Hoạt hình tĩnh vật (stop-motion animated) là thể loại kỳ công tới mức đạo diễn Wes Anderson đã có thể an nhàn hơn nếu ông chọn cách quay một bộ phim người đóng trên một hòn đảo toàn rác thực sự thay vì sử dụng kỹ thuật làm phim này cho tác phẩm mới nhất của mình mang tên Isle of Dogs (Đảo Của Những Chú Chó).
ĐẢO CỦA NHỮNG CHÚ CHÓ - Official Trailer - Khởi Chiếu 01.06.2018
Bộ phim là câu chuyện xảy ra tại thành phố Nhật Bản giả tưởng Megasaki nơi đang bùng phát dịch cúm chó. Để cách ly, thành phố ra lệnh gom hết lũ chó rồi thả lên hòn đảo hoang toàn là rác. Dù con người thường xuyên xuất hiện trong các khung hình, nhưng đàn chó với đủ màu sắc, kích cỡ và tính cách mới là những nhân vật chính của Isle of Dogs.
Isle Of Dogs - Hậu trường xử lý chuyển động con rối [Khởi chiếu 01.06]
Để có thể tạo ra những nhân vật vừa đáp ứng được độ chân thực của những con chó về mặt giải phẫu học mà lại khiến chúng "người" nhất có thể, Wes Anderson và các cộng sự đã dành ra rất nhiều thời gian và tâm sức đầu tư vào những mô hình/con rối. Nói thêm về hoạt hình tĩnh vật, thì những con rối này sẽ được điều chỉnh để xê dịch đi một chút rồi chụp lại ảnh, ghép nối với nhau tạo hiệu ứng như chúng đang chuyển động đối với người xem. Vì vậy để bắt lấy một cử động nhỏ nhất của nhân vật có thể cần tới hàng chục, hàng trăm tấm ảnh và nhiều giờ cần mẫn của các nhà làm phim.
Trước khi bắt tay vào dựng những con rối, đoàn làm phim phải nghiên cứu rất kỹ chuyển động và biểu cảm của con người và loài chó. Họ mang những chú chó thật đến trường quay, ghi hình lại phản ứng và cử động của chúng. Người đứng đầu nhóm nghệ sĩ rối Andy Gent thậm chí đã đem cả chú chó cưng Charlie của mình lên trường quay.
Isle of Dogs đã dựng tổng cộng 500 mô hình rối chó dưới sự góp sức của 27 nghệ sĩ điều khiển rối và 10 trợ lý. Mỗi con chó lại có một phần khung kim loại để hỗ trợ việc cử động và biểu hiện gương mặt. Khó nhất có lẽ là chó pug Oracle khi đây là con chó bé nhất trong nhóm nhưng lại thường xuyên được zoom cận cảnh vào mặt để bắt lấy cảm xúc, vì thế các nghệ sĩ rối phải chật vật để đặt được khung xương kim loại tí xíu vào đầu nó. Trong khi đó, chú chó Nutmeg (được lồng tiếng bởi Scarlett Johansson) thì mất tới 30 tuần để thực hiện do bộ lông cầu kỳ sang chảnh.
Kỹ thuật viên sẽ dựng các đoạn phim hoạt hình trên máy tính sau đó áp vào khung hình thật. Công đoạn lồng tiếng cũng là một quá trình thú vị và gian nan không kém, khi phải khớp thần thái của diễn viên (toàn sao như Bryan Cranston, Edward Norton, Bill Murray, Jeff Goldblum, Bob Balaban, Kunichi Nomura, Ken Watanabe... ) vào với ngoại hình và biểu hiện của nhân vật từ cười đùa, nhe răng, gầm gừ...
Ví dụ, nhân vật chó bull-terrier Boss được Bill Murray lồng tiếng bằng thứ tiếng Anh giọng Mỹ trôi chảy, mặc một chiếc áo jersey bóng chày vốn là môn thể thao nổi tiếng cả ở Nhật Bản và Mỹ.
Đạo diễn Wes Anderson từng chia sẻ: "Với hoạt hình có những vấn đề riêng phát sinh chẳng hạn như việc con rối chó của bạn không thực sự biết cười. Thế là bạn mất toi 2 năm rưỡi. Không sao, luôn có cách này hay cách khác. Bạn sửa con rối, bạn thêm thắt chi tiết, như nào cũng được."
Với sự kỳ công đến từ nhà sản xuất, Isle of Dogs chắc chắn sẽ là món quà tuyệt vời dành cho khán giả nhất là những ai yêu mến phong cách của nhà làm phim tài năng Wes Anderson. Phim được dự kiến ra mắt từ ngày 1/6/2018.