Số phận chung của dòng phim chuyển thể chính là phải có ít nhiều khác biệt so với nguyên tác, hẳn nhiên Đông Cung cũng không phải ngoại lệ, thậm chí có những chi tiết còn xa nguyên tác "cả cây số" chứ chẳng vừa. Tuy thế, Đông Cung khá may mắn vì đang ở thế được yêu mến, những chi tiết thay đổi lại khéo léo nắm bắt tâm lý của khán giả nên vẫn được ủng hộ rầm rộ.
Như phần đông khán giả đã biết, nguyên tác Đông Cung được kể theo ngôi thứ nhất của nữ chính Tiểu Phong (Bành Tiểu Nhiễm). Kể theo ngôi thứ nhất tuy tạo cảm giác chân thật và bi thương hơn, nhưng đồng thời phạm vi bao quát nội dung sẽ hẹp hơn, mạch truyện cũng nương theo cảm xúc chủ quan của nhân vật. Do đặc thù phim ảnh, phim Đông Cung kể theo ngôi thứ ba đã mở rộng nội dung một cách đáng kể cũng như thay đổi hình tượng nhân vật mà vẫn không làm mất đi tính hợp lý. Dưới mắt Tiểu Phong trong nguyên tác, Lý Thừa Ngân (Trần Tinh Húc) là một kẻ máu lạnh đích thực, còn Cố Kiếm (Ngụy Thiên Tường) thì dù tốt vẫn xa cách và lạnh lùng. Bản phim cho ta cái nhìn bao quát hơn về cuộc đời riêng của mỗi nhân vật, xây dựng thêm nhiều chi tiết mới mà vẫn có thể tự tin đã "bảo toàn nguyên tác" bởi rõ ràng một mình Tiểu Phong thì đâu thể nhìn thấy hết những gì người ngoài thấy.
Nếu như theo nguyên tác, hình tượng nhân vật sẽ lạnh lùng hơn rất nhiều.
Còn bản phim đã đem đến cái nhìn đa chiều và khai thác chi tiết hơn tâm lý của mỗi nhân vật.
Chính nhờ sự khác biệt trong ngôi kể, biên kịch có thể "phóng tay" hơn trong việc cải biên nguyên tác một mức nhất định và những khán giả ủng hộ sự thay đổi trong phim cũng có cơ sở hợp lý để cho rằng bản phim vẫn bảo toàn tinh thần nguyên tác bởi chẳng qua ngôi kể thứ nhất không thể bao quát hết toàn bộ sự thật. Điển hình gần nhất chính là việc cái thai của Tự Bảo Nương (Diệc Hàm). Đối với độc giả quen thuộc dòng văn học cổ trang Trung Quốc, đã đọc truyện là chuẩn bị tâm lý nam chính tam thê tứ thiếp và thường khó tránh "không sạch", thế nên việc cái thai trong bụng Tự Nương là của Lý Thừa Ngân cũng không bất hợp lý. Thế nhưng lên phim, việc này đã được "tẩy trắng" rằng Tự Nương đã có mang từ trước, sau chẳng qua hoàng hậu gài kế để đến cạnh Lý Thừa Ngân mà thôi. Xét về lý, vẫn có thể giải thích rằng chi tiết trong truyện đặt dưới góc nhìn của nữ chính, mà nàng làm sao biết rõ uẩn khúc trong chuyện của Lý Thừa Ngân và Tự Nương chứ?!
Nhờ khác biệt trong ngôi kể, phim Đông Cung có thể "tẩy trắng" hoặc "bôi đen" một số nhân vật nhất định mà vẫn hợp lý.
Nếu như theo đúng nguyên tác, hình tượng của Lý Thừa Ngân hoàn toàn không đạt đến mức dù "tra nam" nhưng vẫn "thê nô" như trên màn ảnh. Không cần biết hắn quên giả hay quên thật, trong nguyên tác Đông Cung chuyện Lý Thừa Ngân đối xử tệ với Tiểu Phong khá rõ ràng. Theo tiến trình phim Đông Cung hiện tại, có thể thấy dù không "tẩy trắng" quá mức nhưng hình tượng của Lý Thừa Ngân đã "dễ thương" hơn khá nhiều so với nguyên tác. Nhưng việc này chẳng những không khiến khán giả phật lòng mà còn khiến phim nổi đình đám hơn, âu cũng vì nhà làm phim đã đánh trúng tâm lý "miệng nói mê ngược nhưng lòng ưa ngọt" của đại bộ phận khán giả chứ không riêng gì khán giả của Đông Cung.
"Đường" nhiều thế này ai lại không thích cơ chứ?!
Chẳng phải sao? Dù rằng đại đa số đều cho rằng kết thảm mới phù hợp với mạch phim và cũng để nhân vật Lý Thừa Ngân trả giá xứng đáng cho những tội lỗi hắn đã gây ra, nhưng khán giả nào mà lại không muốn nhìn nhân vật mình yêu mến được hạnh phúc? Đơn cử việc cái thai của Tự Bảo Nương, ngay khi hình ảnh "nhá hàng" được tung ra, không ít người đã bày tỏ thất vọng nặng nề với nhân vật, nhưng ngay sau khi đoạn phim "minh oan" cho nam chính xuất hiện, ai nấy đều hết sức hân hoan vui mừng. Có thể thấy, dù đã chuẩn bị tâm lý xem phim bối cảnh hoàng triều nhiều lúc phải chấp nhận nam chính không chỉ dành riêng cho nữ chính nhưng phần đông khán giả vẫn cứ ngầm mong nam chính phải "sạch". Đánh trúng tâm lý "hảo ngọt" này, nhà làm phim càng có cớ để phim "bỏ thêm chút đường" cho ngọt hơn nguyên tác một chút, cho khán giả tận hưởng thoải mái chuỗi ngày còn nhiều nụ cười này trước khi tiến đến giai đoạn không thể không ngược.
Đây là hình ảnh khiến hàng loạt khán giả Đông Cung rần rần "đỏ mặt tía tai".
Phân đoạn minh oan cho Lý Thừa Ngân
Hàng loạt khán giả bày tỏ vui mừng và nhẹ nhõm khi biết nam chính còn '"trai tân". Thế mới thấy khán giả vẫn là "mê ngọt ghét ngược" mà!
Ưu điểm lớn của Đông Cung ta phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần, chính là chọn được dàn diễn viên nòng cốt quá hợp vai. Khách quan mà nói thì ánh mắt hơi "gian tà" của Trần Tinh Húc đích thực là ánh mắt mọi người tưởng tượng ở Lý Thừa Ngân. Vậy thì ánh mắt ấy thay vì chỉ biết trợn trừng với Tiểu Phong, nay chỉ là dùng để "ngắm nàng từ xa" lẫn "ngắm nàng thật gần" nhiều hơn và âu yếm hơn một chút, bảo sao khán giả lại chẳng vừa lòng?
Mến hỏi khán giả Đông Cung, ánh mắt này của Trần Tinh Húc đã vượt chuẩn "gian tà" của Lý Thừa Ngân chưa?!
Không chỉ Lý Thừa Ngân, kể cả Cố Kiếm trong nguyên tác cũng chẳng thâm tình rõ ràng đến mức ấy. nói không ngoa, Cố Kiếm lên phim cũng đã "hiền đi" khá nhiều, nói đùa nhiều hơn, hiểu cho Tiểu Phong hơn và cam tâm giúp đỡ nàng mọi lúc. Có trách thì trách Ngụy Thiên Tường nhập vai Cố Kiếm quá đạt, ánh mắt nào nhìn Tiểu Phong cũng chất chứa tình cảm, nụ cười nào cũng khiến khán giả cảm thấy xót xa.
Cố Kiếm, anh có cần đẹp hơn cả nguyên tác thế này chăng?!
Một trong những chi tiết khác biệt nhất khiến một bộ phận người hâm mộ nguyên tác Đông Cung phật lòng chính là việc A Độ trong phim lại có thể nói chuyện. Theo 7 sự thật bất ngờ về Đông Cung được chính tác giả Phỉ Ngã Tư Tồn tiết lộ trên weibo mới đây, A Độ từ bé đa bị cắt lưỡi để đảm bảo giữ được bí mật, ấy thế mà A Độ lên phim lại… biết nói, thật khiến cho nhiều người không biết nên cười hay nên giận. Nhưng ngoại trừ chi tiết đó ra, Na Cát Mã đã mang đến một A Độ chuẩn chỉnh trong cách đối xử và bảo vệ Tiểu Phong.
Tuy hơi "bánh bèo" hơn nguyên tác nhưng Na Cát Mã đã thành công mang một A Độ tuyệt đối trung thành lên màn ảnh.
Nhìn chung, xét về mặt tính cách thì đến nay A Độ và Tiểu Phong vẫn là hai nhân vật được bảo toàn hình tượng gốc tốt nhất, còn lại đều có cải biên nhất định. Tuy nhiên hiện tại, giả như Đông Cung có quyết định chính thức "tẩy trắng" Lý Thừa Ngân hay "thêm gia vị" cho chuyện đời của Cố Kiếm và hàng loạt nhân vật khác thì chắc cũng không mấy khán giả kịch liệt phản đối.
Dù có những cải biên nhất định, đến nay Đông Cung vẫn là một trong số ít tác phẩm vừa bảo toàn được những điểm nổi bật của nguyên tác vừa có những thay đổi không làm phật ý khán giả. Trước đó, Không Kịp Nói Yêu Em là điển hình của việc cải biên hợp lý để biến kết thảm thành kết có hậu mà vẫn không bị khán giả phàn nàn. Tuy rất khó khăn để có thể làm điều tương tự với Đông Cung, nhưng chí ít khán giả vẫn sẽ vui lòng với một Đông Cung "ngọt đúng lúc, ngược đúng chỗ" như hiện tại.
Đông Cung hiện vẫn lên sóng mỗi ngày một tập trên trang mạng Youku.