Hôm 17/3, ít nhất 310 người đã bị giam giữ trên khắp nước Pháp khi chính phủ đối mặt với phản ứng dữ dội vì cải cách lương hưu, theo đó tuổi nghỉ hưu của đất nước này sẽ tăng thêm 2 năm.
Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin nói với đài phát thanh RTL của Pháp rằng hầu hết các vụ bắt giữ được thực hiện vào đêm 16/3, khi 258 người bị bắt đều ở Paris.
Công đoàn CGT chuẩn bị chặn giao thông trên đường vành đai ở Paris vào ngày 17/3
Chính phủ Pháp hôm 16/3 thông qua các kế hoạch gây tranh cãi để tăng tuổi nghỉ hưu của đất nước từ 62 lên 64 vào năm 2030 mà không cần thông qua quốc hội - một động thái đã gây ra phong trào phản đối kéo dài hàng tuần của một bộ phận người dân. Theo đó, người lao động cũng phải làm việc với thời gian ít nhất 43 năm để nhận đủ lương hưu
Theo AP, trong số các nhóm biểu tình có nhóm "áo vàng" từng biểu tình chống lại chính sách kinh tế của Tổng thống Macron vào nhiệm kỳ đầu của ông. Nhiều người kêu gọi tập trung biểu tình tới tòa nhà quốc hội tối 17/3.
Cuộc biểu tình tuần này là diễn biến mới nhất trong cuộc cải cách lương hưu của chính quyền Tổng thống Macron. Vào tuần trước, France24 ghi nhận một nhóm những người phụ nữ mặc đồ xanh của nhân vật Rosie the Riveter - biểu tượng của nữ quyền trong nhóm biểu tình tại thủ đô Paris.
Người biểu tình bên ngoài khách sạn Lutetia ở Paris vào tuần trước
Trong số đó có Camille, một nhân viên xuất bản 54 tuổi, cho biết bà đã phản đối để thể hiện tình đoàn kết với những người lao động có thu nhập thấp - nhiều người trong số họ là phụ nữ - những người "chịu thiệt hại nặng nề nhất" từ cuộc cải cách lương hưu. Bà chỉ trích cuộc cải cách "được tiến hành một cách vội vàng và tàn bạo, không tham khảo ý kiến và bất chấp sự phản đối áp đảo".
"Phụ nữ bị trả lương thấp về mặt cấu trúc và kết quả là lương hưu của họ thấp hơn. Thế mà, họ có một số công việc mệt mỏi nhất, làm việc với số giờ vô lý chưa kể việc chăm sóc trẻ nhỏ và người già", bà nói, chỉ ra thực tế là lương hưu của phụ nữ trung bình thấp hơn 40% so với nam giới.
Camille nói thêm: "Việc họ được yêu cầu làm việc lâu hơn bây giờ chỉ làm tăng thêm sự xúc phạm cho nỗi đau của họ".
Theo một cuộc khảo sát gần đây của viện Elabe, cuộc cải cách lương hưu của Tổng thống Macron gây ra sự phản đối của 2/3 người Pháp - bao gồm tới 74% phụ nữ.
Chính phủ lập luận rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 và thắt chặt các yêu cầu đối với lương hưu đầy đủ là cần thiết để cân bằng hệ thống lương hưu trong bối cảnh nhân khẩu học đang thay đổi. Nhưng các công đoàn cho rằng các biện pháp được đề xuất là không công bằng và sẽ ảnh hưởng không tương xứng đến những người lao động có tay nghề thấp bắt đầu sự nghiệp sớm, cũng như phụ nữ.
Camille nói tại cuộc biểu tình ở Paris. "Sự bất công đối với phụ nữ này là gót chân Achilles của cuộc cải cách: Một mặt trận thống nhất của phụ nữ Pháp có thể đánh bại nó".
Nhiều người biểu tình chia sẻ cảm giác rằng chính phủ đã lừa dối phụ nữ, khiến họ phẫn nộ với đề xuất hiện đang được gấp rút thông qua quốc hội vào thời điểm đó.
Sandrine Tellier, 47 tuổi, đại diện ngành năng lượng và khai thác mỏ của công đoàn Force Ouvrière, cho biết: "Chính phủ tuyên bố cải cách sẽ thúc đẩy 'công lý' và 'bình đẳng', nhưng nó nhanh chóng trở thành một màn diễn công khai. Trên thực tế, nó chỉ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng hiện có".
Khoảng cách lương theo giới tính dai dẳng của Pháp được phản ánh trong sự khác biệt giữa lương hưu trung bình trả cho nam giới và nữ giới. Sự khác biệt đó càng trở nên trầm trọng hơn bởi các quy tắc khắt khe với những người làm việc bán thời gian hoặc những người có sự nghiệp bị gián đoạn do chăm sóc trẻ em.
Một người chịu ảnh hưởng là bà Florentine Delangue, 64 tuổi, người có thời gian học việc không lương và gián đoạn sự nghiệp đồng nghĩa với việc bà vẫn chưa đủ điều kiện nhận lương hưu đầy đủ, mặc dù đã nhận được công việc đầu tiên tại một tiệm làm tóc ở tuổi 16.
"Tôi bắt đầu đi làm trước chồng tôi 2 năm, nhưng tôi sẽ phải tiếp tục sau khi anh ấy nghỉ hưu", bà nói. "Đó là lý do tại sao tôi tức giận".
Jacqueline, nhân viên phòng thí nghiệm 57 tuổi tại một bệnh viện ở Paris, cho biết bà không thể chịu nổi viễn cảnh phải làm việc thêm 2 năm trước khi đủ điều kiện nhận lương hưu đầy đủ. Bà khẳng định mình chưa bao giờ tham gia biểu tình trước đây.
"Tôi đã làm việc bán thời gian để nuôi con gái, nhưng tôi không có lựa chọn nào khác. Chẳng phải là tôi làm việc bán thời gian để đi biển hay gì đó", bà nói. "Thế này là quá nhiều. Tôi quá mệt mỏi và có quá nhiều bất công".
Không chỉ người cao tuổi, nhiều sinh viên cũng không đồng tình với cải cách lương hưu này của chính phủ Pháp
Khái niệm về pénibilité (sự vất vả) là một chủ đề thường xuyên xuất hiện tại cuộc biểu tình, nơi những người biểu tình than thở về việc chính phủ từ chối thừa nhận khó khăn mà người lao động có thu nhập thấp phải chịu đựng khi làm các công việc vắt kiệt sức lực. Macron trước đây từng nói rằng ông "không phải là người hâm mộ" từ pénibilité, "bởi vì nó gợi ý rằng công việc là một nỗi đau".
Giám đốc nhà hát kỳ cựu Ariane Mnouchkine cho biết lập trường như vậy phản ánh "sự vô cảm" và "thiếu hiểu biết về thực tế cuộc sống" của các chính trị gia, đồng thời nói thêm rằng "các nghị sĩ nên thử làm công việc dọn dẹp khách sạn để xem cảm giác thực sự của một công việc gây đau lưng".