Mùa hè - khoảng thời gian từng được xem là kỳ nghỉ dài mệt mỏi với nhiều phụ huynh nay đang trở thành "mùa trưởng thành" của con trẻ. Không còn vội vã xếp lịch học thêm, nhiều gia đình lựa chọn cho con tham gia các khoá trại hè kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Các khoá này tập trung vào phát triển kỹ năng mềm, thể chất, tư duy sáng tạo, khả năng ngôn ngữ hoặc khám phá thiên nhiên.
Sự thay đổi này cho thấy một bước chuyển lớn trong tư duy nuôi dạy con: từ chỗ ưu tiên "nhồi kiến thức" sang chú trọng phát triển toàn diện, cả về tinh thần lẫn kỹ năng sống. Với nhiều cha mẹ, trại hè không chỉ đơn thuần là hoạt động ngoại khoá, mà đã trở thành phần thiết yếu trong hành trình khôn lớn của con, giúp con có cơ hội "ngắt kết nối" khỏi bài vở, mạng xã hội để được thực sự sống, chơi, học và trưởng thành từng ngày.
Muôn hình vạn trạng hình thức trại hè
Không ít người còn gọi vui rằng "mỗi mùa hè là một lần con va chạm với đời thực" và chính nhờ những va chạm nhỏ ấy, trẻ học cách thích nghi, hợp tác, giải quyết vấn đề và phát triển bản lĩnh cá nhân. Vì thế, không khó hiểu khi chỉ trong vài năm trở lại đây, các khoá trại hè bỗng nở rộ như nấm sau mưa.
Các khoá trại hè ngày càng nở rộ như nấm sau mưa.
Theo ghi nhận từ một số đơn vị tổ chức trại hè tại Hà Nội, số lượng học sinh đăng ký tham gia các khoá hè trong năm 2025 đã tăng gấp 1,5 – 2 lần so với năm ngoái. Phổ biến nhất là các chương trình kéo dài từ 3 ngày đến 3 tuần, mức học phí dao động rộng từ khoảng 2 triệu đến hơn 50 triệu đồng, tuỳ thuộc vào nội dung và địa điểm tổ chức (trong nước hay quốc tế).
Hiện nay, thị trường trại hè khá đa dạng, phù hợp với mọi lứa tuổi và ngân sách. Có thể chia thành 3 nhóm chính:
1. Trại hè kỹ năng sống phát triển cá nhân:
Phổ biến nhất với học sinh tiểu học và THCS, các khoá này tập trung rèn luyện kỹ năng sinh tồn, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết tình huống, phản xạ với các tình huống bất ngờ. Trẻ được học cách tự gấp quần áo, nấu ăn, nói chuyện trước đám đông, quản lý thời gian…
Thay vì chỉ "nhồi kiến thức", cha mẹ giờ chú trọng phát triển toàn diện cho con.
Các khoá kỹ năng thường tổ chức ở ngoại ô thành phố hoặc các khu sinh thái, nông trại. Học phí dao động từ 2 - 8 triệu đồng/khoá kéo dài 3 - 7 ngày. Một số đơn vị uy tín như iLead, KidVenture, EcoCamp… có hệ thống bài bản, đội ngũ huấn luyện viên chuyên nghiệp và tiêu chuẩn an toàn cao.
2. Trại hè học thuật hoặc định hướng nghề nghiệp:
Phù hợp với trẻ từ 10 tuổi trở lên. Các chương trình tập trung vào các nhóm kỹ năng như STEM (robotics, lập trình, toán tư duy), ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học, hùng biện, báo chí, sáng tạo nghệ thuật hoặc mô phỏng nghề nghiệp (phi công, nhà thiết kế, bác sĩ…).
Nhiều khoá trại liên kết với các trường quốc tế, đại học danh tiếng hoặc trung tâm nghiên cứu. Giá thành cao hơn, từ 10 - 30 triệu đồng/khoá. Trẻ được định hướng nghề nghiệp sớm và khám phá năng lực tiềm ẩn của bản thân trong môi trường cởi mở, sáng tạo.
3. Trại hè quốc tế/du học trải nghiệm ngắn hạn:
Trẻ được học tập và sinh hoạt tại các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Úc, Mỹ, Canada… trong thời gian từ 2 - 4 tuần. Các chương trình này tích hợp học ngoại ngữ, giao lưu quốc tế, thăm trường học, trải nghiệm văn hoá bản địa và các chuyến đi thực địa. Giá dao động từ 60 - 150 triệu đồng/khoá, tuỳ theo quốc gia và đơn vị tổ chức.
Nhiều phụ huynh mạnh tay bỏ ra gần trăm triệu đồng để con được trải nghiệm.
Vì sao cha mẹ lại "chuộng" trại hè đến thế?
Trẻ em ngày nay, dù sống trong một xã hội hiện đại nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức chưa từng có từ việc quá lệ thuộc vào công nghệ cho đến lịch học dày đặc quanh năm. Một ngày của nhiều học sinh tiểu học bây giờ chẳng khác gì người lớn: sáng đến trường, chiều học thêm, tối làm bài tập và xen kẽ là điện thoại, máy tính bảng, TikTok và YouTube. Lâu dần, mùa hè cũng trở nên "giả mùa hè" khi con trẻ chẳng được thực sự nghỉ, còn cha mẹ thì quay cuồng với lịch gửi con học, đưa đón. Và câu hỏi lớn được đặt ra: Làm sao để con vừa không chán vừa không bị tụt lại?
Trong bối cảnh đó, trại hè xuất hiện như một cách để những đứa trẻ được "ngắt kết nối" khỏi thế giới số và kết nối lại với chính mình. Nhiều chương trình trại hè hiện nay thậm chí quy định rất rõ không mang theo điện thoại, không dùng thiết bị điện tử, không có sóng wifi. Ban đầu, điều đó khiến không ít bạn nhỏ khó chịu, nhưng rồi chỉ sau vài ngày, các em nhanh chóng thích nghi và… không muốn rời xa.
"Con tôi về kể rằng không được cầm điện thoại suốt 5 ngày đầu tiên. Lúc đầu còn khó chịu, nhưng sau con quen và lại thấy thích. Buổi tối cả đoàn đốt lửa trại, kể chuyện, chơi trò chơi. Tôi nghe mà vừa bất ngờ vừa xúc động", chị Bích Vân (Hà Nội) kể.
Trại hè tạo điều kiện để trẻ được "ngắt kết nối" khỏi thế giới số.
Tương tự, chị Lưu Phương (Phú Thọ) chia sẻ: "Tôi cho con tham gia khóa trại hè 7 ngày của trường quốc tế, không mang điện thoại, tự sắp xếp sinh hoạt, ngủ tập thể, có các hoạt động làm việc nhóm. Về nhà, con không còn mè nheo mỗi sáng, biết gấp quần áo, còn dặn bố mẹ là muốn đi lần nữa. Tôi nghĩ, đó là điều mà những lớp học thêm hè khó mang lại được".
Câu chuyện của hai người mẹ trên không phải là cá biệt. Thực tế, trại hè càng khắt khe với mạng xã hội, trẻ lại càng học được cách sống chậm, cảm nhận môi trường xung quanh và đặc biệt là giao tiếp thật sự với người thật, việc thật. Từ một đứa trẻ quen nói chuyện bằng biểu tượng cảm xúc, con bạn có thể trở thành người dám giơ tay phát biểu, biết nhìn vào mắt người khác khi trò chuyện, hay chủ động hỏi thăm bạn mới. Những thay đổi nhỏ ấy, với nhiều cha mẹ, còn quý hơn cả điểm 10 môn Toán.
Không dừng lại ở việc giúp con "cai nghiện công nghệ", các trại hè còn mang đến điều mà sách vở hiếm khi dạy như bản lĩnh, lòng tự tin và kỹ năng sống độc lập. Rất nhiều phụ huynh từng đi học hè từ bé, từng dành trọn mùa hè trong lớp Toán - Văn - Anh để mong có một suất trường chuyên, lớp chọn, giờ lại thành thật với chính mình rằng: "Giá như ngày xưa, mình cũng được trải nghiệm như con bây giờ".
"Sau khoá trại hè, con tôi không còn sợ ngủ một mình, không nhút nhát khi nói chuyện với người lạ. Đó là những thay đổi mà tôi rất biết ơn", anh Đức Tùng (Sơn La) chia sẻ.
Nhiều cha mẹ nhận thấy rõ sự "lớn lên" của con sau mỗi mùa hè.
Sự "lớn lên" sau mỗi mùa hè của con chính là điều mà nhiều cha mẹ đang tìm kiếm như một hình thức giáo dục bằng trải nghiệm, bằng va chạm thật chứ không phải thông qua điểm số. Trại hè vì thế trở thành nơi mà con được thử - sai - học trong môi trường an toàn, có người hướng dẫn và có bạn đồng hành.
Trại hè còn là giải pháp cực kỳ thực tế cho phụ huynh bận rộn. Với kỳ nghỉ hè kéo dài đến hơn 2 tháng, không phải ai cũng có thể thu xếp gửi con về quê, hoặc xin nghỉ làm để trông con cả ngày. Những khoá trại 5 - 10 ngày, hoặc dài hơn, vừa giúp trẻ tránh cảnh "chán như ở nhà tù", vừa giúp phụ huynh có không gian thở. Thay vì suốt ngày lo: "Không biết con có ăn uống đàng hoàng không?", hay "Lại ngồi ôm điện thoại rồi ngủ trưa đến chiều mất", nhiều bố mẹ thở phào vì con đang ở một nơi an toàn, vui vẻ, và trưởng thành hơn từng ngày.
Tuy nhiên, không phải trại nào cũng "đúng nhu cầu"
Dù xu hướng trại hè đang ngày càng được ưa chuộng, nhưng phụ huynh cũng cần cân nhắc khi lựa chọn điểm đến cho con. Chị Thuỳ Linh (Hà Nội) cho biết: "Tôi từng cho con tham gia một trại hè quảng cáo rất hấp dẫn, nhưng thực tế hoạt động đơn điệu, ăn uống tạm bợ, giáo viên ít quan tâm học sinh. Sau lần đó, tôi kỹ càng hơn khi chọn đơn vị tổ chức".
Cha mẹ cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn điểm đến cho con.
Theo các chuyên gia giáo dục, phụ huynh nên lưu ý các yếu tố sau khi chọn trại hè cho con:
- Tìm hiểu kỹ về đơn vị tổ chức: có giấy phép, kinh nghiệm, phản hồi từ các khoá trước không?
- Chất lượng nội dung: có phù hợp với độ tuổi và mục tiêu của trẻ không?
- Số lượng học sinh - người hướng dẫn: tỷ lệ quá đông có thể làm giảm hiệu quả chăm sóc và theo sát.
- An toàn và y tế: có đội ngũ phản ứng nhanh, chính sách bảo hiểm, y tế đi kèm không?
Ngoài ra, việc lắng nghe mong muốn thực sự của trẻ, không ép buộc trẻ tham gia những khoá mà trẻ không hào hứng cũng là điều quan trọng. Hè là dịp để con được sống đúng với tuổi thơ, không nên biến nó thành "học kỳ 3".
Việc cho con đi trại hè không chỉ đơn thuần là một giải pháp thay thế lớp học thêm, mà còn là một triết lý nuôi dạy mới: tôn trọng trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng, tăng cường khả năng thích nghi. Mỗi mùa hè trôi qua có thể là một bước ngoặt nho nhỏ để con trưởng thành hơn, tự lập hơn và hiểu chính mình hơn. Và với nhiều phụ huynh hiện đại, đó mới chính là điều quan trọng nhất.