Vào quán bún đậu gọi thêm chén nước mắm, kẻ nhìn "kì thị", người lại cảm thông

Quỳnh Đào, Theo Trí Thức Trẻ 09:08 19/05/2019

Từ chuyện này, ta suy rộng ra và bàn luận về hai trường phái ăn uống giữ vững nguyên tắc và "tuỳ tâm sở dục", ăn theo sở thích phù hợp với mình.

Bạn có từng – hay biết một ai đó – ăn bún đậu với nước mắm, nước tương hay thậm chí là tương ớt không? Nếu có, hẳn bạn sẽ chẳng xa lạ với những ánh nhìn "kì thị".

Vào quán gọi bún đậu thêm chén nước mắm, bạn đã từng?

Không chỉ bún đậu mắm tôm, cũng có nhiều món ăn được "biến tấu" và hứng chịu nhiều ý kiến trái chiều. Ví dụ như phở Thìn nổi tiếng nhiều hành mới thơm, mà lại có người kêu… bỏ hành. Hay chuyện vắt thêm nhiều chanh, cho thêm tương đen, tương ớt vào tô phở, tô bún được một số người cho là "làm hư nước dùng". Hay cũng có những quán ăn bán cả ba, bốn loại mì, hủ tiếu, bún, phở nhưng lại dùng chung một nồi nước thì lại xem là quá "xuề xoà"…

Vào quán bún đậu gọi thêm chén nước mắm, kẻị nhìn kì thị, người lại cảm thông - Ảnh 2.

Bạn có bao giờ bị "kì thị" khi ăn bún đậu với nước chấm khác mắm tôm? Nguồn ảnh: Sinh viên và chuyện đi làm.

Đây là bởi vì trong mắt một số người, những chuyện như thế đơn giản là "không đúng". Với họ, bún đậu mắm tôm luôn đi đôi, mất mắm tôm như "người đi một nửa hồn tôi mất". Hay phở không hành, thiếu mất màu xanh lại quá nhạt nhẽo...

Và quả tình hội nguyên tắc cũng có cái lý lẽ riêng, ấy là những tính chất, hệ thống đều có lý do cả, vì chúng tạo nên cái gọi là "nhân dạng" cho món ăn. Giải thích đơn giản, ở mức độ cơ bản thì phở gà phải có gà, phở bò thì phải có bò, và để gọi là món phở thì phải có… bánh phở. Điều ấy là hiển nhiên. Ở tầm xa hơn, có những điều mà ta tự hiểu chứ không dựa vào mặt chữ nữa: ví dụ như nước dùng phở phải có các vị thuốc bắc như quế, hồi, bát giác… thì mới gọi là nước dùng phở. Nếu "cố đấm ăn xôi" gọi nước dùng khác là nước phở thì thể nào cũng nổ ra tranh cãi khó tránh được.

Ở mức xa hơn một chút nữa, thì là các nguyên tắc khi ăn uống, ví như bún đậu thường đi đôi với mắm tôm, hay ăn phở phải có hành…

Có những nguyên tắc "hiển nhiên" không thể sai phạm như phở bò phải có bò và phở gà phải có gà.

Tuy nhiên, như thế cũng không có nghĩa là hội những người ăn uống "phi truyền thống" lại đáng bị "hắt hủi".

Khách quan mà nói, bên nào cũng có cái lý riêng của mình nên thật không phải khi nói rằng ai sai, ai đúng. Đối với phe nguyên tắc, tin rằng việc "ăn đúng" sẽ giúp giữ gìn bản sắc của món ăn. Còn phe phóng khoáng thì tin rằng ăn uống là việc mang lại sự vui vẻ, sự thoả mãn, nên có thể "du di", thay đổi sao cho phù hợp với sở thích cá nhân. Có vậy thì ăn mới ngon, mới thích được. Có nhiều người dị ứng hoặc không ăn được một số thành phần nguyên liệu, và chỉ vì thế mà bỏ cả món ăn thì cũng rất đáng tiếc.

Vào quán bún đậu gọi thêm chén nước mắm, kẻị nhìn kì thị, người lại cảm thông - Ảnh 4.

Còn trường hợp phở không hành như thế này thì vẫn là... phở đó thôi, sở thích cá nhân của mỗi người mà!

Đương nhiên, có những trường hợp biến tấu… sai đến không thể bao che được, vì nó sai ở mức cơ bản. Ví như trang Tastemade có lần đăng tải hướng dẫn nấu phở trong 5 phút mà không hề dùng đến… bánh phở. Hay lần một đầu bếp nào đó dùng hạt diên mạch (quinoa) thay cho… bánh phở. Đây là những trường hợp sai từ định nghĩa cơ bản. Những lần thế này thì tin là dù phe nào đi chăng nữa, cũng sẽ phản đối kịch liệt đấy nhỉ?

Hai trường hợp "đáng lên án" khi dám gọi hai món chẳng hề có bánh phở là... phở: phở chay hạt diên mạch và phở trong lọ.

Mặt khác, việc biến tấu cách ăn sao cho phù hợp với cá nhân thực ra không hề mang tính truyền bá, mà được làm với mục đích thoả mãn cá nhân, thiểu số. Những người bạn thiện lành ăn bún đậu với nước tương, ăn phở không hành vẫn hiểu được chứ, rằng việc họ đang làm là "phi truyền thống" và hiếm ai trong số đó có ý định thực thi một "cuộc cách mạng trong ăn uống" cả.

Vậy nên, để giữ hoà khí trong cộng đồng đam mê ẩm thực, hãy chấp nhận lẫn nhau, kể cả khi bạn ăn bún đậu với mắm tôm hay nước tương đi chăng nữa bạn nhé!

Vào quán bún đậu gọi thêm chén nước mắm, kẻị nhìn kì thị, người lại cảm thông - Ảnh 6.