Vì sao người Trung Quốc treo băng rôn chào đón ông chủ DeepSeek?

Minh Hằng, Theo markettimes.vn 15:46 03/02/2025
Chia sẻ

Nhiều người dân Trung Quốc treo nhiều băng rôn để chào đón nhà sáng lập của startup AI về quê ăn Tết.

Vì sao người Trung Quốc treo băng rôn chào đón ông chủ DeepSeek?- Ảnh 1.

Ông Liang Wenfeng là nhà sáng lập của DeepSeek. Ảnh: CCTV

Với việc ra mắt R1, DeepSeek, startup AI đang gây chấn động Thung lũng Silicon, khi có thể tác động tới thị trường chứng khoán Mỹ, khiến Nvidia bị "thổi bay" mất 600 tỷ USD. Do đó, người đứng đằng sau thành công của DeepSeek là ông Liang Wenfeng (Lương Văn Phong) cũng được đặc biệt quan tâm.

Ông Liang Wenfeng, nhà sáng lập của DeepSeek, sinh năm 1985 tại Ngô Xuyên, một thị trấn thuộc thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Vì sao người Trung Quốc treo băng rôn chào đón ông chủ DeepSeek?- Ảnh 2.

Cổng chào được dựng lên tại quê nhà của nhà sáng lập DeepSeek, với câu đối: "Văn Phong về quê lan tỏa thành tích/ Góp thêm động lực cho công cuộc đổi mới nông thôn". Ảnh: Sycaijing

Mới đây, truyền thông Trung Quốc đưa tin, ông Liang Wenfeng về quê ăn Tết vào đêm Giao thừa (tức ngày 28/1) và rời đi vào sáng ngày mồng 1 Tết (29/1). Mặc dù không xuất hiện một cách công khai nhưng người dân ở quê nhà đã chào đón ông Liang như một người hùng.

Theo tờ Zhanjiang Release trích lời của một cô giáo tên Dung từng dạy cho cho Liang Wenfeng thời cấp hai, gia đình của cậu học trò này rất bình thường. Cha mẹ của ông đều giản dị và là giáo viên dạy tiếng Trung tiểu học.

Cô giáo nhận xét: "Liang Wenfeng từ nhỏ đã là một học sinh xuất sắc, luôn là học sinh giỏi ở trường và sớm bộc lộ năng khiếu về toán học. Cậu ấy đã hoàn thành chương trình toán phổ thông khi còn học THCS và thậm chí bắt đầu học toán đại học khi đó".

Vì sao người Trung Quốc treo băng rôn chào đón ông chủ DeepSeek?- Ảnh 3.

Băng rôn được treo ở quê nhà của ông Liang Wenfeng với dòng chữ: "Nhiệt liệt chào mừng Văn Phong, niềm tự hào và hy vọng của quê hương". Ảnh: Douyin

Ngoài toán học, Liang Wenfeng còn rất thích bóng đá. Cô giáo này cũng cho biết, ông Liang đã trở về trường vào chiều 27/1 để chơi bóng với các bạn học cũ trước khi quay trở lại thành phố.

"Cha đẻ" của DeepSeek từng được mô tả là mọt sách

Vì sao người Trung Quốc treo băng rôn chào đón ông chủ DeepSeek?- Ảnh 4.

Ông Liang Wenfeng (phải) trong cuộc hội thảo do Thủ tướng Lý Cường chủ trì ngày 20/1. Ảnh: CCTV

Ông Liang Wenfeng là người kín tiếng và hiếm khi xuất hiện công khai trước truyền thông. Theo truyền thông Trung Quốc, ông Liang là con trai của một giáo viên tiểu học, lớn lên ở thành phố nhỏ tại tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.

Khi lớn lên, ông Liang học ngành kỹ thuật thông tin và điện tử ở ĐH Chiết Giang, một trong những ngôi trường lâu đời và được xếp hạng cao nhất ở Trung Quốc. Tỷ phú Colin Huang, nhà sáng lập của sàn thương mại điện tử Pinduoduo cũng từng theo học tại đây.

Theo Yicai, những cộng sự đầu tiên của Liang Wenfeng mô tả rằng, ông là mọt sách với kiểu tóc "khủng khiếp". Trong khi đó, CNN gọi ông Liang là "một nhà truyền bá AI" hay "Sam Altman của Trung Quốc".

Vào năm 2015, ông Liang cùng với hai bạn học thời ĐH thành lập quỹ High-Flyer, dựa vào toán học, phân tích thống kê cũng như thuật toán máy tính nhằm ra những chiến lược đầu tư. Đến năm 2019, High-Flyer quả lý ít nhất 10 tỷ NDT (tăng từ con số 1 tỷ NDT vào năm 2016).

Ông Liang Wenfeng từng nhắc tới ý tưởng đào tạo mô hình AI lớn thay đổi luật chơi, nhưng khi đó không có cộng sự nào để tâm, vì họ cho rằng suy nghĩ táo bạo như vậy thường chỉ khả thi với những công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như ByteDance hoặc Alibaba.

Theo Financial Times, đến năm 2021, ông Liang Wenfeng bắt đầu thu mua hàng nghìn GPU của Nvidia trong khi vẫn đang điều hành High-Flyer. Quyết định này được thực hiện ngay trước khi Mỹ tiến hành những lệnh cấm vận nhằm vào Trung Quốc.

Đến tháng 5/2023, ông Liang Wenfeng ra mắt startup DeepSeek và lấy ngân sách từ High-Flyer. Dù mới thành lập chưa được bao lâu nhưng DeepSeek nhanh chóng trở thành một hiện tượng trong giới công nghệ. Vào cuối năm 2024, DeepSeek đã gây sốt toàn cầu với mô hình V3 và R1.

Đặc biệt, điều khiến giới công nghệ bất ngờ là DeepSeek tuyên bố rằng công ty này chỉ dùng 2.048 card đồ họa Nvidia H800 và chưa tới 6 triệu USD để đào tạo mô hình V3 với 671 tỷ tham số, tức là chỉ bằng một phần nhỏ so với số tiền mà "gã khổng lồ" OpenAI và Google phải bỏ ra để thực hiện huấn luyện mô hình có quy mô tương đương.

Vì sao người Trung Quốc treo băng rôn chào đón ông chủ DeepSeek?- Ảnh 5.

Ông Liang Wenfeng hiếm khi xuất hiện công khai trước truyền thông. Ảnh: SCMP

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với hãng Waves vào tháng 7/2024, nhà sáng lập DeepSeek cho biết: "AI của Trung Quốc không thể ở vị thế đi sau mãi mãi. Chúng ta thường nói rằng, có một khoảng cách một hoặc hai năm giữa AI của Trung Quốc và Mỹ. Nhưng khoảng cách thực sự là sự khác biệt giữa tính độc đáo và sự bắt chước".

Theo ông Liang Wenfeng, trong 30 năm qua, ngành công nghệ của Trung Quốc chỉ nhấn mạnh vào việc kiếm tiền mà bỏ qua sự đổi mới. Trong khi sự đổi mới không chỉ được thúc đẩy nhờ doanh nghiệp mà còn cần có sự tò mò và mong muốn sáng tạo.

Chính vì vậy, DeepSeek đã đưa ra quyết định rằng sẽ biến tất cả những mô hình của công ty thành mã nguồn mở. Đây là điều khác biệt hoàn toàn so với đối thủ mạnh là OpenAI của Mỹ. Bởi trong những mô hình nguồn mở, mã cơ sở được công khai để cho bất kỳ nhà phát triển nào cũng có thể sử dụng, sửa đổi cũng như phát triển theo ý muốn.

Ngoài ra, dưới sự lãnh đạo của ông Liang Wenfeng, startup AI DeepSeek không xây dựng ứng dụng. Công ty này tập trung tài năng và nguồn lực nghiên cứu để tạo ra một mô hình có thể sánh ngang, hoặc thậm chí là tốt hơn của OpenAI.

Bài tham khảo nguồn: CNN, SCMP, Financial Times

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày