Ngày 7/5/2021, vắc xin Sinopharm được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) với hiệu quả bảo vệ lên đến 78.2%, đây cũng là vắc xin Covid-19 đầu tiên sử dụng công nghệ bất hoạt được đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO. Trước đó, WHO chỉ chấp thuận các vắc xin Covid-19 do AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson sản xuất.
Theo TS BS. Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, vắc xin Sinopharm làm theo công nghệ vắc xin "cổ điển" hơn so với một số loại vắc xin phòng Covid-19 khác đang được sử dụng như Pfizer và Moderna. Nếu như vắc xin Pfizer và Moderna được bào chế theo công nghệ mRNA, thì vắc xin Sinopharm dùng virus SAR-CoV-2 bất hoạt (sinh kháng thể nhưng không thể gây bệnh).
Vắc xin bất hoạt là loại vắc xin được sản xuất bằng việc nuôi cấy tác nhân gây bệnh (SARS-CoV-2), thường là virus trong môi trường thích hợp. Đến giai đoạn tác nhân gây bệnh phát triển tốt, việc sử dụng nhiệt, hóa chất hoặc xạ trị sẽ giúp tiêu diệt hoặc giảm độc lực của chúng, còn gọi là bất hoạt.
Người dân TP. HCM đi tiêm vắc xin COVID-19
Dù không sử dụng công nghệ sản xuất vắc xin tiên tiến nhưng vắc xin Sinopharm có kết quả hậu lâm sàng cho thấy hiệu quả bảo vệ lên đến 78.2%. Vắc xin Sinopharm cũng có hiệu quả 79% trong việc giảm tỷ lệ nhập viện khi mắc COVID-19.
"Đối với các loại vắc xin sản xuất theo công nghệ cổ điển, khi sử dụng khá an toàn, nên mọi người có thể yên tâm sử dụng. Vắc xin Sinopharm không được sản xuất ở một nước tiên tiến nhưng nó trải qua một quá trình thử nghiệm nghiêm ngặt và đã được WHO cấp phép do vậy đây là vắc xin an toàn khi tiêm", bác sĩ Huy Luân nói.
Bác sĩ Huy Luân cho hay vắc xin Sinopharm là vắc xin bất hoạt cho nên hầu hết các phản ứng ghi nhận sau tiêm là từ nhẹ tới trung bình. Một số tác dụng phụ phổ biến của vắc xin Sinopharm là đau, mẩn đỏ, sưng tấy ở vị trí tiêm; mệt mỏi; đau đầu, đau cơ; sốt, ớn lạnh, buồn nôn.
Các phản ứng không phổ biến là: chóng mặt, chán ăn, đau họng, khó nuốt, chảy nước mũi, táo bón, quá mẫn cảm.
Ngoài ra, một số phản ứng hiếm gặp có thể xảy ra là hôn mê, buồn ngủ, khó ngủ, viêm mũi họng, nghẹt mũi, khô họng, cúm, giảm cảm, đau chân tay, đánh trống ngực; đau bụng, phát ban, niêm mạc da bất thường, mụn trứng cá, bệnh nhãn khoa, tai; khó chịu, nổi hạch.
Những phản ứng sau tiêm rất hiếm gặp (dưới một trên 10.000 liều) là ớn lạnh, rối loạn chức năng vị giác, mất vị giác, dị cảm, run, rối loạn chú ý; chảy máu cam, hen suyễn, kích ứng cổ họng, viêm amidan, khó chịu, cổ đau, đau hàm, u cổ, loét miệng, đau răng, rối loạn thực quản; viêm dạ dày, đổi màu phân, bệnh nhãn khoa, mờ mắt, kích ứng mắt; đau tai, căng thẳng, tăng huyết áp, hạ huyết áp, tiểu tiện không tự chủ, chậm kinh nguyệt.
Riêng về phản ứng phản vệ sau tiêm vắc xin Sinopharm hiện chưa đủ thông tin để ước tính.
Vắc xin Sinopharm được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp
Để giảm bớt tác dụng phụ khi gặp phải sau tiêm vắc xin chuyên gia lưu ý bạn nên uống thật nhiều nước và mặc trang phục nhẹ nhàng để giảm cảm giác khó chịu do sốt.
Vắc xin Sinopharm được chỉ định cho người từ 18 tuổi trở lên. Người tiêm sẽ được tiêm mỗi liều 0,5 ml vào bắp. Lịch tiêm gồm hai mũi, cách nhau 21-28 ngày. Nếu liều thứ hai bị trì hoãn quá 4 tuần thì cần được tiêm trong thời gian sớm nhất có thể.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Luân, có 3 đối tượng chống chỉ định, tạm hoãn tiêm vắc xin COVID-19 Sinopharm, cụ thể như sau:
- Nhóm người dị ứng với các thành phần của vắc xin;
- Người mắc bệnh COVID-19 đã điều trị khỏi dưới 6 tháng, có các bệnh lý cấp chưa được kiểm soát;
- Phụ nữ đang mang thai dưới 13 tuần.