Tháng 8/2018, một sự kiện diễn ra đã khiến "vấn đề sức khỏe tinh thần" của các tuyển thủ được mọi người quan tâm hơn. Tuyển thủ Justin "Plup" McGrath tưởng chừng như sẽ giành chức vô địch của tựa game đối kháng Super Smash Bros kết thúc giải đấu ở Hạng 3.
Điều này gây khó hiểu vì anh đang là ứng cử viên cho chức vô địch. Vậy điều gì đã khiến anh thua cuộc? Đó là sự hỗn loạn trong tâm trí. Hay nói cách khác, anh bị vấn đề về tâm lý, cảm thấy áp lực quá mức cần thiết.
Justin "Plup" McGrath gặp vấn đề tâm lý khi thi đấu. Ảnh: ESPN.
Sau sự kiện, McGrath viết trên Twitter rằng đó là lần đầu tiên trong đời anh bị hoảng loạn ngay giữa giải đấu. Đồng thời, anh nói rằng vấn đề này giúp McGrath tự nhắc nhở bản thân về môi trường cạnh tranh chuyên nghiệp.
"Lúc đó, tôi cảm thấy rất hỗn loạn. Tôi cảm thấy mình trở nên bồn chồn mỗi khi bước lên sân khấu. Chỉ viết ra ở đây thôi mà tim tôi đã đập loạn xạ, tôi cần chú ý nhiều thêm nữa khi đấu giải", anh chia sẻ sau khi bị loại khỏi giải đấu.
Theo đó, trong giới thể thao điện tử, các vấn đề tinh thần xảy ra quá nhiều, thường xuyên nhưng lại không được chú ý đúng mực. Khi game thủ hay đội tuyển thua ở những giải đấu lớn, thứ đầu tiên họ nhận được từ người hâm mộ là áp lực.
Khi xem xét một đội/người chơi có cơ hội trở thành nhà vô địch hay không, bàn về kỹ năng cá nhân hoặc khả năng phối hợp là chưa đủ. Nhà vô địch thật sự cần phải có tâm trí vững vàng để chịu áp lực và sự phán xét từ mọi mặt. Những chiến binh mạnh nhất là những người cứng cỏi nhất.
Ở Bắc Mỹ, các đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại bắt đầu cung cấp cho người chơi những căn hộ và khu luyện tập riêng biệt. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, điều này chưa được phổ biến khi truyền thống team house vẫn còn tồn tại. Ở nơi đó, cả đội cùng thức, cùng ăn, cùng tập và đôi khi cùng ngủ mà không có thời gian riêng. Trung bình mỗi mùa đấu, các thành viên sẽ có một ngày nghỉ ngơi mỗi tuần, còn lại thì lao vào luyện tập. Đôi khi, họ còn nhận được sự chỉ trích từ người hâm mộ.
Các tuyển thủ của GAM Esports đang hứng chịu "búa rìu" dư luận. Ảnh: Riot Games.
"Tôi gặp được nhiều người chơi, sau khi họ thông suốt thì sự nghiệp của họ thay đổi hoàn toàn. Một trong những người tôi làm việc cùng từng có danh tiếng khá tệ trong cộng đồng và không phải ai cũng dám mạo hiểm đưa cậu ta về đội. Tuy nhiên, sau khi làm việc rõ ràng, chúng tôi nhận ra những hành động xấu của cậu là để trốn tránh nỗi sợ thất bại mà thôi" Summer Scott, người đứng đầu bộ phận phát triển tuyển thủ ở Counter Logic Gaming cho biết.
"Ngay khi cậu ta nhận ra điều đó, cậu ấy đã cố gắng đối mặt với nỗi sợ tiềm tàng. Sau khi hoàn toàn vượt qua rào cản tâm lý, huấn luyện viên của cậu nói rằng đó sẽ là người duy nhất anh ta muốn tiếp tục làm việc. Đấy cũng là thay đổi lớn nhất tôi từng gặp ở một người chơi khi giải quyết vấn đề về tâm lý" ông chia sẻ thêm.
Dù vậy, đối với những người chơi cá nhân, mở rộng mối quan hệ ngoài đời thật sự rất khó. Hẹn hò ai đó hay muốn có một mối quan hệ lâu dài là bất khả thi khi 95% thời gian của bản thân dành cho nghề nghiệp. Thời gian biểu "không kẽ hở" có thể làm bạn nghẹt thở kể cả khi không bị soi mói trên sân khấu và chỉ trích liên tục từ các diễn đàn, mạng xã hội.
Khi một người phải sống trong không gian kín và không đủ thời gian để rời khỏi, họ sẽ làm gì? Với các tuyển thủ, họ sử dụng máy tính, công cụ chính của bản thân, để giao tiếp với mọi người. Không như các môn thể thao truyền thống khác, eSport, chẳng hạn như Liên Minh Huyền Thoại, làm tuyển thủ không thể tắt máy tính quá lâu. Điều đó dẫn đến họ không thể tránh được các bình luận, tin nhắn thù ghét, đe doạ từ người lạ cho đến những kẻ tự gọi mình là "fan chân chính".
Các tuyển làm mọi cách để chặn tin ngắn từ Facebook, Reddit, Twitter, điều chỉnh để chỉ nhận được tin nhắn từ người họ tin tưởng. Tuy nhiên, nhiều khi thế vẫn chưa đủ
Không như thể thao truyền thống, eSport cho phép người hâm mộ cảm thấy "gần" với idol của mình thông qua mạng xã hội như trò chuyện trên Twitter, bình luận hay ủng hộ người chơi trên Twitch, tham dự họp mặt người hâm mộ sau một mùa đấu. Đó là trải nghiệm tuyệt vời cho người hâm mộ, nhưng không hẳn cho tuyển thủ.
Kim "Olleh" Joo-sung là cựu tuyển thủ của Team Liquid, đội mạnh ở phía Tây bán cầu. Anh hướng ngoại, đồng thời cũng là người chơi thân thiện và lạc quan nhất bạn có thể gặp, luôn nở một nụ cười trên môi ở các buổi phỏng vấn. Nhưng anh ấy cũng như bao người khác, cũng có thể vụn vỡ.
Cựu hỗ trợ của Team Liquid, Kim "Olleh" Joo-sung đối mặt với áp lực tinh thần và phải nhận sự hỗ trợ của một chuyên gia tâm lý để chống lại căng thẳng khi thi đấu. Ảnh: Riot Games.
Tại giải đấu lớn thứ 2 Liên Minh Huyền Thoại, MSI, được tổ chức ở Châu Âu năm 2018, Olleh đã làm một điều khó tin. Sau khi thất bại thảm hại ở đầu giải, anh tự mình chuyển sang ngồi dự bị. Olleh cảm thấy mình không có phong độ tốt cho giải đấu. Mặc dù ngay hôm sau, anh quay trở lại và giúp Team Liquid đi tiếp, anh cũng đã chịu đủ tổn thương.
Olleh bị chỉ trích trực tuyến vì không đủ mạnh về mặt tinh thần cho giải đấu. Tuy rằng anh đã cố gắng minh bạch trên Twitter về những gì đã xảy ra, phản ứng chỉ càng dữ dội thêm. Khi đội tuyển bị loại khỏi giải đấu mà không qua nổi vòng loại, mọi chỉ trích lại đổ dồn lên người Olleh. Anh quá nhỏ yếu, quá mỏng manh.
Nếu bạn được nhận lương để chơi điện tử, thứ mà hầu như mọi người phải trả tiền để có thể tận hưởng, ai cho phép bạn phàn nàn.
"Tôi từng cảm thấy bị xúc phạm bởi những gì họ nói. Tôi đối mặt với những lời nói của người hâm mộ, hoàn toàn cởi mở và tweet của tôi có những gì tôi thật sự nghĩ. Sau MSI, tôi học được rất nhiều và sẽ nghiêm túc nhận những chỉ trích. Thay vì giả tạo, tôi quyết định nói thật với người hâm mộ của tôi. Trên YouTube, tôi nói về những yếu đuối của bản thân, những vấn đề và bây giờ mọi người thấy tôi đang tốt hơn từng ngày", Olleh chia sẻ.
Vài năm trước, vấn đề của Olleh có lẽ sẽ bị đồng đội anh gạt bỏ và xem như những điều nhỏ bé không đáng quan tâm. Nếu anh không thể khắc phục, anh sẽ bị thay thế bởi một thành viên khác, người có lẽ cũng mắc những vấn đề tương tự và vòng lặp sẽ cứ thế quay. Những người trẻ tuổi tiếp tục thực hiện ước mơ của mình cho đến khi họ tinh thần bị tàn phá đến mức không thể chịu nổi nữa. Thái độ đó gần đây đã có sự thay đổi rõ rệt, sự đầu tư ngày càng nhiều vào eSport đã làm những chủ đội tuyển bắt đầu chú ý về vấn đề này. Càng ngày càng ít những tuyển thủ bị thay thế do vấn đề về tâm lý.
"Chúng tôi xem vấn đề tâm lý ngang hàng với bất cứ vấn đề y tế nào. Chúng tôi cung cấp cho những tuyển thủ mọi tài nguyên họ cần cũng như khuyến khích họ tìm kiếm liệu pháp phù hợp cho bản thân", Sebastian Park, phó chủ tịch eSport của Houston Rockets và Clutch Gaming cho biết.
Với sự chú trọng về vấn đề tinh thần cho các tuyển thủ, nhiều đội tuyển đã có các chuyên gia tâm lý riêng. Đồng thời, hình thức team house cũng dần bị huỷ bỏ khi nó là một trong những nguyên do cho sự kiệt sức của các tuyển thủ. Một hy vọng về sự nghiệp dài hơi và lành mạnh hơn đang chớm nở.
"Nếu người bên cạnh bạn không bao giờ nói về vấn đề bạn đang mắc phải, đó không phải là một người bạn thực sự. Họ có thể là bạn tốt, nhưng không đủ. Hãy luôn tìm cho mình những người bạn sẽ ở bên cạnh bạn giúp bạn giải quyết vấn đề. Ngay từ đầu, có thể bạn sẽ ghét những người như vậy, nhưng dần dà về sau, bạn sẽ mừng vì có được họ" Olleh bày tỏ.
Trò chơi điện tử, đôi khi, là một hình thức trốn tránh thực tại. Vào vai những nhân vật trong thế giới giả tưởng với kiếm, súng và ma thuật, nghe rất vui, hoàn toàn không căng thẳng. Tuy nhiên, khi sự "vui vẻ" đó là nghề nghiệp của bạn, nó không còn là lối thoát nữa. Điều tuyệt vời nhất trò chơi điện tử mang đến chính là niềm vui và sự giải thoát khỏi thế giới khắc nghiệt ngoài kia. Điều tệ nhất lại trái ngược hoàn toàn.
Không có thứ thể thao nào mà ngay hôm nay, bạn đang chơi vui vẻ một mình. Ngày hôm sau, có ai đó thấy bạn chơi tốt và rồi bạn bị quăng lên sân khấu có hàng triệu người nhìn và chỉ trích khi bạn mắc sai lầm. Bạn có quá ít thời gian để làm quen, không có hướng dẫn cấp tốc để đối phó với những lời chê bai. Chỉ có bạn và bốn người đồng đội của mình đối mặt với khoảng khắc to lớn nhất đời mình. Từ đó về sau, mỗi ngày lại là một khởi đầu mới.
Đó là mặt trái của eSport: đáng sợ, cô độc và hỗn loạn.