Năm 2020, một vụ kiện hy hữu xảy ra tại Hà Nam, Trung Quốc đã khiến dư luận xôn xao. Một gia đình ở Trung Quốc đã đệ đơn kiện trường cấp 3 của con trai mình, đồng thời đòi bồi thường 1,2 tỷ đồng vì lý do không ai ngờ: con trai họ, thi trượt kỳ thi đại học khốc liệt.
Theo đơn kiện, vị phụ huynh này cho rằng nhà trường đã không hoàn thành trách nhiệm giảng dạy, dẫn đến kết quả thi thảm hại của con trai, khiến cậu thi trượt kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời. Họ đã đầu tư học phí đắt đỏ cho trường với kỳ vọng con được dạy tốt, nhưng kết quả thi đáng thất vọng lại là minh chứng cho sự thất bại của nhà trường. "Chúng tôi trả tiền để con có tương lai, vậy tại sao trường không làm tròn trách nhiệm?", phụ huynh bức xúc viết trong đơn kiện.
Vụ việc nhanh chóng trở thành tâm điểm tranh cãi ở thời điểm đó. Một số người đồng tình với phụ huynh, cho rằng trường học phải chịu trách nhiệm khi nhận học phí cao nhưng không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến phản đối, họ lập luận rằng việc học tập là trách nhiệm chung của học sinh, gia đình và nhà trường, phụ huynh đang đổ lỗi vô lý và kỳ vọng quá nhiều vào giáo viên.
Sau khi xem xét, tòa án đã bác đơn kiện, khẳng định phụ huynh không cung cấp được bằng chứng cụ thể về việc trường thiếu trách nhiệm. Dù vụ kiện khép lại, nó đã mở ra một câu hỏi lớn: Ai thực sự chịu trách nhiệm cho thành công của con trẻ?
Liên quan đến vụ việc, theo một chuyên gia giáo dục nổi tiếng của Trung Quốc, vụ kiện này phản ánh một quan niệm sai lầm phổ biến: nhiều phụ huynh xem giáo dục như một giao dịch, nơi họ trả tiền để đổi lấy thành tích cao.
"Học phí đắt không đảm bảo con sẽ thành công. Giáo dục là hành trình đòi hỏi sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và học sinh. Đổ lỗi cho trường học không giải quyết được vấn đề, mà còn tạo áp lực tiêu cực cho trẻ", chuyên gia này nhấn mạnh.
Giáo dục là hành trình cần sự chung tay của nhiều bên (Ảnh minh họa)
Vị chuyên gia cũng đề xuất 3 cách phụ huynh có thể hỗ trợ con hiệu quả hơn:
- Tạo môi trường học tập tích cực: Thay vì gây áp lực điểm số, hãy khuyến khích con tìm niềm vui trong học tập.
- Dạy con trách nhiệm: Học sinh cần học cách tự chịu trách nhiệm với việc học, thay vì ỷ lại vào giáo viên.
- Đồng hành thay vì kỳ vọng: Hãy lắng nghe con, hiểu khó khăn của con, và cùng con tìm giải pháp.
Chuyên gia không quên cảnh báo: "Nếu phụ huynh chỉ biết đổ lỗi, họ có thể vô tình khiến con sợ thất bại, ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý và sự tự tin của trẻ".
Vụ kiện ở Hà Nam là một phần của bức tranh lớn hơn về áp lực giáo dục tại Trung Quốc. Kỳ thi đại học Gaokao, được xem là "cửa ải định mệnh", đặt học sinh vào cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành suất vào đại học. Theo thống kê năm 2020, chỉ khoảng 40% thí sinh vượt qua Gaokao để vào đại học, khiến áp lực đè nặng lên cả học sinh và phụ huynh. Nhiều gia đình đầu tư hàng chục triệu đồng cho học phí, gia sư, lớp luyện thi, với hy vọng con có một tương lai tươi sáng.
"Dù ở quốc gia nào, áp lực điểm số cũng có thể khiến phụ huynh và học sinh lạc lối. Điều quan trọng là giúp trẻ phát triển toàn diện, thay vì chỉ chạy theo thành tích", chuyên gia giáo dục nhận định.
Dưới đây là 5 bài học cho mọi phụ huynh:
1. Điểm số không phải tất cả: Một kỳ thi không định nghĩa giá trị hay tương lai của con.
2. Thất bại là bài học: Hãy dạy con cách đối mặt và vượt qua thất bại, thay vì sợ hãi nó.
3. Hỗ trợ kỹ năng sống: Ngoài học thuật, trẻ cần học cách quản lý thời gian, kiểm soát cảm xúc và tự ra quyết định.
4. Làm việc cùng nhà trường: Phụ huynh và giáo viên cần phối hợp để tạo môi trường học tập tốt nhất cho con.
5. Tôn trọng con đường của con: Không phải ai cũng cần vào đại học. Hãy để con theo đuổi đam mê và năng lực riêng.
Cha mẹ cần xác định vai trò của mình (Ảnh minh họa)
Vụ kiện này là lời nhắc nhở rằng giáo dục không chỉ là điểm số hay tấm bằng, mà là hành trình dài cần sự yêu thương và đồng hành. Còn theo bạn, bạn nghĩ ai sẽ chịu trách nhiệm chính cho thành công của con?
Tổng hợp