1.Thật khó để viết những từ đầu tiên trong một bài viết về bố. Tôi chưa từng viết một bài viết nào trong đời về bố.
Giống như nhiều đứa trẻ khác, giữa tôi và bố luôn có một bức tường vô hình. Chúng tôi rất ít khi nói chuyện và rất khó để tôi ngồi xuống chia sẻ những vấn đề của mình với ông. Thật kỳ lạ, dù tôi biết chắc rằng về tình cảm giữa tôi và bố, nhưng có một điều gì đấy vẫn chắn ngang ở giữa hai bố con. Một thứ rào chắn đặc biệt được xây nên từ những năm tháng ấu thơ mà ở đó - bố đóng vai ác với những cái nhìn nghiêm khắc và sự kỷ luật.
Ngày tôi còn nhỏ, khác với bây giờ - cách giải quyết của mỗi bậc phụ huynh mỗi khi con cái bị điểm kém, bị cô giáo gọi điện về, đi chơi về muộn, ngồi học không tập trung…. thường là bị đánh đòn. Tôi vốn là một đứa cá biệt, thế nên những trận đòn hay những tiếng mắng, những cái nhìn không hài lòng của bố với tôi trở thành chuyện bình thường. Sau mỗi lần như vậy, cảm giác buồn bã vì làm bố thất vọng, hay đôi khi là ấm ức, khó chịu vì sự quản lý đôi khi trở nên ngộp thở và áp đặt của bố - khiến tôi càng ít nói chuyện với ông hơn. Thậm chí, tôi cảm nhận được một cảm xúc tiêu cực tồn tại rõ ràng và song song với tình yêu thương vốn dĩ tôi vẫn dành cho bố.
Đứng từ phía bố, cũng tồn tại song song hai con người bên trong. Một người khó tính, lạnh lùng, nghiêm nghị. Một người yếu đuối, yêu thương và đầy bối rối trong công việc làm cha.
Một lần nọ, bố nổi giận với tôi vì tôi nhận điểm kém. Lần này tồi tệ hơn mọi lần, ông đóng sầm cửa lại, khóa chốt trong để bà tôi không thể vào can ngăn. Ông cầm một sợi dây thắt lưng, cứ thế quật tôi liên hồi. Tôi cảm thấy rằng sẽ không bao giờ quên những nhát thắt lưng hằn lên người mình lúc đó và có lẽ trong đời, đó là trận đòn đau nhất mà tôi từng phải chịu. Ngày hôm sau, tôi tiếp tục nhận một con điểm kém. Hồi ấy, bố thường hay kiểm tra sách vở mỗi khi tôi đi học về, Nhìn lời phê của cô giáo, bố im lặng sững lại. Tôi nín thở vì biết rằng: “Vậy là xong đời".
Thế rồi, một hành động bất ngờ diễn ra. Bố gục đầu xuống, và từ khi tôi sinh ra cho đến thời điểm đó - lần đầu tiên, tôi thấy bố khóc thút thít. Lẫn trong những tiếng nấc nghẹn, là tiếng bố nói không thành câu: “Bố xin lỗi vì đã đánh con. Bố hứa, đấy sẽ là lần cuối cùng".
Tôi khi đó, xúc động và ngạc nhiên hết sức, khi người bố luôn lạnh lùng và tưởng như sẽ không bao giờ nhún nhường trong việc dạy dỗ - đã gục đầu trước mặt tôi, khóc, xin lỗi và hứa sẽ không bao giờ đánh tôi nữa. Với những bạn trẻ trạc tuổi tôi trở đi, tức là từ đầu 9x cho đến giữa 8x - việc bị bố mẹ đánh đòn ngày nhỏ là một chuyện như cơm bữa và… hiển nhiên. Thế nên, lời hứa này của bố thật sự bất ngờ và trọng đại, một lời hứa mang tính bước ngoặt với một đứa trẻ lớp 6.
Và bằng một cách thần kỳ nào đó, bố đã giữ đúng lời hứa đấy của mình cho đến khi tôi trưởng thành và bước ra đời.
Mãi đến sau này, khi đã hiểu chuyện và nhớ lại - tôi mới có thể cảm nhận được sự nỗ lực và tình yêu thương của một người bố đã vượt lên cả những giận dữ, những đè nén, những bất lực trong việc dạy dỗ một đứa trẻ. Đó là cả một sự cố gắng phi thường của một người đàn ông trung niên ít học, lớn lên được dạy dỗ để trở thành gia trưởng một cách hiển nhiên và không ai trách cứ. Ngày ấy, bố được đặt vào tay cái quyền đánh con cái nặng nề và đau đớn hơn. Nhưng vì tình thương lẫn xót xa, bố tôi đã từ chối cái quyền đấy để nuôi dạy tôi lớn lên trong sự kiên nhẫn và cảm thông vô hạn của mình.
2. Chúng ta nhìn thấy rất nhiều hình ảnh của bố mình trong vai diễn ông Sơn của Về nhà đi con.
Một người bố vừa nghiêm khắc, một người bố vừa lóng ngóng tìm cách hoà hợp với những suy nghĩ và lối sống của các con, một ông bố luôn đau đáu trăn trở làm thế nào để các con tìm được hạnh phúc của riêng mình. Một ông bố sẽ cứng rắn để các con ngã, để các con mạnh mẽ bước vào đời, nhưng cũng là một ông bố đầy cảm thương khi bắt gặp con tả tơi vì bị cuộc sống vùi dập.
Đôi khi, nỗi lo và nỗi đau làm ông trở nên áp đặt. Ông muốn con mình đi một con đường mà ông nghĩ rằng nó sẽ dễ dàng, an toàn và ấm áp hơn. Đôi khi, ông làm tổn thương những cô con gái của mình vì chính những lo toan và mong muốn ấy.
Thế nhưng, ông Sơn cũng là người sẽ lắng nghe và làm đến cùng mọi việc để đổi lấy hạnh phúc của các con mình. Những đau đớn, vất vả ngoài kia không là gì với những nỗi lo bố gánh trên vai. Nhìn Huệ bị dày vò tột độ trong cuộc hôn nhân không lối thoát - ông sẵn sàng bỏ một khoản tiền lớn để đổi lấy tự do cho cô. Để lại được dang rộng vòng tay đón cô con gái yêu thương của mình vào lòng, và thì thầm nói:
"Về nhà đi con."
Biên kịch của bộ phim đã từng chia sẻ, mỗi lần ông Sơn nói “Về nhà đi con" với các cô con gái của mình, cũng là lúc cuộc đời đã thử thách, đã đánh gục họ. Đó là lúc họ cô đơn nhất, đau khổ và hoang mang nhất, cũng là lúc họ cần một bàn tay chìa ra để neo lại trước khi bị dòng đời khắc nghiệt cuốn đi. Và đó là lúc, gia đình xuất hiện. Là lúc bố xuất hiện, mạnh mẽ và cứng rắn, đầy yêu thương và mong ngóng: “Về nhà đi con".
3. Tình yêu thương của bố luôn luôn là thứ tình yêu thầm lặng và nhiều trăn trở nhất. Tôi tin rằng kể cả với người bố nồng nhiệt và thấu hiểu nhất trên đời, thứ tình yêu của ông vẫn tồn tại rất nhiều sự nghiêm khắc, cứng rắn và những cố chấp.
Có lẽ vì thế, bố luôn là người cuối cùng chúng ta muốn biết đến những khó khăn, những thất bại mà ta gặp phải. Sự kiêu hãnh - bởi biết rằng bố nghiêm khắc và chu toàn - nên sẽ chẳng muốn bố biết mình đang rắc rối. Sự yếu đuối - bởi biết rằng bố sẽ lo lắng còn nhiều hơn, nên chẳng muốn bố thêm một đêm mất ngủ.
Bố có thể sẽ rất nghiêm khắc khi biết con đang đối mặt với những thử thách lớn của cuộc đời. Có thể, bố sẽ áp cho con những lựa chọn mà con thấy bố chẳng hề hiểu, nhưng bố nghĩ như vậy là tốt nhất. Thế nhưng, chỉ cần bố nhìn thấy con đau khổ, chỉ cần bố biết con đang bị cuộc đời quật ngã, bị những kỳ vọng dập tả tơi, khi bố biết con đang chạm đáy - đó cũng là lúc, bố lại ở đó, sốt sắng dang rộng vòng tay đón con trở về.
“Về nhà với bố đi con".
Bố nhắn tin cho tôi như vậy khi biết tôi đang gặp một biến cố trong đời sống riêng. Tất cả mọi nỗi lo lắng, tất cả tình yêu thương, tất cả những áp lực đang đè nặng lên bố, những nỗi sợ hãi và bao đồng ông dành cho tôi - đều được gửi trọn vẹn vào 6 từ ấy. Ở trong đó, có cả sự trông ngóng mòn mỏi, thao thức, chỉ yên tâm khi thấy bóng hình con ở cửa nhà.
“Về nhà với bố đi con".
Một thứ tình yêu lớn lao dù không được diễn tả chi tiết qua từ ngữ, thế nhưng chừng đó cũng đủ để bất cứ đứa con nào cũng có thể cảm thấy được sự an toàn, ấm áp và vòng tay của bố mẹ đang dang rộng phía sau.
"Về nhà đi con".
Câu nói ấy làm cho chúng ta cảm thấy an tâm. Bởi ở tận cùng của những ngày tháng đen tối, vẫn có một luồng sáng toả ra từ mái nhà, và một hơi ấm bình yên từ trái tim của bố, của mẹ vẫn mãi ở bên.