Vị trí thật của bảng xếp hạng đại học: Khó xếp hạng chuẩn khi dữ liệu chưa chuẩn

Nghiêm Huê, Theo Tiền Phong 16:05 21/02/2023

Điều khó nhất khi thực hiện xếp hạng các trường đại học tại Việt Nam chính là nguồn dữ liệu. Chính vì vậy nên dường như chưa một bảng xếp hạng nào trên thế giới có thể làm "hài lòng" các nhà khoa học, các nhà chuyên môn của Việt Nam.

VNUR (Viet Nam’s University Rankings) của nhóm chuyên gia Việt Nam vừa đưa ra bảng xếp hạng top 100 trường đại học (ĐH) Việt Nam năm 2023.

Vị trí thật của bảng xếp hạng đại học: Khó xếp hạng chuẩn khi dữ liệu chưa chuẩn - Ảnh 1.

VNUR tiến hành việc xếp hạng các trường ĐH thông qua thu thập và xử lý số liệu theo 6 tiêu chuẩn (criteria), bao gồm 17 chỉ số (indicators) quan trọng được định cỡ (calibrated) nhằm tạo được sự đối sánh toàn diện và cân bằng nhất.

6 tiêu chuẩn gồm: chất lượng được công nhận; dạy học; công bố bài báo khoa học; nhiệm vụ khoa học công nghệ và Sáng chế; chất lượng người học; cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, kết quả xếp hạng được đưa ra, cũng giống như các bảng xếp hạng trên thế giới, VNUR cũng nhận được nhiều ý kiến băn khoăn.

PGS.TS Nguyễn Viết Thái, giảng viên Trường ĐH Thương Mại, cho rằng đến nay vẫn khó có một bảng xếp hạng các trường ĐH Việt Nam đủ uy tín, bởi khó có nền dữ liệu tổng thể khách quan, chính xác.

Theo đánh giá của PGS Nguyễn Viết Thái, VNUR về cơ bản cũng đã tiếp cận theo các tiêu chí của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là phương pháp đánh giá và chất lượng nguồn thông tin, số liệu được thu thập để xét các tiêu chí đó có đảm bảo.

Thậm chí, theo ông Thái, kể cả khi nguồn dữ liệu lấy trên website của các trường cũng chưa chắc đã cập nhật một cách chính xác, thậm chí có nhiều sai sót.

Ví dụ ĐH Quốc gia Hà Nội có gần 60.000 sinh viên, nhưng con số mà VNUR lấy vào chưa đến 50.000 em.

"Có thể thấy, rõ ràng các tiêu chí tính trên đầu sinh viên sẽ được tính cao hẳn so với thực tế. Hay như số lượng giảng viên, có thể thực tế rất ít nhưng các trường khai báo 'vống' vì tính cả số hợp đồng. Khi không thể kiểm soát được con số giảng viên cơ hữu của các trường thì không ngoại trừ khả năng một giảng viên được tính đăng ký cho mấy trường. Còn nếu chỉ điểm mặt có tên nhưng thực tế không phục vụ giảng dạy cho trường đó thì xếp hạng gần như cũng chẳng có ý nghĩa. Đó là chưa kể đến việc thực hiện đánh giá số lượng trích dẫn, bài báo quốc tế của một trường ĐH", ông Thái nói.

Đồng thời chỉ ra rằng nếu chỉ dựa vào công bố thông tin trên website của các trường thì thực sự không ổn, bởi câu chuyện là con số đó có đúng hay không.

Dữ liệu chuẩn sẽ xếp hạng chuẩn

Để có được xếp hạng các trường ĐH Việt Nam, theo ông Thái, cần có một hệ thống cơ sở dữ liệu toàn quốc tốt và phải liên thông, cập nhật được với dữ liệu của các trường.

Điều này cũng tương tự như hệ thống tuyển sinh ĐH, khi số sinh viên thực tế nhập học bao nhiêu sẽ hiện lên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT và các trường không thể báo cáo sai.

Vị trí thật của bảng xếp hạng đại học: Khó xếp hạng chuẩn khi dữ liệu chưa chuẩn - Ảnh 2.

Top 100 trường ĐH Việt Nam được VNUR chia theo nhóm ngành. Nguồn: VNUR

Ông Thái cho rằng, nếu không giải quyết được vấn đề này, việc xếp hạng lại khiến các trường sa vào cuộc chạy đua tốn kém và vô bổ, chỉ làm giàu cho các tổ chức xếp hạng.

TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM mong Việt Nam có một trang đánh giá riêng để hiểu rõ về ĐH Việt Nam và Cục Quản lý chất lượng sẽ hiểu rất rõ về chất lượng của từng trường. Nếu tầm quốc tế có các tổ chức danh tiếng như THE, QS và Shanghai ranking (các bảng xếp hạng nổi tiếng - PV) thì nhiều tổ chức khác chỉ mang tính tham khảo. Bản thân mỗi trường sẽ biết mình ở mức độ nào nhưng cũng nên có xếp hạng chuẩn cho Việt Nam vì đó cũng là động lực để phấn đấu, thay đổi và định hướng vươn tầm ra thế giới.

Với VNUR, TS Trần Đình Lý băn khoăn là có sự "vênh" đáng kể thứ hạng của một số trường so với bảng xếp hạng của Webometrics công bố đầu năm 2023. Vẫn biết tiêu chí xếp hạng chi tiết mỗi tổ chức đánh giá sẽ khác nhau nhưng nói tới ĐH là có điểm chung liên quan đến chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng nên không thể có kết quả quá chênh lệch như vậy.

Được biết, VNUR-2023 đã tiến hành rà soát tất cả 237 cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam thông qua việc xử lý dữ liệu thông tin rất lớn bao gồm các Báo cáo 3 công khai, các Đề án tuyển sinh, các dữ liệu về xếp hạng (ranking), kiểm định (accreditation), định hạng (rating) vào năm 2022 của Bộ GD&ĐT, QS, THE, QS Stars, UPM, dữ liệu của Web of Science trong giai đoạn 5 năm (2018-2022), dữ liệu về hoạt động khoa học công nghệ và sáng chế của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với nhiều thông tin được tham khảo có chọn lọc trên các trang web có liên quan.

Tổng cộng có 191 trường có đầy đủ số liệu để thực hiện xếp hạng. Việc xếp hạng được thực hiện thông qua chỉ số gồm 6 tiêu chuẩn và 17 tiêu chí được lựa chọn, phản ánh khá toàn diện các chức năng hoạt động cơ bản của các cơ sở giáo dục ĐH như đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.