Vận động viên Olympic nhập viện cấp cứu sau khi bơi trên sông Seine, vi khuẩn E.Coli nguy hiểm đến thế nào?

Phạm Trang, Theo Thanhnienviet.vn 11:11 08/08/2024
Chia sẻ

Khuẩn E.coli là một trong những chủng vi khuẩn nguy hiểm có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và gây ra các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, nôn... thậm chí dẫn đến tử vong.

Hai vận động viên ba môn phối hợp tại Thế vận hội Paris 2024 đại diện cho Bỉ và Thuỵ sĩ sau khi thực hiện phần thi bơi trên sông Seine đã cảm thấy không khỏe. Trong đó, nữ vận động viên người Bỉ Claire Michael đã buộc phải nhập viện khẩn cấp do nhiễm E.Coli, một loại vi khuẩn đường ruột. Điều này đã khiến nữ vận động viên gần như phải chia tay đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh này.

E.Coli là loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong các nguồn nước ô nhiễm hoặc các thực phẩm và chất thải... thường gây ra triệu chứng ốm, sốt, nôn và buồn nôn, tiêu chảy, kiết lỵ...  cho người nhiễm.

Vận động viên Olympic nhập viện cấp cứu sau khi bơi trên sông Seine, vi khuẩn E.Coli nguy hiểm đến thế nào?- Ảnh 1.

Nữ vận động viên người Bỉ Claire Michael đã phải nhập viện sau phần thi của mình (Ảnh: Reuters)

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh sẽ thuyên giảm sau vài ngày. Tuy nhiên, với những người có sức đề kháng kém, nhóm người dễ bị tổn thương như người già, trẻ em... thì khi vi khuẩn xâm nhập vào máu có thể di chuyển đến các cơ quan khác và gây hậu quả nặng nề, thậm chí là tử vong.

Tiến sĩ Simon Clarke, nhà vi sinh vật học đến từ Đại học Reading, cho biết: "Việc bơi ở những vùng nước ô nhiễm do phân và các chất thải đều dẫn tới nguy cơ nhiễm vi khuẩn E.Coli cũng như nhiều loại mầm bệnh khác". Ngoài ra, việc sử dụng nguồn nước gần nơi chăn nuôi gia súc cũng tăng khả năng nhiễm E.Coli.

Vi khuẩn E.Coli cũng có thể sản sinh độc tố shiga (STEC) - một chủng vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy hiếm gặp.

UKHSA (Cơ quan An ninh Y tế Anh) cho biết, các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng khác nhau từ đau bụng và nôn mửa đến máu lẫn trong phân đều có thể xảy ra. Thường rất khó phát hiện vì các triệu chứng giống nhau có thể do nhiều loại vi khuẩn gây ra.

Vận động viên Olympic nhập viện cấp cứu sau khi bơi trên sông Seine, vi khuẩn E.Coli nguy hiểm đến thế nào?- Ảnh 2.

Vi khuẩn E.Coli (Ảnh: Getty Images)

STEC được coi là loại vi khuẩn cực kỳ dễ lây nhiễm và trong 15% các trường hợp, loại vi khuẩn này có thể gây ra hội chứng tan máu tăng ure máu (HUS) - một tình trạng đe dọa tính mạng có thể dẫn đến suy thận, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em. Một tỷ lệ nhỏ người lớn có thể mắc phải tình trạng tương tự gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (TTP) - một chứng rối loạn máu hiếm gặp, đe dọa tính mạng.

STEC cũng có thể lây lan qua việc chạm trực tiếp vào động vật bị nhiễm bệnh hoặc phân của chúng cũng như tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh (ví dụ như trong quá trình chăm sóc). Bệnh cũng có thể lây lan qua nước bị ô nhiễm (như vệc uống nước bị ô nhiễm hoặc vô tình nuốt phải nước khi bơi).

Tuy nhiên, Tiến sĩ Clarke cũng giải thích thêm, việc phát hiện nguồn nước chứa vi khuẩn E.Coli cũng đồng nghĩa với việc nó sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khác như sán dây và viêm gan.

Giáo sư Paul Hunter, một chuyên gia nổi tiếng về bệnh truyền nhiễm đến từ Đại học East Anglia, nói: "Vi khuẩn E. coli được phát hiện trong sông Seine không phải mốilo ngại lớn nhất. Mỗi người chúng ta đều mang trong mình hàng tỷ vi khuẩn E. coli trong ruột và được đào thải qua quá trình đi vệ sinh. 

Chúng tôi theo vi khuẩn E. coli trong nước không phải vì những sinh vật này nguy hiểm với con người mà là vì nếu tìm thấy chúng với số lượng lớn cũng đồng nghĩa với việc nguồn nước đó cũng có những vi khuẩn khác gây bệnh nguy hiểm, chẳng hạn như Norovirus hoặc Campylobacter."

Ngoài việc "ăn chín uống sôi" cũng như không bơi trong những nguồn nước bị ô nhiễm, chúng ta có thể phòng tránh nhiễm khuẩn E.Coli bằng những cách sau:

- Sử dụng thực phẩm an toàn, chỉ dùng các thực phẩm tươi. Cần phải ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch các loại quả, rau ăn sống. Nên gọt vỏ hoa quả trước khi ăn. Không sử dụng các loại thực phẩm đông lạnh đã được rã đông và cấp đông lại nhiều lần.

-Thức ăn sau khi vừa nấu xong nên ăn ngay, đảm bảo hương vị của món ăn đồng thời tránh nhiễm khuẩn từ môi trường.

- Cần bảo quản các thức ăn đã nấu chín cẩn thận và đúng cách. Các thức ăn chín nếu dùng lại sau 5 tiếng nên được đun kỹ lại. Không nên dùng các thức ăn dùng lại cho trẻ em.

- Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc với thức ăn sống hoặc với các bề mặt bẩn (như sử dụng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm). Bát đĩa cần phải được vệ sinh và lau khô bằng khăn sạch.

Nguồn: Daily Mail

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày