Vệ Sĩ Sài Gòn - Điểm nhấn hứng khởi cho một năm nhạt nhòa của điện ảnh Việt

Đoàn Dự, Theo Trí Thức Trẻ 15:04 15/12/2016

Quả bom cuối cùng của năm đã nổ, tưng bừng và thú vị nhưng "Vệ Sĩ Sài Gòn" vẫn chưa đủ sức để trở thành phim Việt hay nhất năm như nhiều người kì vọng.

Tháng 12 năm nay nhiều phim Việt ồ ạt ra mắt vì là mùa Giáng Sinh và năm mới. Tuy nhiên, nếu như năm ngoái Em Là Bà Nội Của Anh đã tạo ra một cú "hit" để đời về chất lượng lẫn doanh thu, tạo ra một sự hứng khởi thực sự cho những người quan tâm thì năm nay vẫn chưa có một bộ phim nào làm được cả hai điều trên. Có phim chất lượng khá thì lại kén người xem, phim thắng đậm thì chất lượng chỉ thuộc hàng tàm tạm. Vì thế, Vệ Sĩ Sài Gòn như một tia hy vọng cuối cùng mà khán giả có thể đặt niềm tin, bởi bộ phim này sở hữu những yếu tố đặc biệt để trở thành hiện tượng tại phòng vé.

Vệ Sĩ Sài Gòn - Điểm nhấn hứng khởi cho một năm nhạt nhòa của điện ảnh Việt - Ảnh 1.

Thứ nhất, phải kế đến đạo diễn. Vệ Sĩ Sài Gòn có một "profile" khá dữ dội khiến bất kì ê-kíp làm phim nào khác phải dè chừng, trong đó phải kể đến đạo diễn đến từ xứ sở hoa anh đào, Ken Ochiai. Ken Ochiai là người cầm trịch của những bộ phim như Uzumasa Limelight, Dance Dance Dance, Ninja the Monster, Tiger Mask, v.v... nhưng những phim này đều không phổ biến. Do đó, chất lượng của Vệ Sĩ Sài Gòn vẫn là một dấu hỏi nếu như khán giả chưa được xem phim. Thế nhưng, dù gì cũng là một đạo diễn nước ngoài, lại có trình độ và hồ sơ chuyên nghiệp nên việc kì vọng về sự thành công của bộ phim là dễ hiểu.

Vệ Sĩ Sài Gòn - Điểm nhấn hứng khởi cho một năm nhạt nhòa của điện ảnh Việt - Ảnh 2.

Đạo diễn người Nhật Ken Ochiai

Thứ hai, Vệ Sĩ Sài Gòn sở hữu những ngôi sao dễ bán vé. Dù bom tấn 26 tỉ Fan Cuồng với sự tham gia của "ông vua phòng vé" Thái Hòa ngã ngựa hồi tháng 7, nhưng sức hút của Thái Hòa không dễ gì mất đi. Việc anh vào vai vệ sĩ bên cạnh "nam thần" Kim Lý chắc chắn là một mồi câu rất hiệu quả với số đông. Chưa hết, ngoài một kẻ duyên dáng và một gã đẹp như tượng thì Vệ Sĩ Sài Gòn còn sở hữu cả ngôi sao của giới trẻ là Chi Pu và chàng trai đang được kỳ vọng B Trần. Với 4 cái tên này, dù cho chất lượng Vệ Sĩ Sài Gòn có không được như mong đợi thì người ta vẫn tin nó hút khách.

Và có lẽ điều đó sẽ trở thành sự thật bởi vì ngoài phong cách làm chủ tình huống rất đặc trưng của Thái Hòa thì diễn xuất rất đáng yêu của Chi Pu và B Trần khiến khán giả cảm thấy hài lòng. Điệu bộ ba ngơ cùng khuôn mặt rất xinh của Chi Pu hợp với vai cô thư kí Thi đến không ngờ, khiến cho nhân vật này ngỡ như nhạt nhòa lại có những điểm nhấn rất thú vị.

Vệ Sĩ Sài Gòn - Điểm nhấn hứng khởi cho một năm nhạt nhòa của điện ảnh Việt - Ảnh 3.

Chi Pu vô cùng đáng yêu trong phim nhưng rất khác với những vai diễn trước đây

Còn với B Trần, Vệ Sĩ Sài Gòn chính là cơ hội để anh chứng tỏ sự tiến bộ của mình. Sự "phân thân" của B Trần cho hai nhân vật với tính cách trái ngược chính là điểm cộng rất lớn cho anh. Rất may mắn khi B Trần diễn tốt cả vai cậu chủ Henry lạnh lùng lẫn thằng Phúc bán phở ngơ ngáo ngây thơ, tung hứng rất tốt với cả Thái Hòa lẫn Kim Lý. Những cái tên khác như Diệp Lâm Anh, Khương Ngọc trong tuyến vai phản diện thiên về đánh đấm cũng thể hiện tròn trịa. Những cú đánh có lực của Diệp Lâm Anh cùng nhan sắc thu hút người nhìn trên phim khiến người khác có niềm tin về một "đả nữ" mới của điện ảnh Việt. Những tên tuổi gạo cội khác của phim Việt như Diễm My, Lê Bình, Tấn Thi chỉ vừa vặn và không có gì đột phá.

Vệ Sĩ Sài Gòn - Điểm nhấn hứng khởi cho một năm nhạt nhòa của điện ảnh Việt - Ảnh 4.

Đáng tiếc nhất phải kể đến Kim Lý. Chàng trai người Việt lai Thụy Điển với vẻ đẹp nam tính từng khiến nhiều khán giả nữ điêu đứng trong Hương Ga đã có sự trở lại với điện ảnh qua vai Trịnh trong Vệ Sĩ Sài Gòn. Vẻ đẹp hình thể và khuôn mặt của Kim Lý là không phải bàn cãi, có lẽ anh chỉ cần đẹp như vậy thôi đã khiến khối người kéo nhau ra rạp rồi. Chưa kể Kim Lý còn rất thuyết phục trong những cảnh quay đánh đấm với những thế võ uy lực. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ với một diễn viên chính. Vai Trịnh của Kim Lý trong Vệ Sĩ Sài Gòn có nhiều đất diễn, có những diễn biến giằng xé nội tâm đòi hỏi nhiều kĩ thuật diễn xuất hơn vai diễn anh đại gia đất cảng của Hương Ga.

Vì thế mà vai diễn lần này bỗng trở thành một điểm yếu của cả Kim Lý lẫn bộ phim. Tuy anh có một số màn tung hứng khá ăn ý với Thái Hòa cũng như vẻ đẹp thiên nhiên phong cảnh với "đồi núi, thung lũng, sông ngòi" (như lời nhân vật của Tô Lâm trong phim) giúp khán giả "bổ mắt" thì vẫn khó mà lấy lòng hết tất cả mọi người vì diễn xuất gượng gạo. Sự "ăn rơ" giữa anh và Chi Pu trong vai trò người yêu gần như không có, cộng với những biểu cảm đa dạng nhưng lung tung nhiều lúc làm cho nhân vật không được nhất quán. Nhưng sau tất cả, Kim Lý vẫn đẹp nên có lẽ vẫn được khán giả tha thứ thôi.

Vệ Sĩ Sài Gòn - Điểm nhấn hứng khởi cho một năm nhạt nhòa của điện ảnh Việt - Ảnh 5.

Về nội dung, có thể nói Vệ Sĩ Sài Gòn có một cốt truyện gốc khá hấp dẫn và giữ được nhịp độ khá tốt. Những gì khán giả đã biết về câu chuyện qua trailer chỉ chiếm khoảng phân nửa thời lượng, câu chuyện sau đó được diễn tiến xa hơn khiến cho các tình tiết trở nên kịch tính. Khi vấn đề tưởng như đã được giải quyết thì lại tiếp tục phát sinh, làm tăng sự kích thích của khán giả. Tuy nhiên, ý tưởng kịch bản tốt sẽ không thể "gánh" hết sự vụng về trong biên kịch. Kịch bản được xây dựng thành một câu chuyện dài với nhiều điểm nhấn và giai đoạn nhưng cách giải quyết ở một số tình huống lại không thỏa đáng.

Ví dụ như khi Viên (Thái Hòa) và Trịnh (Kim lý) đột nhập vào nhà nhân vật nọ, dù đã được đạo diễn "trang bị" cho một đạo cụ rất thú vị và quen thuộc với phim Nhật là những chiếc bít tất trùm lên mặt nhưng cách xử lý phi logic ở phân đoạn này gây tiếc nuối ít nhiều. Hay như cách vạch mặt tên "trùm cuối" cũng vậy. Biên kịch đã cố gắng kéo dài sự nguy hiểm của nhân vật này bằng kiểu "lí lẽ" khiến những người khác cứng họng nhưng rốt cuộc cách giải quyết "bá đạo" như trong phim Nhật lại không đủ thỏa mãn, thậm chí còn khiến cả bộ phim bỗng dưng hơi kệch cỡm ở những giây phút cuối cùng.

Vệ Sĩ Sài Gòn - Điểm nhấn hứng khởi cho một năm nhạt nhòa của điện ảnh Việt - Ảnh 6.

Thực sự là đáng tiếc khi cả biên kịch lẫn đạo diễn đã cố gắng dụng công vào kịch bản, để đưa bộ phim thoát ra khỏi cái khung sườn cũ kĩ của Việt Nam bằng những chi tiết và tình huống thường thấy trong các manga Nhật, hay cách đạo diễn "chế biến" những đoạn nhân vật tả xung hữu đột trên đường khá sáng tạo nhưng vì một số tình huống được xử lý quá ngô nghê mà tổng thể phim bị chênh khá nhiều.

Vệ Sĩ Sài Gòn - Điểm nhấn hứng khởi cho một năm nhạt nhòa của điện ảnh Việt - Ảnh 7.

Điểm cộng của phim nằm ở phần "giải trí". Những mảng miếng hài hước được xử lí ổn, đôi chỗ còn hơi bá đạo và lầy, tạo được những tràng cười nghiêng ngả. Đoạn hài hước thú vị nhất chính là đoạn cả hội đồng quản trị của tập đoàn Lê Milk cùng nhau hát ca khúc I Will Survive của Gloria Gaynor như trong một bộ phim nhạc kịch. Chi tiết nho nhỏ này tuy chỉ mang tính gây cười nhưng cũng cho thấy góc nhìn của đạo diễn trong tổng thể phim. Góc nhìn này mang đặc thù hài hước rất Nhật Bản, đó là có thể "tỉnh bơ" trong mọi tình huống, điều khiến cho người khác nghĩ rằng người Nhật không biết đùa nhưng thực sự lại gây cười.

Và I Will Survie chỉ là một phần trong tổ hợp âm nhạc của phim. Có thể nói Vệ Sĩ Sài Gòn là phim Việt Nam dùng nhạc "ăn" nhất từ đầu năm đến giờ. Dù không có một sountrack mới nào nhưng việc tái sử dụng những bản hit cũ đình đám đúng lúc, đúng nơi sẽ khiến khán giả lắc lư và gật gù vì quá hợp. Tưởng tượng chỉ trong một bộ phim điện ảnh mà bạn được nghe cả Bad Boy (Đông Nhi), Oh My Chuối (Sĩ Thanh), Hai Cô Tiên (365daband), Chắc Ai Đó Sẽ Về (Sơn Tùng M-TP) thì sẽ thú vị cỡ nào chứ. Tất nhiên nó chẳng tầm cỡ như bộ phim hoạt hình âm nhạc SING của Hollywood rồi nhưng với một phim hành động hài thì như thế là quá ấn tượng.

Vệ Sĩ Sài Gòn - Điểm nhấn hứng khởi cho một năm nhạt nhòa của điện ảnh Việt - Ảnh 8.

Đố các bạn khung cảnh này được xuất hiện kèm bài nhạc nào đấy!

Bên cạnh sự nổi trội của những tình huống không-đỡ-nổi thì những thông điệp của phim cũng khá ý nghĩa. Đây cũng là đặc điểm quen thuộc của các phim Nhật, đó là xây dựng sự trưởng thành trong suy nghĩ. Có những người phấn đấu cả đời, dốc tâm dốc sức mình ra chỉ để thoát khỏi cái bóng vĩ đại của cha. Có những người vốn dĩ đã chấp nhận với thực tại nhưng đôi khi chỉ vì một cơ hội chạm đến ước mơ mà chấp nhận lao vào cuộc phiêu lưu. Cũng có những người bị cột chặt giữa những hoài nghi mà chỉ có niềm tin mới gỡ được sự bí bách.

Và cũng có cả những sự thể rất lạ kì mà có lẽ bạn nghĩ sẽ chẳng bao giờ xảy ra trong đời thực nhưng bận tâm làm gì vì bản thân cuộc đời vốn là một bộ phim. Chúng ta dù muốn dù không vẫn phải diễn trọn vai của mình, quan trọng là có dám dấn thân hay không mà thôi. Đây là câu trả lời xác đáng nhất dành cho những ai thắc mắc về nhân vật What the Phúc.

Vệ Sĩ Sài Gòn - Điểm nhấn hứng khởi cho một năm nhạt nhòa của điện ảnh Việt - Ảnh 9.

Những thông điệp kể trên không xa lạ với phim ảnh, nhưng trong Vệ Sĩ Sài Gòn nó được thể hiện rất ẩn dụ qua toàn bộ nội dung và những tình tiết nhỏ. Có những bài học được nói ra từ miệng nhân vật, nhưng những đúc kết mà bạn buộc phải từ từ chiêm nghiệm mới là điểm chính. Chính việc xây dựng câu chuyện theo phông văn hóa Nhật này mà đôi lúc đạo diễn Ken Ochiai đã phải "vật lộn" với sự giao thoa của điện ảnh hai nước.

Nhưng, quan trọng nhất là Vệ Sĩ Sài Gòn tạo ra được những tiếng cười thoải mái và sự dễ chịu. Chưa biết phim có thắng lớn hay không nhưng không thể phủ nhận Vệ Sĩ Sài Gòn là một điểm nhấn đáng yêu cho một năm chưa ấn tượng của điện ảnh Việt.