Vẻ đẹp của miền Tây Nam bộ mùa nước nổi

Quỳnh Anh/VTV.NEWS, Theo VTV NEWS 08:31 22/12/2024
Chia sẻ

Vào mùa nước nổi, miền Tây Nam Bộ khoác trên mình vẻ đẹp giản dị và hữu tình của non sông, hấp dẫn du khách bởi nhiều sản vật của thiên nhiên.

Vào mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long, những con đường hóa thành sông, những ngôi nhà lênh đênh trên sóng nước. Khi đó, miền Tây Nam Bộ khoác trên mình vẻ đẹp giản dị và hữu tình của non sông.

Vẻ đẹp của miền Tây Nam bộ mùa nước nổi- Ảnh 1.

Món quà mà thiên nhiên ban tặng

Hàng năm, như một lời ước hẹn với thiên nhiên, cứ vào khoảng tháng 7 – tháng 10 Âm lịch (tức tháng 8 – tháng 11 Dương lịch), con nước từ thượng nguồn sông Mekong lại đổ về đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là lúc những cánh đồng xanh mát tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tứ Giác Long Xuyên được thay thế bởi cảnh tượng mênh mông sóng nước. 

Từ bao đời nay, mùa nước nổi là điều thân thuộc với bà con miền Tây Nam Bộ. Nước về không chỉ mang phù sa, rửa mặn cho những cánh đồng mà còn mang theo nhiều món quà thiên nhiên ban tặng, đó là nguồn thủy sản dồi dào. Với người dân nơi đây, nước về là mừng, là thời điểm để họ thay đổi phương thức canh tác và mưu sinh. Từ canh tác nông nghiệp, bà con chuyển sang khai thác những nguồn lợi dồi dào mà con nước mang lại. Người dân nơi đây coi con nước là bạn, mỗi năm nước về thăm làng, mang theo đầy ắp cá tôm. Vì vậy, dù hơn 2.000ha đất nông nghiệp ngập nước nhưng họ không mảy may lo lắng. Mà ngược lại, với những người dân tần tảo miền Tây, năm nào nước về dồi dào là năm đó họ bội thu ngư sản. 

Vào mùa nước nổi, những khu chợ được hình thành tại nơi hợp lưu của các nhánh sông, người dân bán cá cho thương lái. Tất cả đều mua bán giao dịch trên ghe, trên tàu.

Vẻ đẹp của miền Tây Nam bộ mùa nước nổi- Ảnh 2.

Sức hút của vùng đất hiền hòa

Không chỉ đem lại nguồn lợi thủy sản cho bà con nông dân, mùa nước nổi miền Tây còn mang tới sức sống mới cho những cây sen, bông súng, cỏ năng, rừng tràm thêm xanh tốt. Mỗi mùa nước nổi về, miền Tây như được thay một màu áo mới, là mùa chim khắp nơi bay về làm tổ đầy đàn, mọi thứ dường như đều sinh sôi nảy nở.

Đến miền Tây mùa nước nổi là đúng mùa du lịch, khi vùng đất này đang khoác trên mình lớp áo sắc màu rực rỡ nhất. Nước lên, hoa sen, hoa súng mọc đầy đồng. Du khách có thể trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như: bơi xuồng check-in cánh đồng sen, hái bông súng, dỡ chà bắt cá trên sông Tiền, ra đồng hái bông điên điển, tắm đồng, thưởng thức nhiều món ăn dân dã tại địa phương. Một trong những món ăn đặc sản miền Tây vào mùa nước nổi là canh chua cá linh nấu với bông điên điển. Khi cá linh theo nước sông Mekong bơi về rất nhiều cũng là lúc những bông điên điển trổ vàng ngoài đồng. Từ những thứ sẵn có này, người dân đã khéo léo kết hợp các món ăn mang ăn đậm hương đồng gió nội. Chính cuộc sống khó khăn từ xa xưa đã tạo nên sự sáng tạo trong ẩm thực của người dân miệt sông nước Nam Bộ mỗi mùa nước lũ tràn về. Vào khoảng tháng 11 Âm lịch, khi lũ rút dần cũng là lúc bông điên điển tàn một mùa hoa.

Người dân ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tứ Giác Long Xuyên đã sống chung với lũ từ bao đời nay, họ xem mùa nước nổi là một mùa tất yếu, là một món quà mà thiên nhiên ban tặng.

Vẻ đẹp của miền Tây Nam bộ mùa nước nổi- Ảnh 3.

Chuyện về loài hoa vươn mình trong nước lũ

Nước lũ về không chỉ mang theo tôm cá mà còn giúp những cây súng vươn mình trổ bông. Hoa súng được coi là loài cây có sức sống kỳ diệu nhất ở vùng đất miền Tây, dù có phần thân mềm mại nhưng có thể mọc trong điều kiện mưa lũ khắc nghiệt. Loài cây này vươn lên theo nước lũ, nước càng dâng thì cuống lá, cọng càng dài. Bông súng chỉ nở đẹp vài ngày rồi tàn, những nụ mầm trổ bông lần lượt suốt mùa cho đến khi nước đồng dần cạn, mầm/rễ bông súng lại “ngủ vùi”, chỉ thức dậy vào mùa nước năm sau.

Vẻ đẹp của miền Tây Nam bộ mùa nước nổi- Ảnh 4.

Súng là loài cây mọc hoang dã, không cần đến bất cứ sự chăm sóc nào. Loài hoa súng phát triển vô cùng mạnh mẽ, làm rực rỡ cả một khoảng trời. Hoa súng chủ yếu có màu hồng tím, một số loài mọc dại mang màu trắng tinh khiết. Mỗi mùa hoa súng miền Tây nở, cả vùng sông nước miền Tây như được tô điểm thêm rực rỡ.

Bông súng là loại hoa rau đặc sản phổ biến nhất ở miền Tây, mọc hoang dại khắp nơi, từ sông rạch, đồng ruộng đến bàu nước trũng. Có nơi người dân nuôi trồng bông súng để khai thác như rau, còn phần lớn loài hoa này mọc, phát triển hoang dại. 

Người dân miền Tây, phần lớn là phụ nữ thường thức dậy từ tinh mơ để chèo xuồng ra đồng ngắt bông súng về đem ra chợ bán hay chế biến món ăn như gỏi bông súng, canh chua, lẩu mắm, hay chẻ mỏng ăn sống với một số loại rau chấm mắm kho. Hái bông súng ma mùa nước nổi là một trong những công việc gắn bó lâu đời và mang đậm vẻ đẹp bình dị, mộc mạc của người dân nơi này. 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày