Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội luôn "nóng" hơn bao giờ hết, khi chỉ tiêu vào các trường công lập hạn hẹp trong khi số lượng thí sinh quá đông đảo. Với tỷ lệ chọi tại một số trường top đầu lên tới 1:3 (tức 3 thí sinh cạnh tranh 1 suất), việc đỗ vào trường công lập đã trở thành "giấc mơ" của nhiều học sinh. Đặc biệt, vào các trường top đầu lại càng gay gắt.
Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng, sau cánh cổng trường chuyên lớp chọn mà bao học sinh mơ ước, nhiều gia đình lại đối mặt với những khó khăn không kém phần căng thẳng. Chẳng hạn như câu chuyện được một bà mẹ ở Hà Nội tâm sự mới đây.
Năm ngoái, con trai chị đỗ vào một trường công lập. Niềm vui chưa được bao lâu thì gia đình chị đối mặt với bài toán di chuyển: 30km khứ hồi mỗi ngày, tốn 4 lượt xe buýt, mất ít nhất 4 tiếng đồng hồ chỉ để đi lại.
Ảnh minh họa
"4 tháng cả nhà đều vất vả cùng con. Sáng dậy 5h sáng để 6h ra buýt đi 2 tuyến. Chiều 5h30 tan nhưng thường 7-8h tối con mới về đến nhà, vẫn là 2 tuyến buýt với tắc đường, đợi xe. Sáng thì thường m chở ra Giải phóng để con đi 1 tuyến đỡ vất vả.
Con lên xe, mẹ dõi theo mà thương con. Buổi nào học mỗi chiều thì 9h sáng con phải nấu để 10h ăn trưa và 11h lại vội vã ra xe buýt. Cứ vậy 4 tháng ròng rã và mẹ vừa đi làm tất bật. Con đi học xa ngái, sút cân, học sa sút, không có thời gian đi chơi", chị kể.
May mắn thay, gia đình chị đã kịp thời xin chuyển trường cho con về ngôi trường gần nhà – chỉ cách 700m. "Từ ngày đó, con có thời gian nghỉ ngơi, sức khỏe cải thiện, việc học cũng tốt hơn. Ba mẹ cũng yên tâm làm việc", chị nói.
Câu chuyện của chị đã chạm vào cuộc tranh luận chưa có hồi kết trong cộng đồng phụ huynh: Liệu có nên hy sinh sức khỏe và thời gian của con chỉ để theo học những ngôi trường danh tiếng?
Dưới phần bình luận, nhiều phụ huynh đồng cảm với bà mẹ này. Một ông bố cho biết, sáng nào con mình cũng đi học 16km, cả đi và về 32km. Chiều con lại đi làm thêm gần chỗ học nên gầy rạc cả người.
Nhiều phụ huynh lập luận rằng môi trường giáo dục chất lượng sẽ quyết định tương lai của con. Cấp 3 là giai đoạn quan trọng để chuẩn bị cho đại học. Một ngôi trường tốt với đội ngũ giáo viên giỏi và bạn bè chăm học sẽ tạo động lực cho con phấn đấu.
"Không sao đâu mẹ nó ạ, các con đi sẽ nhanh quen lắm. Con nhà mình ngày nào cũng 4 chuyến đi về, có hôm có ca học buổi khác còn thành 8 chuyến. Sắp xếp thời gian hợp lý là được mà. Đường xa đi xe bus an tâm lắm, mưa không đến mặt nắng chẳng đến đầu", một phụ huynh động viên. Người khác cho biết, cạnh nhà mình có một gia đình chuyển đến thuê để con học cấp 3, nhà của họ ở quận khác thì cho thuê lại. Bố mẹ đi làm xa một chút không sao, cố gắng vì tương lai của con cái", một bà mẹ nói.
Tuy nhiên, luồng ý kiến khác phân tích, chất lượng giáo dục không chỉ nằm ở danh tiếng nhà trường. Một học sinh kiệt sức vì đường xa sẽ khó có thể tiếp thu kiến thức hiệu quả. Quan trọng là tìm được môi trường phù hợp với năng lực và thể trạng của từng em.
Họ cho rằng, nếu họ là em học sinh nói trên, đi học được 1 tuần cũng muốn nghỉ. Đi 30km khứ hồi kèm leo lên leo xuống xe buýt 4 lượt toàn giờ cao điểm. Ra khỏi nhà lúc gà chưa gáy và về nhà lúc gà lên chuồng. Giấc ngủ của con bị rút bớt đi rồi, thì lấy sức khỏe đâu ra mà đảm bảo học hành.
"Nhà mình 3 đứa lớn đã từng thi, đứa lớn đỗ trường công, học ngày học đêm. Sau 3 năm thi đai học thì rớt, cuối cùng thì xin vào trường đại học dân lập. Đứa thứ 2 thi vào Hai Bà Trưng trượt, sau đó vào dân lập sau, 3 năm thi đại học thì lại đỗ trường top, ra trường được bằng khá giỏi. Còn đứa thứ 3mình xin thẳng vào dân lâp, ấy thế mà năm lớp 10, bạn ý vào tốp 10 học sinh giỏi và rất thích học. Học phí trường tư cũng chỉ hơn 2 triệu, trong khi trường công cộng thêm tiền học thêm cũng tương đương. Đừng quá coi trọng chuyện công - tư!", một phụ huynh góp ý.
Thực tế cho thấy, nhiều học sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi đại học lại xuất thân từ những trường không thuộc top đầu. Điều này chứng minh rằng yếu tố quyết định vẫn nằm ở ý thức học tập của bản thân mỗi học sinh. Đừng để áp lực "trường chuyên lớp chọn" đánh cắp tuổi thơ của con. Một đứa trẻ hạnh phúc, khỏe mạnh sẽ học tập hiệu quả hơn một đứa trẻ kiệt quệ vì danh tiếng".
Câu chuyện của bà mẹ nói trên và con trai là bài học quý giá cho các bậc phụ huynh đang đứng trước ngưỡng cửa chọn trường cấp 3. Liệu chúng ta có đang quá chú trọng vào cái mác "trường top" mà quên đi những yếu tố quan trọng khác như sức khỏe, hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con?
Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại quan niệm "trường tốt bằng mọi giá". Bởi lẽ, không có thành công nào bền vững nếu phải đánh đổi bằng sức khỏe và niềm vui tuổi trẻ.