Nghe đến nhân sâm, hẳn nhiều người nghĩ ngay đến Hàn Quốc. Quốc gia này bên cạnh cái tên "xứ sở kim chi" còn được mệnh danh là "xứ củ sâm", vì họ sở hữu loại hồng sâm nổi tiếng thế giới, cùng ngành công nghiệp trồng nhân sâm cực kỳ phát triển.
Nhưng Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất có nhân sâm. Trung Quốc, Triều Tiên cũng có được thứ "rễ cây" quý hiếm và đắt tiền này. Thậm chí, ngành trồng nhân sâm hiện cũng đang phát triển và nhân rộng ra những quốc gia tại châu Âu hoặc châu Mỹ.
Hồng sâm Hàn Quốc
Tuy nhiên, nếu xét đến những củ sâm quý hiếm, bổ dưỡng và đắt tiền nhất, phải kể đến Việt Nam của chúng ta. Nước ta được thiên nhiên ban tặng một loại nhân sâm siêu quý hiếm, bổ dưỡng thậm chí hơn cả sâm Hàn Quốc, và tất nhiên đi kèm là một cái giá cũng "đẹp" không kém. Đó là sâm Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh - nhân sâm tiền tỉ của Việt Nam
Sâm Ngọc Linh - còn gọi là nhân sâm Việt Nam có tên khoa học là Panax vietnamensis, là loại sâm rất quý được tìm thấy ở các tỉnh miền Trung Trung Bộ. Phát hiện vào những năm 70 của thế kỷ trước, đây là loại sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới.
Bình đựng rượu ngâm sâm Ngọc Linh
Thân cây có dạng thân kí sinh thẳng đứng, có màu lục hoặc tím với đường kính khá nhỏ chỉ khoảng từ 4-8mm.
Sâm Ngọc Linh chỉ tồn tại ở trên núi, ở độ cao từ 1.200m trở lên, và phải tốn đến 10 năm để trưởng thành. Sâm Ngọc Linh lâu năm thì thường có hoa và quả mọc tập trung ở trung tâm của tán lá, khi chín ngả màu đỏ cam với một chấm đen không đều ở đỉnh quả.
Cây sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên
Loại nhân sâm này từ lâu đã được xem là báu vật đối với đồng bào các dân tộc Xơ-đăng (tiếng Pháp: Sedangs), được họ sử dụng để bồi bổ và chữa được nhiều loại bệnh thường gặp.
Đây cũng là một trong những loại nhân sâm có giá đắt đỏ nhất hiện nay. Ước tính, sâm Ngọc Linh tự nhiên có giá lên tới hàng trăm triệu đồng/kg, thậm chí là cả tỉ đồng nếu như tìm được củ sâm có niên đại hàng trăm năm.
Tại sao sâm Ngọc Linh lại siêu đắt?
Nhân sâm đắt thì là chuyện ai cũng biết rồi. Vì chúng có rất nhiều thành phần bổ dưỡng: acid amin, acid béo, nguyên tố đa vi lượng, và đặc biệt nhiều chất chống oxy hóa. Nhưng sau tất cả, nhân sâm đắt là vì chúng chứa một hoá chất mang tên saponin.
Saponin trong tự nhiên không chỉ có trong nhân sâm, mà còn có ở một số loại thực vật khác. Nó hoạt động như một loại kháng sinh tự nhiên, giúp cây trồng chống lại vi khuẩn ngoại xâm.
Củ sâm Ngọc Linh khi mới đào lên
Còn khi vào đến cơ thể, saponin sẽ sản sinh ra một số hoạt chất mang tên ginsenoside. Chất này tăng cường trực tiếp đến hệ miễn dịch, hệ chuyển hóa, nội tiết và cả hệ thần kinh trung ương, giúp cơ thể hoạt động cực kỳ hiệu quả.
Hay nói cách khác, saponin giúp thanh lọc mạch máu và cơ quan giống như được rửa bằng xà bông (Saponin xuất phát từ Sapona trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là xà phòng).
Nhưng saponin trong nhân sâm lại là những loại vô cùng đặc biệt, có công dụng mạnh hơn rất nhiều so với các loại cây thông thường. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng nhân sâm có thể chữa được cả ung thư. Và đó chính là lý do vì sao nhân sâm là một trong những dược liệu được ưa chuộng nhất trên thế giới.
Giờ tiếp tục đến câu chuyện về sâm Ngọc Linh. Trước tiên, ta cần biết rằng hồng sâm của Hàn Quốc và Triều Tiên là 2 loại sâm thượng hạng của thế giới, có chứa khoảng 25 loại saponin (sâm tươi), hoặc 32 loại saponin (sâm khô) khác nhau.
Còn theo ghi nhận từ Bộ Y tế Việt Nam, sâm Ngọc Linh có tới... 52 loại saponin, trong đó có 26 loại chưa được xác định. Chính yếu tố này đã đưa sâm Ngọc Linh thành loại sâm có hàm lượng saponin lớn nhất thế giới. Ngoài ra, trong sâm Ngọc Linh có tới 14 acid béo, 16 acid amin (trong đó có 8 acid amin không thay thế được) và 18 nguyên tố đa vi lượng.
Cũng vì quý hiếm và nhiều công dụng thực tiễn, nhu cầu tiêu thụ sâm Ngọc Linh tăng cao, và đương nhiên kéo theo sự khai thác quá đà của con người. Loại sâm này mất tới 10 năm để trưởng thành, nên chẳng mấy chốc đã rơi tình cảnh có nguy cơ tuyệt chủng cực cao. Vậy là đã hiếm nay càng hiếm hơn, giá sâm Ngọc Linh cũng theo đó mà tăng phi mã, có khi hơn sâm Hàn Quốc tới cả chục lần.
Nhân sâm không phải thần dược
Đúng là không thể phủ nhận công dụng đại bổ của nhân sâm, nhưng đây không phải là thần dược chữa được bách bệnh, và có những bệnh ăn nhân sâm vào có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.
Đầu tiên, khi sử dụng kèm nhân sâm khi uống thuốc có thể làm mất tác dụng của thuốc. Theo một số báo cáo, đã từng ghi nhận những trường hợp dùng nhân sâm bị táo bón, mất ngủ, đau đầu, loạn nhịp tim, loạn huyết áp.
Thậm chí, ngay trong dân gian Việt Nam cũng có câu: "Phúc thống phục nhân sâm tắc tử" - đau bụng uống nhân sâm thì chết. Câu này thực chất chưa đủ, vì đau bụng - phúc thống - ở đây nhằm chỉ những người đau bụng thuộc "thể hàn": tiết tả, tiêu chảy, đầy bụng, trướng bụng... Nhân sâm cũng mang tính hàn, nên khi gặp loại bệnh này mà ăn nhân sâm sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, các chuyên gia cho biết những người huyết áp không ổn định cũng không nên dùng nhân sâm, vì sâm lúc đầu sẽ kích thích tim, làm tăng huyết áp, nhưng sau đó lại hạ. Nếu bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp, việc tăng huyết áp đột ngột có thể dẫn đến tai biến mạch máu não.
Người hay mất ngủ nhưng sức khỏe yếu mà muốn dùng sâm nên dùng buổi sáng với liều lượng thấp.
Trẻ em cơ thể yếu, kém ăn, chậm phát triển về thể lực và tinh thần có thể dùng nhân sâm, song không nên quá lạm dụng vì sẽ làm cho trẻ dậy thì sớm.
Nguồn: Healthline, Smithsonian