Trước những thông tin về tình trạng nhiều người dân do dự, không tự nguyện tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Ấn Độ, chính quyền trung ương và địa phương của nước này đã nỗ lực tìm đủ mọi cách để nâng cao nhận thức và sự tự giác của người dân, theo hãng tin Sputnik (Nga).
Khi làn sóng dịch thứ 2 chỉ vừa mới thuyên giảm, thì Ấn Độ lại đang phải gấp rút chuẩn bị cả về vật chất và tinh thần cho làn sóng dịch thứ 3. Ông K. VijayRaghavan - cố vấn khoa học của chính phủ Ấn Độ, cảnh báo rằng làn sóng thứ 3 là "điều không thể tránh khỏi" khi hiện nay các biến thể của virus SARS-CoV-2 ngày càng nhiều hơn.
Do thời gian hiện không còn nhiều, nên chính phủ đang gấp rút tiêm phòng cho người dân và đặt mua thêm số lượng lớn vaccine COVID-19.
Mặc dù vậy, nhiều người dân vẫn có tâm lý lưỡng lự, lo ngại và không tự giác đi tiêm chủng, khiến chính quyền địa phương phải tìm ra những cách thức sáng tạo hơn nhằm tạo động lực cho người dân.
Cảnh sát Ấn Độ dán cảnh báo có hình đầu lâu xương chéo lên người chưa tiêm vaccine COVID-19
Tại quận Niwari ở bang Madhya Pradesh, nhưng người chưa tiêm vaccine COVID-19 sẽ bị cảnh sát "đánh dấu" bằng một thông điệp có hình đầu lâu xương chéo trên người để cảnh báo những người xung quanh.
Theo những hình ảnh và video được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, thông điệp trên tấm bảng mà những người chưa chịu tiêm vaccine COVID-19 phải đeo trên người là: "Hãy tránh xa tôi ra, tôi vẫn chưa tiêm vaccine COVID-19".
Những người này cũng bị bắt phải đọc to thông điệp cảnh báo nói trên, và cam kết sẽ đi tiêm trong vòng 2 ngày.
Trong khi đó, chính quyền cũng có cách tuyên dương những người đã tiêm vaccine COVID-19 - đó là một hình dán có 3 màu xanh lá, trắng và da cam của quốc kỳ Ấn Độ cùng dòng chữ: "Tôi là một người yêu nước thực thụ vì tôi đã tiêm vaccine".
Các quan chức địa phương cho biết chiến dịch này chỉ mang tính biểu tượng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc tiêm chủng vaccine COVID-19. Tính đến nay, Ấn Độ mới chỉ tiêm chủng được ít nhất một liều vaccine cho 4,2% dân số trong độ tuổi từ 18-44, và hơn 60% dân số trên 45 tuổi đã được tiêm chủng.