, bác sĩ nước nhà trên bản đồ y khoa thế giới. "Chúng tôi rất xúc động, tự hào với kết quả đội ngũ các y, bác sĩ đã làm được. Thành công này là sự đoàn kết, sự chia sẻ, phối hợp rất tốt; đó còn là sự cố gắng, nỗ lực chung của toàn thể đội ngũ y, bác sĩ. Là kết quả của sự chuẩn bị kỹ lưỡng, của lòng mong mỏi, khát vọng để kỹ thuật ghép tạng phát triển, là sự nỗ lực bền bỉ từ nhiều năm trước, sự chuẩn bị tốt nhất kể cả về nhân lực, hậu cần, chuyên môn kỹ thuật…" - tư lệnh ngành y tế chúc mừng các ê-kíp ghép phổi.
PGS-TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, khẳng định sự thành công của ca ghép phổi này là dấu mốc lớn ghi nhận tiến bộ vượt bậc của các thầy thuốc Bệnh viện Phổi Trung ương và sự phối hợp đồng bộ của đội ngũ các y, bác sĩ từ nhiều bệnh viện. Đây là ca ghép phổi thứ 10 tại Việt Nam và là ca thứ 2 tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Với những thành công này, chương trình ghép phổi của Việt Nam sẽ được ghi nhận vào danh sách của hệ thống ghép phổi trên thế giới. Sự thành công của các ca ghép phổi cho thấy Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực ghép tạng. Riêng trong năm 2023, Việt Nam đã thực hiện thành công rất nhiều ca ghép tạng được đánh giá là lịch sử, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng về ghép tạng của khu vực Ðông Nam Á, châu Á.
PGS Hệ cũng nhắc lại kỳ tích của ca ghép tạng xuyên Việt ngày 26-2-2023 của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Việt Ðức, đó là "trái tim" hiến tặng được chuyển bằng máy bay từ TP HCM về Hà Nội. Với sự tham gia của hơn 40 y, bác sĩ thuộc nhiều đơn vị, sau ca ghép 8 giờ, "trái tim" của người hiến đã đập trong lồng ngực người nhận. Sau ghép, bệnh nhân nhận tim ổn định. Trước đó, Bệnh viện Phổi Trung ương cũng đã phối hợp với nhiều bệnh viện khác thực hiện thành công kỹ thuật ghép phổi, trong đó có ca bệnh ghép 2 lá phổi cho người đàn ông 56 tuổi ở Thanh Hóa được đánh giá là thành công toàn diện nhất tại Việt Nam với thời gian sống lâu nhất.
Nối dài sự sống cho hơn 7.600 người
TS-BS Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Ðiều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cho biết từ ca ghép thận đầu tiên cho bệnh nhân 40 tuổi suy thận giai đoạn cuối năm 1992 tại Bệnh viện Quân y 103 đến nay, nước ta đã có tới 25 trung tâm ghép tạng trải dài khắp đất nước, không chỉ ở các thành phố lớn Hà Nội, TP HCM mà còn phân bổ ở nhiều tỉnh, thành phố khác như: Phú Thọ, Nghệ An, Thanh Hóa... Hiện tại, cả nước đã thực hiện thành công hơn 7.600 ca ghép tạng, điều này đồng nghĩa với việc từng đó con người được nối dài sự sống. Hành trình nối dài sự sống ấy không chỉ hàng ngàn người được cứu sống mà chúng ta còn làm chủ được kỹ thuật ghép tạng khó như: ghép thận đến gan, tim, phổi, tụy...
(Còn tiếp)