Việc biếu tiền bố mẹ trở thành gánh nặng với nhiều người: Không phải ai từ thành phố lớn trở về cũng có thu nhập ổn định

Rika, Theo Trí Thức Trẻ 14:45 03/05/2022

Không biết từ bao giờ, chuyện quà cáp bỗng trở thành áp lực tài chính với người trẻ.

01.

Mỗi kỳ nghỉ dài ngày, dịp lễ Tết mình đều háo hức trở về nhà. Từ khi 18 tuổi, mình đã chuyển đến một thành phố xa lạ, học cách tự lập và có cuộc sống một mình. Cho đến bây giờ khi đã 25 tuổi, đã 7 năm trôi qua, mình dần quen với cuộc sống ở nơi đất khách quê người, song vẫn không giảm đi cảm giác mong ngóng được về nhà. Nhớ gia đình, nhớ bạn bè, nhớ cảnh vật xung quanh, nhớ cả những món ăn bình dị mà kể cả thành phố lớn cũng chẳng thể có hương vị ấy. Nhưng mình dần cảm thấy có chút áp lực khi trở về quê những dịp nghỉ lễ, bởi vì những kỳ vọng về món quà từ người thân ngày càng cao.

Thu nhập hiện tại của mình dao động từ 20-25 triệu, mình tự cảm thấy rằng nó là 1 con số rất ổn với đối với độ tuổi cũng như kinh nghiệm của mình. Không sống với gia đình, nhưng vẫn được bố mẹ gửi đồ ăn, hẳn người con xa xứ nào cũng hiểu cảm giác này. Không có nhu cầu gì nhiều với cuộc sống, cho nên chi tiêu cũng theo đó mà không quá nhiều. Vì vậy, mỗi tháng mình có thể tích luỹ 40-50% thu nhập.

Chuyện áp lực từ việc tặng và biếu quà không chỉ là vấn đề tài chính, mà còn là do những định kiến và truyền thống của gia đình mình. Đôi lúc, mình không biết như thế nào là đủ và luôn "bị" đưa ra để so sánh.

Việc biếu tiền bố mẹ trở thành gánh nặng với nhiều người: Không phải ai từ thành phố lớn trở về cũng có thu nhập ổn định - Ảnh 1.

02.

Đương nhiên về lý thuyết thì việc biếu hay tặng quà người thân không phải là thứ bắt buộc. Song, đó là những người mình yêu thương, tặng quà là một trong những cách làm gia đình vui, mình cũng được "hưởng lây" cảm giác đó, rất tuyệt vời. Hơn thế nữa, cảm giác sẽ vô cùng thành tựu sau một khoảng thời gian học tập và làm việc chăm chỉ, mình có thể tự mua tặng một món quà nhỏ cho ông bà và bố mẹ.

Tuy nhiên, khi cuộc sống ngày càng hiện đại hơn và kinh tế phát triển, đôi lúc sự chân thành của mình được đong đếm bằng giá trị ước tính trên vật chất của 1 món quà. Không khó để nghe những câu hỏi "Lễ này con gái chị đưa về số tiền bao nhiêu?" hay "Có tặng cho bố mẹ món quà nào đắt tiền không?" từ những người hàng xóm. Bằng một cách nào đó, vô hình chung cũng có sự cạnh tranh giá trị quà cáp trong chính anh chị em họ.

Những bài đăng trên MXH dịp lễ từ bạn bè của bố mẹ hẳn là thứ khiến mình áp lực nhất. Chẳng hạn như một bạn mới bằng tuổi mình đã tặng cho bố mẹ cả 1 chiếc xe máy hay thậm chí chiếc xe ô tô, những tài sản với giá trị vô cùng lớn, có thể bằng vài tháng cho đến vài năm thu nhập của mình. Những câu so sánh bâng quơ, vô thưởng vô phạt nhưng lại làm mình suy nghĩ thật nhiều. Liệu có phải những món quà mình tặng thật sự chẳng có ý nghĩa gì?

Việc biếu tiền bố mẹ trở thành gánh nặng với nhiều người: Không phải ai từ thành phố lớn trở về cũng có thu nhập ổn định - Ảnh 2.

Mặt khác, không khó để thấy hiện nay một bộ phận giới trẻ chi mạnh tay cho những điều mình thích, cốc trà sữa, chiếc laptop hay những tấm "thẻ bo góc" mà người lớn chẳng thể nào hiểu được nó có ý nghĩa gì. Câu hỏi được đặt ra sẽ là "Tại sao có thể dành vài chục triệu cho 1 chuyến du lịch hay card bo góc idol, nhưng mua món đồ cho gia đình thì thấy áp lực?"

Có 1 sự thật rằng để dành tiền để đi du lịch hay mua "thẻ bo góc" cũng sẽ bị áp lực đặc biệt về tài chính. Đó không phải là những suy nghĩ trong một thoáng lướt qua liền có thể "quẹt thẻ" chi tiền ngay, trừ khi đó là những người rất giàu. Và không phải một người trẻ nào cũng chi tiêu cho những điều đó.

Mình quen không ít bạn từng phải vay mượn để có thể mua được 1 món quà tặng cho gia đình, người thân vào ngày lễ. Đôi lúc nó có thể lên đến 1-2 tháng lương, làm việc vất vả mới có được. Trong khi đó, bạn thậm chí còn không có chi tiêu cho bản thân, chẳng qua mới ra trường thu nhập không cao nên để tích lũy mua hay gửi số tiền lớn về cho bố mẹ quả thật rất khó khăn. Nhưng bạn ấy vẫn phải "cắn răng" đi vay mượn chỉ để làng xóm, người thân không chê cười, bố mẹ không lo lắng hay mất mặt trước người quen.

03.

Mình không biết từ lúc nào, câu chuyện quà cáp, tưởng như đem lại niềm vui cho cả người nhận lẫn người đi tặng lại trở nên áp lực đến như vậy. Mình luôn quan niệm rằng món quà là để thể hiện sự chân thành và tình cảm đến những người thân yêu. Song, mình cũng nhận ra nó đang được quy đổi ra từng đồng trong thế giới vô cùng vật chất như hiện tại.

Mình không đánh đồng nó trong mọi gia đình, làng xóm, thành phố hay xã hội chúng ta đang sống. Song, có một sự thật rằng, nó đang len lỏi ngày càng lớn hơn trong cuộc sống. Gia đình mình chưa từng áp lực chuyện quà cáp lên con cháu, nhưng mình vẫn vô hình chung vì dòng chảy của cuộc sống này mà cảm thấy có chút áp lực. Mình thật sự không tưởng tượng được với những người cùng trang lứa sẽ ra sao.

Việc biếu tiền bố mẹ trở thành gánh nặng với nhiều người: Không phải ai từ thành phố lớn trở về cũng có thu nhập ổn định - Ảnh 3.

Đồng ý rằng nó là một truyền thống rất tình cảm, một cách để thể hiện tình yêu với những người mình yêu thương. Tuy nhiên, đừng để nó trở thành 1 gánh nặng tài chính giống như câu chuyện của cô bạn mình. Không phải ai từ thành phố lớn trở về cũng có một thu nhập ổn định. Không phải người trẻ nào cũng chỉ chi tiêu cho bản thân mình. Không phải ai cũng cảm thấy mọi lời so sánh là "gió thoảng mây bay". Hãy để món quà làm công việc của nó, trở thành một vật để gửi tình yêu đến những người được nhận.

Ảnh: Tổng hợp

https://kenh14.vn/viec-bieu-tien-bo-me-tro-thanh-ganh-nang-voi-nhieu-nguoi-khong-phai-ai-tu-thanh-pho-lon-tro-ve-cung-co-thu-nhap-on-dinh-20220503103736478.chn