Việt Nam có thể công bố hết dịch COVID-19

Ngọc Dung - Huy Thanh, Theo Người lao động 11:44 03/06/2023

Tình hình dịch COVID-19 hiện nay được đánh giá tương đối lạc quan, nhất là sau thời điểm Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch COVID-19. Bộ Y tế đánh giá quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn.

Đáp ứng phù hợp từng tình huống

Đợt dịch đầu tiên tính từ ngày 22-1 đến 22-7-2020. Hai ca bệnh đầu tiên là cha con người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam từ TP Vũ Hán.

Đợt 2 từ ngày 23-7-2020 đến 27-1-2021, có 35 bệnh nhân tử vong do bệnh lý nền nặng. Đợt 3 từ ngày 28-1 đến 26-4-2021 với 1.303 ca F0, không có trường hợp tử vong.

Với 3 đợt đầu, quy mô dịch nhỏ, số ca nhiễm ở mức độ thấp và Việt Nam áp dụng triệt để 5 nguyên tắc chiến lược để phòng chống là "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch - điều trị hiệu quả". Chính phủ đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp ở mức cao hơn, sớm hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); kịp thời ban hành các Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng, nhằm hướng dẫn các địa phương đáp ứng phù hợp với từng tình huống dịch bệnh.

Đợt 4 bắt đầu từ ngày 27-4-2021 và tới nay vẫn chưa công bố dừng. Bộ Y tế cho biết́ từ khi dịch COVID-19 bắt đầu xâm nhập Việt Nam đến nay, cả nước đã phát hiện hơn 11,6 triệu ca mắc, hơn 43.000 bệnh nhân tử vong.

Việt Nam có thể công bố hết dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Sau những cao điểm dịch COVID-19, gần đây du khách đã quay lại ở nhiều điểm đến. Trong ảnh: Du khách hào hứng ngắm TP HCM từ trên xe buýt mui trần (Ảnh: TẤN THẠNH)

Đợt thứ 4 bùng phát với sự xuất hiện của biến chủng Delta khiến các ca lây nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn, vượt nhiều so với dự báo. Số ca mắc và tử vong giảm mạnh sau khi Việt Nam thực hiện chiến dịch bao phủ vắc-xin COVID-19.

"Dự kiến cuối tuần này, Thủ tướng sẽ chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, xem xét chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch" - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Ngày 11-10-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đến cuối năm 2021, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới đạt tỉ lệ bao phủ vắc-xin COVID-19 cao nhất. Hiện nước ta đã tiêm hơn 266,4 triệu liều vắc-xin, với tỉ lệ bao phủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%.

Đầu tháng 4-2023, số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng trở lại, bệnh nhân nặng và tử vong cũng tăng. Tuy nhiên, Bộ Y tế khẳng định dịch vẫn được kiểm soát tốt.

Ngày 5-5, WHO tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Giữa tháng 5-2023, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ để chuyển dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A xuống nhóm B và công bố hết dịch. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế căn cứ khuyến cáo của WHO và tình hình thực tế tại Việt Nam, xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19 giai đoạn 2023 - 2025.

Chuyển sang nhóm B có gì khác?

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, bộ này đang phối hợp với các bộ, ngành rà soát những quy định của pháp luật, tham khảo kinh nghiệm các nước và rà soát các biện pháp thực tiễn triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế đang chủ trì cùng các bộ, ngành xây dựng hồ sơ để chuyển phân loại COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng - Bộ Y tế, cho biết Việt Nam đã thực hiện chiến lược "thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Dù chúng ta chưa chuyển đổi dịch COVID-19 sang nhóm B nhưng nhiều hoạt động đã thực hiện như nhóm B. Đó là việc mở cửa, không cấm đoán đi lại, du lịch, tổ chức hội họp, tổ chức sự kiện; không yêu cầu xét nghiệm bắt buộc, nới lỏng cách ly… để làm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội...

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Việt Nam hiện chỉ còn một số hoạt động coi COVID-19 là nhóm A, như: quy định giám sát dịch, chữa bệnh miễn phí cho người mắc COVID-19, tiêm vắc-xin miễn phí, chế độ cho người tham gia phòng chống dịch…

Về cơ bản, nếu chuyển COVID-19 sang nhóm B thì khi mắc COVID-19 sẽ không được miễn phí điều trị như trước. Hiện số ca mắc COVID-19 được công bố mỗi ngày vẫn khá cao so với đầu năm, bệnh nhân nặng phải điều trị còn nhiều. Do đó, chi phí điều trị sẽ được chi trả thế nào, cần sớm có tính toán phù hợp.

Một số ý kiến cho rằng dù dịch COVID-19 ở nước ta đang được kiểm soát tốt nhưng vẫn còn làn sóng dịch nhỏ và có thể xuất hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 trong thời gian tới. Do đó, người thuộc nhóm nguy cơ cao vẫn cần được bảo vệ, tiêm vắc-xin đầy đủ.

PGS-TS Trần Đắc Phu cho rằng nếu có xếp COVID-19 ở nhóm B cùng với các bệnh truyền nhiễm khác thì COVID-19 vẫn phải là bệnh có tính đặc thù. Bởi lẽ, WHO vẫn khuyến cáo các quốc gia cần thận trọng và chuyển từ việc phòng chống dịch khẩn cấp sang chiến lược kiểm soát dịch bền vững, lâu dài. Việt Nam cần có chính sách, kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, để có đáp ứng phù hợp, không bất ngờ; vừa kiểm soát được dịch trong mọi tình huống vừa không để tốn kém, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người dân.

Đã đủ các điều kiện

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho biết từ giữa năm 2022, ông đã phát biểu trên diễn đàn Quốc hội, đề nghị nên xét công bố hết đại dịch COVID-19, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế chuẩn bị hồ sơ chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B và công bố hết dịch tại Việt Nam...

Từ thực tiễn chống dịch, ông Hiếu cho rằng Việt Nam có thể yên tâm công bố hết dịch COVID-19 vì đã đủ các điều kiện. Điều kiện đầu tiên là tỉ lệ bệnh nặng do COVID-19 gây ra hầu như không còn. Những ca tử vong chủ yếu do bệnh nền nặng mà mắc COVID-19. Điều đó cho thấy COVID-19 vẫn còn lây nhiễm cho cộng đồng nhưng không còn nguy hiểm, gây tử vong cao.

Điều kiện thứ hai là Việt Nam đã đạt được tỉ lệ bao phủ vắc-xin rất rộng. Chúng ta đã có 266 triệu liều vắc-xin. Người trên 12 tuổi được tiêm đủ 2 mũi cơ bản. Mũi thứ 4 đã được tiêm cho người từ 18 tuổi có nguy cơ cao.

Điều kiện thứ ba là tình hình dịch COVID-19 trên thế giới đã ổn định. Đầu tháng 5-2023, WHO đã tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Đây là 3 điều kiện cơ bản và cần thiết để Việt Nam chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Lúc ấy, cần xem COVID-19 như bệnh lý chuyên khoa và xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Việc chi trả cũng cần như các bệnh lý chuyên khoa khác, nghĩa là do BHYT chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.

Không còn nguy hiểm

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cho biết từ ngày 31-5 đến 1-6, TP HCM ghi nhận 20 ca mắc COVID-19, trong đó 11 ca nhập viện. Hiện có 143 ca COVID-19 đang điều trị, trong đó 56 ca cần hỗ trợ hô hấp. Xu hướng ca COVID-19 được xác định cũng như số ca nhập viện và cần hỗ trợ hô hấp từ ngày 12-5 đến 1-6 đều giảm.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM - nơi tập trung điều trị COVID-19 trên địa bàn TP, mỗi ngày có trung bình 20 bệnh nhân nhập viện, hầu hết là người lớn tuổi và mắc bệnh nền. Các bác sĩ khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện nghiêm túc thông điệp V2K (khử khuẩn, khẩu trang và tiêm vắc-xin), đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ.

Thượng tá, bác sĩ chuyên khoa II Vũ Đình Ân - Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Quân y 175 - nhận định COVID-19 không còn nguy hiểm như trước bởi virus SARS-CoV-2 đã nhiều lần đột biến, mỗi lần như vậy độc lực cũng giảm. Bằng chứng là từ biến chủng Alpha rất nặng, đến nay là biến chủng Omicron đã rất nhẹ nhàng. Tại Bệnh viện Quân y 175, trung bình có khoảng 10-15 bệnh nhân nhập viện mỗi ngày điều trị COVID-19, hầu hết là người lớn tuổi, có bệnh nền.

Theo bác sĩ Ân, COVID-19 khi chuyển sang nhóm B, việc điều trị cũng sẽ như các bệnh thông thường khác, không đáng lo ngại bởi hiện nay hầu hết mọi người đều sử dụng BHYT. Vì vậy, các chi phí này vẫn sẽ được BHYT thanh toán. Việc chuyển COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B là theo xu thế của thế giới, bởi WHO đã công bố bệnh này không còn nằm trong tình trạng khẩn cấp. Do đó, nếu Việt Nam chuyển COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B thì chúng ta nên xem đây là điều đáng mừng.

Trong khi đó, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng - Trường ĐH Y Dược TP HCM, nhận xét COVID-19 hiện nay cũng giống như cảm cúm, cúm mùa. Tuy nhiên, khi mắc bệnh, tốt nhất vẫn nên cách ly với người khác. Nếu không thể cách ly thì nên đeo khẩu trang, khử khuẩn và giữ khoảng cách để tránh lây lan cho người khác. Việc chuyển COVID-19 xuống nhóm B, theo ông Dũng, không còn là vấn đề y tế lớn của Việt Nam bởi đa số người dân đã được tiêm ngừa và có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan... Do đó, có thể xem COVID-19 như bệnh thông thường.

H.Yến