Vì sao số ca tử vong vì COVID-19 ở Ấn Độ chưa giảm?

Phan Tùng, Theo VOV 09:15 12/06/2021
Chia sẻ

Một kỷ lục đáng buồn lại được xác lập tại Ấn Độ trong làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ hai này, với hơn 6.100 người tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ, được báo cáo vào sáng 10/6.

Ngày 10/6 - thời điểm Ấn Độ chính thức lập kỷ lục thế giới về số ca COVID-19 tử vong trong vòng 24 giờ, quốc gia Nam Á này cũng xác nhận tổng số ca tử vong trong đợt dịch thứ hai vượt qua mốc 200.000 người.

Điều nghịch lý là trong khi số người mắc mới theo ngày giảm mạnh tại Ấn Độ, nhưng người ta vẫn chứng kiến số người chết vì dịch bệnh ở mức rất cao. Cơn "sóng thần" thứ hai đang lắng dịu ở Ấn Độ nhưng cũng để lại những hậu quả ngoài dự báo.

Nguyên nhân của sự đột biến về số người chết là do bang Bihar sửa đổi về số liệu người tử vong trong vòng 1 tháng qua. Ngày 9/6, bang này ghi nhận 3.971 người chết vì COVID-19 chỉ trong vòng 24 giờ sau khi tiến hành việc kiểm toán, đánh giá lại số liệu. Nhưng đó cũng chưa phải là thông tin đau lòng nhất. Đây cũng là ngày Ấn Độ xác nhận số ca tử vong trong đợt dịch thứ hai (tính từ ngày 1/3) đã là hơn 205.000 người.

Điều này có nghĩa, số người chết vì đại dịch trong hơn 3 tháng qua chiếm tới 57% tổng số ca tử vong vì COVID-19 (hiện là hơn 363.000 người) kể từ đầu dịch. Trung bình mỗi ngày, có hơn 2.000 người Ấn Độ bị cướp đi mạng sống vì dịch bệnh này. Còn theo tính toán của Đại học John Hopkins, số người tử vong mới đã tăng 143% trong vòng 3 tháng qua.

Tính trong cùng khoảng thời gian 102 ngày đó, chỉ có Brazil, với gần 225.000 ca tử vong mới vượt Ấn Độ trong "danh sách tử thần". Tại Mỹ, nơi có số người chết vì COVID-19 cao nhất thế giới, người ta chỉ ghi nhận 82.738 ca tử vong kể từ ngày 1/3.

Điều khó lý giải nhất là trong khi số ca dương tính mới theo ngày, sau khi lập kỷ lục vào ngày 7/5, đang có xu hướng giảm tại Ấn Độ. Nhưng thống kê về số người thiệt mạng vì đại dịch vẫn chưa được cải thiện. Với số liệu tổng hợp trong những ngày qua, người ta dự báo số ca tử vong ở mức cao sẽ còn kéo dài. Điều này trái ngược hoàn toàn với đợt dịch đầu tiên tại Ấn Độ trong năm 2020. Khi đó, đội ngũ y tế "dễ thở" hơn khi tỷ lệ hồi phục xuất viện rất cao, trong khi số ca qua đời thấp hơn hẳn, nếu so với mức trung bình của thế giới.

Đã có những sự thay đổi đáng kể về xu hướng dịch bệnh trong làn sóng thứ hai này, khiến thiệt hại về sinh mạng nhiều hơn và khó dự báo hơn. Nhiều câu hỏi được đặt ra, rằng liệu sự gia tăng số người tử vong chỉ đơn giản là liên quan đến khả năng tàn phá của virus đã lớn hơn? Hay có những yếu tố khác dường như đang thúc đẩy tỷ lệ tử vong cao trong khoảng thời gian này?

Hậu quả của việc nhập viện muộn điều trị muộn?

Theo các chuyên gia phòng dịch cũng như điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tuyến đầu của Ấn Độ, số ca tử vong gia tăng trong đợt dịch thứ hai này bắt nguồn từ việc có nhiều người nhập viện điều trị quá muộn, hoặc phải nằm chờ đợi tới lượt được chăm sóc y tế. Nguyên nhân chủ yếu của việc này là hệ thống bệnh viện tại Ấn Độ đã rơi vào tình trạng hỗn loạn và quá tải do số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tăng quá nhanh, đặc biệt là các ca bệnh nặng. Bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc chẩn đoán và điều trị cũng khiến cho tỷ lệ tử vong gia tăng cũng như đẩy mức độ nghiêm trọng ở người bệnh lên cao hơn.

Tiến sỹ Om Srivastava, Trưởng khoa Bệnh Truyền nhiễm, Trung tâm Nghiên cứu và Bệnh viện Jaslok, tại thành phố Mumbai cho biết: “Người dân đã nhận thức tốt hơn về mức độ nguy hiểm của virus, nhưng nhiều người đã tìm đến bác sĩ quá muộn. Nhiều người trong số họ đã phát sinh vấn đề, hoặc đơn giản là không ý thức được việc theo dõi các tín hiệu bệnh tật. Chính điều này khiến họ đến viện muộn. Đây là lý do tại sao chúng tôi luôn nói với bệnh nhân rằng hãy theo dõi kỹ các biểu hiện vào ngày thứ Nhất, thứ Ba, thứ Năm, và thứ Bảy kể từ khi phát hiện lây nhiễm, cẩn thận với bất cứ tiến triển nào”.

Theo chuyên gia này, dù cho hạ tầng y tế có quá tải và thiếu thốn, việc phát hiện bệnh trở nặng đúng thời điểm sẽ làm giảm nguy cơ biến chứng rất nhiều lần.

Còn Tiến sĩ Vasunethra Kasaragod, bác sĩ chuyên khoa Lồng ngực, Bệnh viện Vikram, thành phố Bengaluru cũng cho rằng tỷ lệ tử vong phụ thuộc nhiều vào tình trạng của bệnh nhân. “Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 thực sự có sức tàn phá khủng khiếp. Có những bệnh nhân ở ngày thứ 4 kể từ khi phát hiện dương tính đã ở vào tình trạng nặng. Việc theo dõi các mốc thời gian phục hồi và tiến triển thực sự quan trọng. Nó sẽ quyết định khả năng ai sẽ qua khỏi và ai có thể không may mắn. Do đó, việc chẩn đoán và tư vấn nên được thực hiện kịp thời”, bác sĩ Kasaragod nói.

Nạn nhân đang "trẻ hóa"

Làn sóng lây nhiễm thứ hai ở Ấn Độ ngày càng khắc nghiệt với các nhóm dân số trẻ. Những người trong độ tuổi 20-30, từng được cho là "an toàn hơn", ít có nguy cơ tử vong vì COVID-19 hơn. Nhưng giờ họ được ghi nhận nhiều hơn trong số các trường hợp trở nặng, nhập viện và tử vong rất nhanh.

Theo các chuyên gia, có nhiều lý do đằng sau xu hướng này. Thứ nhất, việc tiêm phòng vốn chỉ tập trung trong nhóm những người lớn tuổi trong những tháng đầu năm bắt đầu có tác dụng đẩy lùi bệnh tật. Nguy cơ dịch bệnh giờ chuyển xuống những người trẻ - đối tượng chưa được tiêm phòng và không được trang bị đủ "vũ khí" chống chọi với virus.

Tiến sĩ Srivastava khẳng định rằng hiện nay, những người trẻ tuổi có nguy cơ tử vong cao hơn: “Những người cao tuổi đã được tiêm chủng có tỷ lệ tử vong thấp so với trước đây và nhiều khả năng được đưa đến chăm sóc y tế kịp thời hơn”.

Thứ hai, mùa dịch thứ hai này cũng xuất hiện nhiều hơn các ca bệnh trẻ tuổi rơi vào ​​tình trạng giảm oxy động mạch (nồng độ oxy giảm đột ngột không gây suy nhược cơ thể hoặc không có triệu chứng). Sau đó, các biến chứng phổi khiến cho tình trạng bệnh nhân xấu hơn. Đó là chưa kể tới các bệnh nền đi kèm cùng một số nguy cơ sức khỏe không được phát hiện kịp thời khiến những người trẻ tuổi dễ gặp nguy hiểm.

“Chúng tôi thấy rất nhiều người trong độ tuổi 20 và 30 mắc bệnh tiểu đường không được chẩn đoán, kèm theo là các biến chứng”, bác sĩ Kasaragod cũng nhận định.

Béo phì, cholesterol trong máu cao, căng thẳng thần kinh kéo dài cũng là các nguyên nhân đẩy tình trạng bệnh nhân COVID-19 tới mức xấu hơn.

Nhiều biến chứng đi kèm đẩy số ca tử vong tăng vọt

Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 trong năm 2021 không chỉ có độc lực cao hơn, lây lan nhanh hơn, nó còn được hỗ trợ bởi một loạt các biến chứng đi kèm. Sự xuất hiện của các biến chứng, bệnh lý mới theo sau COVID-19 khiến hệ thống y tế không có cách nào để ngăn chặn các ca tử vong. Ví dụ điển hình là bệnh truyền nhiễm Nấm đen xâm nhập hệ quả của việc sử dụng thuốc steroid trong điều trị COVID-19. Căn bệnh này từng được coi là "hiếm gặp", giờ lại là biến chứng COVID-19 nguy hiểm nhất với tỷ lệ tử vong lên tới 50%.

COVID-19 kết hợp cùng các biến chứng này khiến bệnh nhân dù ở bất cứ độ tuổi nào phải mất nhiều thời gian hồi phục hơn sau các tổn thương, thậm chí không qua khỏi nếu kém may mắn.

Với sự phức tạp của làn sóng COVID-19 thứ hai hiện này, câu hỏi đặt ra hiện tại là khi nào thì số ca tử vong sẽ giảm? Theo các chuyên gia y tế, thông thường, số người chết sẽ giảm dần từ 15-20 ngày sau khi dịch bệnh thiết lập đỉnh. Và người ta hy vọng kinh nghiệm dịch tễ sẽ đúng trong trường hợp này, khi số ca lây nhiễm bắt đầu nằm trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo, điều này cũng có thể sẽ không còn chính xác bởi virus SARS-CoV-2 giờ đã xâm nhập vào các vùng nông thôn của Ấn Độ, nơi hệ thống y tế còn kém phát triển. Khả năng xét nghiệm và điều trị hạn chế sẽ khiến dịch bệnh kéo dài và số ca tử vong sẽ tiếp tục ở mức cao. Ưu tiên của Ấn Độ trong những tháng tới sẽ vẫn là đẩy mạnh tiêm chủng đại trà vaccine COVID-19 ở mức cao nhất có thể, để ngăn chặn dịch bệnh sớm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày